- Rực rỡ lễ khai mạc World Cup đắt giá nhất lịch sử
- Lộ "bùa yêu" giúp Neymar chơi thăng hoa
- Nigeria bị nhầm quốc kỳ trong lễ khai mạc World Cup 2014
Trọng tài Nhật dùng bọt sơn để kẻ vạch hàng rào vị trí hàng rào đá phạt. |
Trong trận đấu khai mạc World Cup 2014 giữa đội chủ nhà Brazil và Croatia, trọng tài người Nhật Bản Yuichi Nishimura đã sử dụng công cụ hỗ trợ đặc biệt để hỗ trợ quá trình cầm cân nảy mực. Khi Brazil hưởng quả phạt trực tiếp trong hiệp 1, ông "vua sân cỏ" đã sử dụng một bình phun bọt sơn đặc biệt để xác định vị trí hàng rào của đội Croatia.
“Vua áo đen” Yuichi Nishimura tạo ra một vạch bọt sơn màu trắng ở cách vị trí đá phạt 10 m, ngăn các cầu thủ Croatia xâm phạm. Hành động của vị trọng tài FIFA khiến nhiều người ngạc nhiên và liên tưởng nó tới những nghệ sĩ vẽ graffiti. Tuy nhiên, vạch sơn này sẽ biến mất sau khoảng một phút và không làm ảnh hưởng tới chất lượng mặt sân.
Trên thực tế, hành động thủ công này đã giải quyết một trong những vấn đề nhức nhối trên sân cỏ, khi các cầu thủ thường cố tình đứng gần vị trí đá phạt của đối phương hơn so với quy định. Ở vị trí gần hơn giúp họ gia tăng khả năng cản phá cú đá phạt của hàng rào. Đây được xem là hành vi gian lận đơn giản nhưng lại rất khó thổi phạt.
Vạch sơn thần kỳ là sản phẩm của nhà báo, doanh nhân Pablo Silva người Argentina. Trả lời phỏng vấn trên Reuters, ông Silva chia sẻ: "Ý tưởng này nảy sinh 7 hoặc 8 năm trước, khi tôi tham dự một giải đấu dành cho các cựu sinh viên. Phút thứ 88 trận đấu, chúng tôi giành một quả đá phạt trực tiếp khi đang bị dẫn trước 1 – 0. Tuy nhiên, đối phương lập hàng rào rất gần vị trí đá phạt trong khi trọng tài chẳng thể làm gì. Chúng tôi thua và ra về trong hậm hực nên tôi quyết định phải làm gì đó để ngăn chặn những gian lận ấy".
Đó là hoàn cảnh vạch sơn thần kỳ ra đời. Nhà sáng chế gọi nó là 9:15 Fairplay hay Hàng rào 10 m. Người ta sử dụng nó ở Mỹ và Canada trong nhiều năm qua nhưng đây là lần đầu tiên dụng cụ này góp mặt trong một kỳ World Cup.
Ngoài bọt tự biến, World Cup tại Brazil còn áp dụng thêm công nghệ đường biên điện tử, hỗ trợ đắc lực cho trọng tài trong việc xác định bóng đã qua vạch vôi hay chưa. Tuy nhiên, dù có sử dụng bất cứ công nghệ nào thì kinh nghiệm và trực quan của trọng tài vẫn là yếu tố then chốt.
Theo Zing