Thứ Ba, 05/11/2024Mới nhất
Zalo

Góc tản mạn: World Cup của những “underdog”

Thứ Ba 17/06/2014 17:29(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chúng ta luôn chờ đợi ở World Cup những màn so tài nảy lửa giữa những “ông kẹ” của làng túc cầu, của những ngôi sao khiến cho mọi cầu trường nổ tung. Thế nhưng có một bức tranh khác về World Cup, một bức tranh miêu tả thế giới của những “underdog”, những kẻ chiếu dưới cũng không kém phần màu sắc. Hãy cùng xem bức tranh ấy cho chúng ta thấy điều gì khi World Cup sắp đi hết lượt trận vòng bảng đầu tiên.

Từ những mảng màu sáng…

Như đã nói ở trên, những kẻ chiếu dưới – underdog không phải là những đội bóng có khả năng cao để đi tới trận đấu cuối cùng của World Cup. Thậm chí với họ, đi tới tứ kết hoặc vượt qua vòng bảng đã là một kỳ tích. Tuy nhiên, họ có những mục đích và động lực rất riêng để thi đấu tốt tại đấu trường lớn nhất cấp quốc gia này.

Đầu tiên, xét trên góc độ tập thể, phải kể tới việc quảng bá hình ảnh cho đất nước. World Cup là một dịp hiếm hoi để những đội bóng “nhược tiểu” có thể gây sự chú ý với cả thế giới về nền bóng đá cũng như nền văn hoá của nước mình.

Năm 2010, ai có thể quên được những dòng nước mắt của Jong Tae Se trong khi hát quốc qua ở trận đấu với Brazil? Một đất nước đóng cửa với thế giới, nhân dân còn đói nghèo giờ đây như được bước ra ánh sáng trên đấu trường World Cup. Ở một trận đấu cả triệu người theo dõi, khi quốc ca của đất nước mình vang lên, cầu thủ được mệnh danh là “Rooney của Triều Tiên” đã không kìm được xúc động. Đó được đánh giá là một trong những hình ảnh ấn tượng nhất World Cup năm đó.

Các cầu thủ và CĐV Nhật Bản đã có những hành động rất đẹp sau trận đấu
Các cầu thủ và CĐV Nhật Bản đã có những hành động rất đẹp sau trận đấu

Hay như năm nay, một đội bóng châu Á khác là Nhật Bản đã khiến cả thế giới một lần nữa phải thán phục vì tinh thần của mình. Sau trận đấu với Bờ Biển Ngà, các cầu thủ Nhật Bản đã cúi đầu xin lỗi CĐV vì không bảo vệ được thành quả của mình, cho dù xét một cách thẳng thắn, họ đã thi đấu sòng phẳng với Bờ Biển Ngà và xứng đáng có ít nhất là 1 điểm. Còn các CĐV Nhật Bản, họ cũng là những người đã ở lại cuối cùng để hỗ trợ các nhân viên dọn dẹp rác sau trận đấu. Một lần nữa hình ảnh Nhật Bản lại đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế, dù họ không thắng.

Tiếp theo, đó là những khoản thu đáng kể mà một quốc gia có thể thu về sau khi tham dự World Cup. Đối với mỗi đội tham dự World Cup, họ nghiễm nhiên đã đút túi 9,5 triệu đô trong trường hợp dừng bước ngay ở vòng bảng. Nếu như những “chú lùn” làm nên bất ngờ và vượt qua vòng bảng, họ sẽ được nhận thêm 9 triệu đô, và con số này sẽ tăng lên tới 14 triệu đô nếu họ đi tới vòng tứ kết. Rõ ràng, với một quốc gia phát triển, đó không phải là một con số quá lớn, thậm chí nó còn thua xa số tiền mà một đội nhận được khi tham gia Champions Legue (mỗi đội đá vòng play-off đã nhận được 2,87 triệu đô). Tuy nhiên, với những quốc gia có GDP bình quân đầu người thuộc hàng thấp nhất thế giới như Bờ Biển Ngà, Cameroon hay Nigieria, đó quả thật là những con số đáng mơ ước.

Joel Campbell đã có màn trình diễn ấn tượng trong chiến thắng trước Uruguay
Joel Campbell đã có màn trình diễn ấn tượng trong chiến thắng trước Uruguay

Xét trên phương diện cá nhân, đây cũng là dịp không thể tốt hơn để các cầu thủ của những nền bóng đá kém phát triển có thể “phô diễn” khả năng của mình trước con mắt của hàng nghìn tuyển trạch viên từ khắp các CLB trên toàn thế giới và không ít trong số đó tới từ vùng đất hứa châu Âu. Thử hỏi nếu như Joel Campbell không giúp Costa Rica tạo nên “cơn địa chấn” mang tên Uruguay, liệu HLV Wenger có ngạy lập tức đảm bảo tương lai của anh tại sân Emirates, hay tiền đạo 21 tuổi lại tiếp tục rong ruổi với những bản hợp đồng cho mượn? Và sự thật, trong quá khứ cũng không ít những cầu thủ đã bước ra ánh sáng nhờ những màn trình diễn ấn tượng tại World Cup như El Hadji Diouf, Salif Diao (Senegal), Lee Young Pyo, Ahn Jung-Hwan (Hàn Quốc) năm 2002, hay mới đây nhất là Chicharito (Mexico) năm 2010

Rõ ràng World Cup đã có những ảnh hưởng rất tích cực tới những nền bóng đá kém phát triển nói chung và những cầu thủ tiềm năng nói riêng.

…tới những gam màu tối

Tuy nhiên, cuộc hành trình của những “underdog" không hoàn toàn suôn sẻ như vậy. Vẫn có những phần tối trong bức tranh của họ tai World Cup

Đơn cử như nội bộ Cameroon lục đục ngay trước thềm World Cup 2014 vì vấn đề tiền thưởng. Các cầu thủ, mà cầm đầu chính là “Báo đen” Samuel Eto’o đã không lên máy bay sang Brazil để phản đối cơ chế chia tiền thưởng bất hợp lý của LĐBĐ nước này, và chỉ khi những quan chức của bóng đá Cameroon chịu vay tiền tư nhân để giải quyết, vấn đề mới tạm lắng xuống. Có những thông tin cho rằng đây là căn bệnh trầm kha của Cameroon từ thời World Cup 1990, khi mà huyền thoại Roger Milla đặt cột mốc lịch sử cho Cameroon khi cùng “Sư tử bất khuất” vào tới tứ kết. Trách các cầu thủ không tôn trọng màu cờ sắc áo, hay trách các quan chức đã ăn chặn khoản tiền mà các cầu thủ đang rất trông đợi để có một khoản kha khá cho cuộc sống của mình? Dù câu trả lời có là thế nào, thì hình ảnh của Cameroon cũng đã xấu đi rất nhiều trong mắt bạn bè quốc tế.

De Bruyne và Origi đã xô xát với nhau ngay trên sân tập của ĐT Bỉ
De Bruyne và Origi đã xô xát với nhau ngay trên sân tập của ĐT Bỉ

Hay như những “dark horse” – ngựa ô của giải đấu, một đặc sản của những đội bóng chiếu dưới cũng có những vấn đề. Năm nay Bỉ và Croatia được đánh giá là những “ứng cử viên” tiềm năng cho danh hiệu ngựa ô của giải. Chưa biết kết quả ra sao, nhưng ngay từ vòng 1, Croatia đã liên tiếp “ăn vạ” về quả penalty oan ức trong trận khai mạc với Brazil, hết chỉ trích trọng tài tới đập phá phòng thay đồ sau trận đấu. Còn với ĐT Bỉ, nội bộ của họ đã thể hiện rõ sự bất ổn ngay cả khi còn chưa ra quân thi đấu khi Kevin De Bruyne và Divock Origi “choảng” nhau ngay trên sân tập.

Rõ ràng không phải lúc nào cuộc sống cũng màu hồng, và World Cup với những kẻ chiếu dưới cũng vậy. Tuy nhiên, chúng ta vẫn luôn mong đợi ở họ một điều bất ngờ, giống như một thứ gia vị khác biệt để tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn. Bóng đá nói chung và World Cup nói riêng sẽ thật nhàm chán nếu không có những luồng gió tươi mới đến từ những đội bóng chiếu dưới. Và vì thế chúng ta vẫn có quyền hy vọng ở họ, giống như các CĐV Bosnia & Herzegovina vẫn hy vọng ở các cầu thủ con cưng sau thất bại trước Argentina. Với họ, việc vượt qua nội chiến trong quá khứ và những bất ổn chính trị ở hiện tại để có mặt ở Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã là một kỳ tích rồi.

Thế Hưng

Có thể bạn quan tâm

Chuyện lạ World Cup: "Tôn giáo Argentina" tại Bangladesh

Chuyện lạ World Cup: Tôn giáo Argentina tại Bangladesh

Chuyện lạ World Cup: "Tôn giáo Argentina" tại Bangladesh

Trong tất cả những điều kỳ lạ mà bạn đã nghe về World Cup, tất cả những câu chuyện kỳ quặc và tuyệt vời về cách môn thể thao cổ lỗ sĩ này có thể ảnh hưởng đến hành vi của con người, hãy nghĩ xem liệu có bao nhiêu câu chuyện khiến bạn kinh ngạc như những gì đang diễn ra ở Bangladesh mà bạn sắp được nghe.  

Xem thêm
top-arrow
X