Chính khách: Cổ động viên đặc biệt
Khi tuyển Đức thắng đậm Bồ Đào Nha, người Đức sung sướng không đơn giản vì đó là câu chuyện bóng đá. Bởi lẽ trên khán đài trận đấu đó, người ta thấy một gương mặt quen thuộc: Bà Thủ tướng Đức - Angela Merkel.
Thủ tướng Đức cho tới tận lúc này vẫn được cho là người đàn bà thép, người quyền lực nhất liên minh Châu Âu (EU). Bà Merkel có sở thích kỳ lạ với bóng đá. Với nhiều nguyên thủ, đôi lúc họ có thể “giả vờ” thích một môn thể thao nào đó nhất là khi được mời dự khán. Thế nhưng cứ nhìn cách ăn mừng và ánh mắt bà Thủ tướng Đức thì tin chắc là bà Merkel yêu bóng đá thật chứ không phải là để diễn.
Kể từ khi nắm Chính phủ Đức, mỗi khi tuyển Đức thi đấu ở những VCK lớn thì bà Merkel hầu như đều có mặt. Nếu không phải là một cuộc tiễn đưa hoành tráng thì bà cũng sẽ bay sang tận nơi động viên hoặc ngồi trên khán đài.
Nhưng cũng có người nói bà Merkel rất khéo lồng chính trị vào câu chuyện bóng đá. Chẳng hạn, tại EURO 2008, bà Merkel ngồi trên khán đài cùng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ xem trận bán kết giữa hai đội này. Giới phân tích cho rằng, đây là một động thái nằm trong chính sách “ngoại giao bóng đá” của bà Merkel và đã có tác dụng làm mềm đi mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, bởi trước đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã có phát biểu khá sốc liên quan đến vấn đề người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư vào Đức.
Hay năm 2012, bà Merkel tuyên bố xem trận quyết đấu tứ kết EURO 2012 giữa Đức và Hy Lạp. Đây cũng được cho là một nỗ lực giảm thiểu mối căng thẳng giữa hai quốc gia này. Bởi lẽ thời gian đó là thời gian mà bà Merkel kiên quyết bảo vệ biện pháp “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm các khoản chi hỗ trợ cho khoản nợ khổng lồ của Chính phủ Hy Lạp, khiến quốc gia này lâm cảnh suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Một con số thống kê rất vui là tuyển Đức thường thắng khi có bà Merkel trên khán đài, điển hình là các trận thắng Thổ Nhĩ Kỳ (3 - 0), thắng Argentina (4 - 0) 4 năm trước tại World Cup 2010. Và gần nhất như ai cũng biết là bà Merkel dự trận Đức thắng Bồ Đào Nha 4 - 0. Thậm chí Sami Khedira và Thomas Mueller còn quả quyết: “Bà ấy mang may mắn đến cho chúng tôi. Trận nào có bà ấy xem là tuyển Đức thắng”.
Bởi thế dễ hiểu khi chính các cầu thủ tuyển Đức cũng nghẹn ngào khi bà Merkel xuống tận phòng thay đồ của các cầu thủ. Tất nhiên cũng không phải chính khách nào công khai tuyên bố cầu thủ là thần tượng của mình. Bà Merkel làm được điều ấy: Bà khẳng định mình thần tượng cầu thủ Bastian Schweinsteiger!
Không chỉ bà Merkel, một chính khách khác là nhà vua Hà Lan Willem-Alexander và Hoàng hậu Maxima đến tận phòng thay đồ chúc mừng thầy trò Louis van Gaal sau chiến thắng của tuyển nước này trước Australia. Đó là động lực để “cơn lốc” Hà Lan tiếp tục bay cao…
Sứ mệnh của chính khách
World Cup cũng đón một chính khách khá đặc biệt: Phó Tổng thống Mỹ - Joe Biden. Cũng như Tổng thống Obama, ông Biden khá yêu thể thao. Sau khi Mỹ thắng Ghana, ông Biden cũng tới tận phòng các cầu thủ và khen ngợi họ. Tại World Cup 2010 Nam Phi, ông Bidel cũng có mặt trên khán đài chứng kiến trận hòa 1 - 1 giữa Mỹ và Anh. Thật ra sứ mệnh của ông Biden không chỉ là động viên tinh thần các cầu thủ Mỹ ở World Cup mà còn có vai trò “nâng tầm” bóng đá trong người dân Mỹ.
Thể thao Mỹ lâu nay vẫn bị cho là quá coi trọng bóng chày, bóng rổ, golf mà quên đi “quyền năng” của bóng đá. Nên nhớ, dù không có thành tích gì đặc biệt nhưng Mỹ lại có thành tích mà nhiều quốc gia “mơ không có” đó là lần thứ 7 liên tiếp lọt vào VCK World Cup.
Thật ra, thể thao Mỹ cũng đã làm rất nhiều cách để bóng đá trở nên cuốn hút hơn trong con mắt người Mỹ. Cụ thể như việc mời những ngôi sao hàng đầu về thi đấu như Beckham đến Los Angeles Galaxy đã trở thành một sự kiện lớn. Sự hiện diện của Beckham không chỉ khiến anh trở thành người đàn ông Anh nổi tiếng nhất trên đất Mỹ mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến nền bóng đá nước này thông qua việc thay đổi nhận thức của người dân Mỹ về bóng đá.
Tuy nhiên, chỉ mình Beckham thì chưa đủ, còn hàng loạt những cầu thủ xuất sắc khác như Henrry, Deco, thậm chí tuyển thủ Anh Lampard sau World Cup này cũng dự kiến tới Mỹ. Nên nhớ, những ông chủ Mỹ đã và đang là những người sở hữu CLB có thương hiệu lớn nhất hành tinh là Manchester United, Liverpool… Song vẫn cần sự quan tâm một cách đặc biệt như ngài Phó Tổng thống Mỹ để người dân cảm nhận thấy “tầm ảnh hưởng” của môn thể thao này. Ít nhất là ông Biden đã làm tốt vai trò của mình và tác động để 11,1 triệu người Mỹ kiên nhẫn ngồi xem và hò reo tuyển nước này thi đấu tại World Cup trên đất Brazil…
Theo Lao Động