Thuở sơ khai của Premier League: 4-4-2 cùng những mặt sân sình lầy...

Tác giả KDNX - Thứ Sáu 26/08/2022 11:24(GMT+7)

Premier League ngày đầu tiên ra mắt đã vấp phải rất nhiều khó khăn, từ việc vấp phải sự phản đối của các HLV cho tới sự "gay gắt" của các cây viết bóng đá thời điểm đó dành cho Sky Sports, đơn vị phát sóng chính của Premier League thời điểm đó. Tuy nhiên, theo Ian Darke, tác giả của một bài viết cho trang ESPN và là cựu nhân viên của Sky Sports thời điểm đó, Premier League thuở sơ khai vẫn là một thứ gì đó tươi đẹp với ông.

 

Đội hình 4-4-2 và mặt sân sình lầy

Vào năm 1992, Premier League, khi đó được biết dưới cái tên Premiership, trông chẳng khác gì một phiên bản "màu mè hoa lá hẹ" của giải vô địch quốc gia cũ (First Division-BTV). Các trận đấu khi đó vẫn thi đấu trên những bãi cỏ sình lầy mùa đông, khác với những mặt sân cỏ xanh mượt mà chúng ta thường coi nhẹ.

Đương nhiên, các đội bóng khi đó vẫn đi theo cái lối mòn 4-4-2 với một tiền đạo ở tuyến trên cùng một tiền đạo phụ nhỏ con, nhanh nhẹn phía sau. Vị trí thủ môn quét như chúng ta biết ngày nay, những người thực hiện các pha phân phối bóng xung quanh khu vực vòng cấm hoặc làm một hậu vệ phụ, sẽ bị coi là một trò cười ở các đội bóng khi đó. Thế giới bóng đá ở thời đó thực sự chưa bao giờ nghĩ đến một HLV như Pep Guardiola, người giành danh hiệu Champions League ở vị trí tiền vệ phát động bóng của Barcelona thời gian đó. Tóm lại, mọi thứ rất khác.

NHM khi đó tỏ ra hoài nghi về việc đổi tên hạng đấu hàng đầu nước Anh, còn các cây viết bóng đá than phiền về việc các trận đấu sẽ trở nên tồi tệ nếu Sky Sports trở thành đơn vị phát sóng chính, đồng nghĩa với việc các trận đấu trực tiếp trên kênh BBC và ITV sẽ không còn miễn phí nữa, có thể so sánh điều này với việc K+ lúc mới xuất hiện ở Việt Nam vậy.

Các cầu thủ không cho thấy sự hứng thú với mọi thứ, còn các HLV, theo lời của Ian Darke, BLV của Sky Sports và là tác giả của bài viết cho trang ESPN, lại cho than phiền về lịch thi đấu mới được vạch ra bởi nhà đài Sky Sports, trong đó có một ý tưởng "điên rồ" mang tên "Bóng đá tối thứ hai". Ngoài ra, theo Ian Darke, còn có ý tưởng để một chú lợn bơm hơi trôi nổi ở vòng tròn giữa sân nữa.

Mối quan hệ không mấy vui vẻ giữa truyền thông và giới làm bóng đá Anh

Theo Ian Darke, tiền vệ Neil Webb từng kéo ông ra một góc rồi hỏi: "Tại sao các người lại cho chúng tôi thi đấu vào ngày thứ hai chứ ? Chết tiệt." Còn khi ông gọi Howard Wilkinson, HLV của ĐKVĐ Leeds United, vào một tối chủ nhật, khi đội bóng của HLV người Anh đang di chuyển tới Norwich trên xe buýt của đội, ông đã nhận được lời than phiền: "Công ty truyền hình của các người khiến chúng tôi phải lái xe qua cái giá lạnh của mùa đông để thi đấu một trận đấu chúng tôi không muốn thi đấu đây này."

Tuy nhiên, Ian Darke đã tìm được cách "chiếu tướng" vị HLV khó tính, đó là hỏi vị HLV người Anh liệu ông có trả lại số tiền phí 500.000 Bảng mà Sky Sports đã đưa cho họ để thi đấu trận đấu này hay không.

Là BLV của một kênh truyền hình bị ghét bởi NHM bóng đá nước nhà khi đó, Ian Darke cảm nhận rõ những áp lực lớn lao. Theo ông, các nhà phê bình truyền hình đã "thủ sẵn giáo mác" để "chặt chém" ông trên mặt báo nếu ông mặc dù chỉ một lỗi sai. Ở trận đấu "Đêm Thứ Hai" đầu tiên giữa Manchester City và Queens Park Rangers, một trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 1-1 được nhớ đến bởi pha ra chân tuyệt đẹp của Andy Sinton bên phía Queens Park Rangers, David Hill, cấp trên của Ian Darke khi đó, đã kéo ông ra đường hầm rồi thì thầm: "Đừng có mà làm hỏng ăn đấy nhé Darke." Theo Darke, có lẽ màn trình diễn của ông đã thành công, bằng chứng là ông vẫn giữ được công việc bình luận của mình.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tỏ ra khó chịu với giải đấu mới. Theo Ian Darke, một trong số những người thấy hài lòng với Premier League đó là Alex Ferguson, HLV của Man United thời điểm đó. Trong bài viết của mình, Ian Darke kể rằng Sir Alex Ferguson đã đồng ý gặp ông ở khách sạn để uống cà phê, sau đó bàn chuyện với nhau, thậm chí, vị HLV người Scotland còn cho ông biết về đội hình trong trận đấu đó.

 

Thế nhưng, cũng có lúc Sir Alex Ferguson tỏ ra khó chịu với cánh phóng viên. Cụ thể, theo tác giả bài viết, đã có lần Sir Alex yêu cầu họ "cút đi cho khuất mắt tôi" bởi ông tỏ ra khó chịu với một bài viết mang tên "Tội ác của Cantona" (Cantona's Crime-BTV) trên kênh Sky News.

Hồi đấy, khá nhiều HLV mời cánh phóng viên đến uống trà, thậm chí trao đổi thông tin hậu trường cho các buổi phát sóng. Nhưng theo Ian Darke, ở thời điểm hiện tại, điều đó rất hiếm khi xảy ra. Các đội hình luôn được giữ bí mật tới giờ chót, còn các cầu thủ luôn để các nhân viên hình ảnh giao tiếp với phóng viên. Theo Ian Darke, mọi thứ đang dần trở nên "công nghiệp" trong thời đại bóng đá hiện đại. Một ví dụ rõ ràng nhất được tác giả chỉ ra trong bài viết đó là sự bùng nổ của thời đại truyền thông xã hội bên cạnh giới truyền thông "cổ điển" như báo chí, đài truyền thanh hay vô tuyến.

Điều này đã khiến cho giới truyền thông, đặc biệt là ở Sky Sports phải làm đủ thứ "chiêu trò" để thu hút khán giả, từ những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Gary Neville với Jamie Carragher, hay gần đây nhất là cuộc tranh cãi giữa Gary Neville và Jamie Redknapp về giới thượng tầng của đội chủ sân Old Trafford. Tuy nhiên, ở thời kỳ sơ khai, BTC Premier League và nhà đài Sky Sports lại có phần "nghiệp dư" hơn rất nhiều. Hai ví đụ được tác giả bài viết đưa ra đó là việc Richard Keys, người dẫn chương trình của Sky Sports khi đó, thường mặc những chiếc áo jacket kỳ quặc, tiếp đó là việc mời ban nhạc The Shamen, những người hâm mộ Tottenham Hotspur nhiệt thành, đến chơi nhạc ở trận đấu trên sân của Arsenal.

"Cú hích" cho sự phát triển của bóng đá Anh

Trên sân bóng, Manchester United là đội giành được danh hiệu VĐQG đầu tiên sau 26 năm, còn Liverpool chật vật trong nhiều năm trời sau những tháng ngày vàng son. Rút cục, The Kop kết thúc ở vị trí thứ 6, còn Manchester City ngụp lặn ở bảng xếp hạng cho tới ngày họ xuống tới giải hạng 3 vào năm 1999. Arsenal dù có được "máy dội bom" Ian Wright vẫn kết thúc ở vị trí thứ 10 đầy thất vọng, còn Spurs xếp thứ 8, cách 3 bậc so với Chelsea, còn Queens Park Rangers kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 5, thành tích cao nhất của một đội bóng London khi đó.

Nhưng đáng buồn nhất là Nottingham Forest của Brian Clough, đội bóng đã xuống hạng sau khi HLV của họ không còn giữ được "đôi tay vàng" như trước. Ở chiều ngược lại, Oldham Athletic trụ hạng thành công bởi một Joe Royle tận tụy cùng những cầu thủ "du mục" như Mike Milligan, Rick Holden hay cầu thủ người Na Uy, Gunnar Halle. Một cái tên khác cũng trụ hạng thành công đó là...nhà ĐKVĐ Leeds United, đội bóng chỉ cách vị trí xuống hạng đúng 2 điểm.

Kể từ thuở sơ khai đó, Premiership đã trở thành giải đấu hàng đầu thế giới, NHM bóng đá thế giới bắt đầu dõi theo các trận đấu "Siêu Chủ Nhật" (Super Sunday-BTV), giải đấu dần mang tính cạnh tranh nhiều hơn, hệ thống camera cũng trở nên đa dạng hơn và "mượt" đến mức theo Ian Darke, nó khiến cho cả tay phê bình khó tính nhất cũng phải gật đầu khen ngợi.

Theo Ian Darke, dù Premier League ngày đó vẫn còn là một giải đấu đầy lỗi vặt vãnh, nhưng nó lại là một "cú hích" cần thiết cho bóng đá Anh, nền bóng đá nổi tiếng với vấn nạn hooligan cũng như sự bảo thủ trong lối chơi. Bằng chứng là kể từ khi đổi tên và đổi phương thức hoạt động, giải bóng đá hàng đầu thế giới đã dung nạp rất nhiều trường phái bóng đá mới, cùng với đó là rất nhiều cái tên ngoại nhập tới từ khắp nơi trên thế giới như Cristiano Ronaldo, Ruud Van Nistelrooy. Tuy nhiên, điều này cũng khiến các cầu thủ nội trở nên lép vế, nhất là ở hàng tiền đạo, một điều khá giống với bóng đá Việt Nam thời điểm mới du nhập các cầu thủ ngoại binh.

Kết thúc bài viết của mình, tác giả Ian Darke khẳng định mùa giải 1992-1993 vẫn luôn sống trong tâm trí ông như một mùa giải đầy khác biệt, một mùa giải "trong mơ" khiến Premier League trở thành "gã khổng lồ" của làng bóng đá thế giới nói chung cũng như bóng đá Châu Âu nói riêng.

Bài viết có sử dụng tư liệu từ bài viết của tác giả Ian Darke cho ESPN.

 

 

 

 

 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Giá vé tăng cao, doanh thu ngày thi đấu và thực trạng chung của các đội bóng tại Premier league

Đối với mô hình hoạt động của các đội bóng tại Châu Âu, hầu hết doanh thu đến từ 5 nguồn tài chính. Đó chính là doanh thu ngày thi đấu, phát sóng, thương mại, tiền thưởng và chuyển nhượng cầu thủ. Trong số này, doanh thu ngày thi đấu là kiểu kiếm tiền truyền thống nhất, nhưng ngày càng có xu hướng thay đổi theo thời gian.