Phạm lỗi chiến thuật thế nào cho khéo ở Premier league?

Tác giả KDNX - Chủ Nhật 07/08/2022 14:35(GMT+7)

"Phạm lỗi chiến thuật", đó có lẽ là cụm từ mà chúng ta nghe nhiều nhất kể từ khi Pep Guardiola chuyển đến Manchester City. Vậy, thế nào là một pha phạm lỗi chiến thuật ? Thế nào là một pha phạm lỗi "vụng về" ? Các thống kê và con số cho chúng ta biết gì về các pha phạm lỗi ở Premier League mùa này ? Dưới đây sẽ là câu trả lời của Mark Carey của trang tin The Athletic.

 

Phạm lỗi ở Premier League nhìn qua các thống kê

Nhìn vào bảng thống kê các đội bóng có số lần phạm lỗi nhiều nhất, chúng ta phần nào có thể đoán được phong cách thi đấu của họ khi để mất bóng.

Cho những ai tò mò, Leeds United là đội phạm lỗi nhiều nhất với tổng cộng 469 lần, tức 12,3 pha phạm lỗi trung bình một trận. Hoàn toàn dễ hiểu với một đội bóng có lối chơi rắn và pressing cực kỳ chặt chẽ dưới thời Marcelo Bielsa và giờ là Jesse Marsch.

Thống kê về số lần phạm lỗi trung bình một trận của Premier League mùa trước. Nguồn: The Athletic.

 

Ở cuối bảng xếp hạng là Manchester City, đội bóng có thống kê "sạch hơn". Không chỉ là đội ít pha phạm lỗi nhất, trung bình 8,5 pha một trận, họ còn ít phải nhận thẻ vàng nhất ở Premier League, trung bình 1,1 thẻ một trận.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi Man City luôn là đội áp đảo ở khâu cầm bóng, vì vậy, họ ít khi phải phạm lỗi hơn.

Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thú vị hơn khi chúng ta đào sâu vào khía cạnh kiểm soát bóng này. Khi đó, Man City, cùng với Liverpool và Chelsea, bắt đầu vượt lên trên BXH phạm lỗi trung bình 1000 pha chạm bóng của đối phương.

Thống kê về số lần phạm lỗi từ trung bình 1000 pha chạm bóng của đối phương. Nguồn: The Athletic.

 

Không nghi ngờ gì nữa khi nói rằng có một sự tương quan giữa độ chặt chẽ trong các pha pressing và số lần phạm lỗi của một đội bóng. Ví dụ, các đội bóng theo kèm đối phương chặt chẽ sẽ thường xuyên phạm lỗi nhiều hơn.  Điều này có thể giải thích vì sao Liverpool, Chelsea, Man City và Leeds là 4 đội bóng chặt chẽ nhất ở thông số đường chuyền trung bình một pha bóng phòng ngự ở mùa trước.

Các thống kê ở mùa trước cũng cho thấy tập thể Arsenal của Mikel Arteta mùa trước có số lần phạm lỗi chiến thuật cao nhất, trong số đó, có đến 9% được cho là "hợp lệ" bởi trọng tài.

Thống kê về số lần phạm lỗi "chiến thuật" của các đội bóng Premier League mùa trước. Nguồn: The Athletic.

 

Khi nhìn vào danh sách này một lần nữa, chúng ta có thể thấy Manchester City, Chelsea và Liverpool một lần nữa rơi xuống vị trí giữa bảng, vị trí họ có cùng số lượng phạm lỗi chiến thuật nằm ở mức trung bình.

Điều này có thể đúng với các đội bóng Top 3 mùa trước, nhưng vẫn rất thú vị khi nhìn vào vị trí phạm lỗi các đội thực hiện ở mùa trước.

Cụ thể, theo biểu đồ dưới đây, Arsenal và Chelsea thực hiện nhiều pha phạm lỗi ở phần sân đối phương hơn các đội bóng khác, nhưng Man City và Liverpool là hai đội bóng duy nhất có số lượng phạm lỗi ở khu vực giữa sân hoặc phần sân đối phương cao hơn trung bình trong khi ở phần sân nhà, họ lại là đội có số lần phạm lỗi dưới mức trung bình.

Vị trí phạm lỗi của các đội bóng Premier League mùa trước. Nguồn: The Athletic.

 

Vì sao điều này lại thú vị ? Đầu tiên, điều này ít khi được trọng tài để mắt, một phần vì Man City và Liverpool luôn là đội chiếm thế thượng phong. Tiếp theo, số lượng các pha phạm lỗi chiến thuật ở phần sân đối phương cao cho thấy Liverpool và Man City thường xuyên chặn đứng đối thủ trước khi họ kịp thực hiện một pha phản công, qua đó giúp các đồng đội ở phần sân nhà nhanh chóng tái lập đội hình phòng ngự.

Có thể đây không phải là phạm lỗi chiến thuật theo cách hiểu thông thường, nhưng nó cũng rất hiệu quả, thậm chí khiến các trọng tài phải suy nghĩ trước khi đưa ra một quyết định nào đó.

Với chúng ta, một tình huống phạm lỗi trông có vẻ vụng về khi nhìn bằng mắt thường, nhưng chính những pha phạm lỗi như thế lại giúp chặn đứng các pha phản công.

The Athletic đã từng phân tích hệ thống chống pressing của Man City và Liverpool trước đây, nhưng điều này được củng cố nhiều hơn khi nhìn vào số thời gian cả hai đội cần để thực hiện một pha phạm lỗi sau khi để mất bóng ở phần sân đối phương.

Khi nhìn vào bảng thống kê dưới đây, chúng ta có thể thấy số lần phạm lỗi của các đội bóng chỉ sau 8 giây mất bóng.

Không có gì ngạc nhiên khi Man City và Liverpool là hai đội bóng ngăn chặn đối phương một cách nhanh chóng, thể hiện qua số lần phạm lỗi sau 8 giây mất bóng ở phần sân đối phương khá cao của họ.

Số lần phạm lỗi sau 8 giây mất bóng của các đội bóng Premier League mùa này. Nguồn: The Athletic.

 

Vẫn còn một câu hỏi nữa chúng ta vẫn cần lời giải đáp, đó là: những pha phạm lỗi thực hiện ngay sau khi mất bóng có khiến các đội bóng bị "trừng phạt" bởi các trọng tài nhiều hơn ?

Để giải đáp câu hỏi này, chúng ta có thể nhìn vào thống kê số lần phạm lỗi trung bình trước khi nhận thẻ vàng của các đội bóng Premier League mùa trước. Có thể thấy, Man City và Liverpool là hai đội bóng có số lần phạm lỗi trước khi phải nhận thẻ vàng khá cao, một minh chứng cho thấy họ "khéo léo" như thế nào ở các pha phạm lỗi.

Thống kê về số lần phạm lỗi trung bình trước khi nhận thẻ vàng của các đội bóng Premier League mùa này. Nguồn: The Athletic.

 

Đương nhiên, cũng cần phải xét thêm việc thế nào là một pha phạm lỗi "xứng đáng" nhận thẻ vàng. Dù vậy, thống kê kể trên đã cho thấy Man City và Liverpool tận dụng rất tốt các pha phạm lỗi nhỏ nằm phá vỡ các pha phản công của đối phương ở đúng thời điểm như thế nào.

"Phạm lỗi chiến thuật" nhìn từ hai tình huống

Qua các thống kê, chúng ta đều đã thấy thế nào là "phạm lỗi khéo léo" và thế nào là "phạm lỗi vụng về". Tuy nhiên, khi nhìn vào hai ví dụ trực quan dưới đây, chúng ta sẽ phần nào thấy được sự khéo léo trong các pha phạm lỗi ở Premier League mùa này.

Ở bức hình dưới đây, chúng ta có thể thấy Gabriel của Arsenal đang khống chế bóng bên phần sân Wolverhampton trước khi một đường chuyền vụng về của anh khiến đội nhà mất bóng.

 

Arsenal sau đó cắt cử 6 cầu thủ dồn lên tuyến trên để đón bóng. Khi Hwang Hee-chan bắt đầu thoát khỏi các cầu thủ kèm người, anh bắt đầu rơi vào một pha phản công bốn đánh bốn.

 

Tuy nhiên, ngay sau đó, Bukayo Saka đã kéo Hwang Hee Chan lại trước khi anh thực hiện một bước chạy để chuyền bóng cho đồng đội ở cánh thực hiện một pha tấn công giàu tiềm năng. Có thể nói, đây chính là một pha phạm lỗi chiến thuật điển hình.

 

Với nhiều người, đây trông giống như một pha kéo áo vụng về, nhưng thực sự, đây là một cách rất thông minh để ngăn chặn một pha phản công, đồng thời giúp đội hình phòng ngự trở lại hình dạng ban đầu.

Ví dụ thứ hai tới từ Rodri của Manchester City, người đã thực hiện 43 pha phạm lỗi, cao nhất trong đội hình Manchester City và cao thứ 12 ở Premier League mùa trước.

Trong ví dụ dưới đây, chúng ta thấy Man City đang kiểm soát bóng ở tuyến trên với 7 cầu thủ trải đều khắp tuyến tiền đạo, cùng với đó là sự hỗ trợ đắc lực của Joao Cancelo ở phía sau. Ở thời điểm này, họ đang tìm kiếm bàn thắng gỡ hòa vào lưới Spurs. Ilkay Gundogan khi đó thực hiện một pha chuyền bóng đơn giản cho Rodri ở rìa ngoài vòng cấm...

 

...tuy nhiên, pha chạm bóng của anh lại không đủ chặt chẽ, vì vậy, ba cầu thủ Spurs nhanh chóng ập vào vị trí của anh để cướp bóng.

Điều này nhanh chóng tạo ra một pha phản công cho Spurs, đội bóng lúc này đang có Kane, Kulusevki và Lucas Moura ập vào khoảng trống mà hàng phòng ngự Man City để hở. Tuy nhiên, trước khi Bentancur kịp dâng cao, Rodri đã nhanh chóng thực hiện một pha phạm lỗi lên cầu thủ người Argentina.

 

Có lẽ, qua những ví dụ và thông số mà chúng ta đã cùng khám phá ở trên, việc nhận biết một pha phạm lỗi chiến thuật "khéo léo" hay vụng về sẽ trở nên đơn giản hơn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những yếu tố khác để đánh giá độ "khéo léo" hay "vụng về" của một pha phạm lỗi, những điều trên chỉ phần nào mang tính chất tham khảo để chúng ta có thể tự rút ra kết luận cho bản thân mình.

Dịch từ bài viết của tác giả Mark Carey cho trang tin The Athletic

 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Giá vé tăng cao, doanh thu ngày thi đấu và thực trạng chung của các đội bóng tại Premier league

Đối với mô hình hoạt động của các đội bóng tại Châu Âu, hầu hết doanh thu đến từ 5 nguồn tài chính. Đó chính là doanh thu ngày thi đấu, phát sóng, thương mại, tiền thưởng và chuyển nhượng cầu thủ. Trong số này, doanh thu ngày thi đấu là kiểu kiếm tiền truyền thống nhất, nhưng ngày càng có xu hướng thay đổi theo thời gian.