Những chấn thương vùng đầu đã luôn là vấn đề lớn trong bóng đá. Vậy, giới làm bóng đá Châu Âu đã làm gì để giảm thiểu rủi ro từ những ca chấn thương đầu? Dưới đây sẽ là câu trả lời của Philip Buckingham , cây viết tới từ trang tin The Athletic.
Những trường hợp nguy hiểm
"Vấn đề lớn nhất về chấn thương vùng đầu đó là bạn không thể nhìn thấy được," một người thuộc đội ngũ y tế ở giải bóng đá Anh chia sẻ. "Nó là dạng chấn thương vô hình. Một dạng chấn thương có thể khiến bạn khó đưa ra quyết định. Thực sự, đây là một vùng rất nhạy cảm.
Những chấn thương ở vùng đầu đã và đang là vấn đề nan giải trong bóng đá. Đã có rất nhiều quyết định được đưa ra, trong đó có việc đưa vào luật thay người do chấn thương vùng đầu, tuy nhiên, chúng vẫn chưa đủ để đảm bảo an toàn cho các cầu thủ. Những sự thay đổi mang tính tạm thời, theo họ, phải được đưa ra ngay lập tức.
Thông thường, những gì diễn ra sau một ca chấn thương vùng đầu có thể khiến chúng ta khó chịu. Nhiều bước sẽ được thực hiện một cách kỹ lưỡng bởi đội ngũ y tế, nhưng những sự nguy hiểm từ các pha va chạm vùng đầu có thể vẫn chưa kết thúc khi một cầu thủ trở lại sân. Thậm chí, họ có thể sẽ gặp phải nguy hiểm khi phải hoạt động liên tục trên sân dưới sức ép từ các cầu thủ đối phương.
Cầu thủ của Leeds, Robin Koch, đã từng gặp phải chấn thương vùng đầu trong trận thua 4-2 trước Manchester United hồi tháng trước. Có thể nói, đây chính là ca chấn thương đầu gần nhất khiến công luận bóng đá Anh bất bình.
Trung vệ người Đức sau khi được băng bó đã trở lại sân ngay sau đó. Tuy nhiên, chỉ sau 15 phút, anh lại được thay ra ngoài vì cảm thấy không được ổn. "Tôi muốn giúp đội nhiều hơn, nhưng tiếc thay, tôi lại không làm được." Koch chia sẻ trên Instagram.
Một tháng trước đó, Sadio Mane cũng gặp phải trường hợp tương tự ở Cup các đội tuyển Châu Phi. Cụ thể, tiền đạo thuộc biên chế Liverpool đã va chạm với thủ môn Cape Verde, Vozinha, khi đang thi đấu ở trận thuộc vòng 16 đội. Dù sau đó trở lại sân và ghi bàn thắng mở tỷ số ở phút 63, tiền đạo người Senegal vẫn phải rời sân sau khi đổ gục trên sân ở phút thứ 70. Rất may sau đó, anh đã được chăm sóc bởi các nhân viên y tế.
Một trường hợp khác cũng đáng được nhắc tới đó là Benjamin Pavard, cầu thủ thuộc biên chế Bayern Munich và đội tuyển Pháp. Cụ thể, anh từng va chạm với Robin Gosens ở hiệp 2 trận vòng bảng Euro diễn ra hồi năm ngoái. Pavard sau đó chia sẻ rằng anh cảm giác "như bị đánh gục khoảng 10, 15 giây gì đó" trước khi trở lại sân và hoàn thành trận đấu.
Ý kiến chuyên gia
Headway, một quỹ từ thiện về chấn thương não, chia sẻ rằng sự việc kể trên đã khiến họ "phát ốm", nhưng LĐBĐ Pháp thông báo lại cho UEFA rằng Pavard vẫn chưa hoàn toàn bất tỉnh.
Điều kết nối 3 ca chấn thương đầu của Koch, Mane và Pavard lại với nhau đó là việc đội ngũ y tế của họ đều cho rằng các bước xử lý đã được thực hiện một cách bất cẩn và thiếu chuyên nghiệp.
Thế nhưng, không phải đội ngũ y tế, mà những người làm luật mới là những người nêu ra đề xuất về một sự thay đổi.
Maheta Molango, giám đốc điều hành của Hiệp Hội Cầu Thủ Chuyên Nghiệp (Professional Footballers' Association-BTV), một nhóm công đoàn của bóng đá Anh, tin rằng khâu chăm sóc cầu thủ đã không đặt sự an nguy của cầu thủ lên hàng đầu.
"Tôi thấy rõ các đội bóng đã làm gì cũng như cái cách họ thực hiện chúng," Molango chia sẻ với The Athletic. "Câu hỏi cần được đề ra đó là những bước kể trên liệu có phù hợp với mục đích ?"
"Tại sao chúng ta không đưa các cầu thủ ra khỏi sân, kiểm tra cho họ rồi đợi xem họ có thể trở lại không ? Rõ ràng mọi sự nên diễn ra như thế mà ?"
"Một ngày nào đó, chắc chắn sẽ có những vấn đề nghiêm trọng xảy ra. Khi đó, mọi chuyenj đã quá muộn. Một cầu thủ có thể sống sau một pha va chạm đầu, nhưng nếu gặp phải pha va chạm thứ hai, mọi thứ sẽ trở nên rất tệ. Chúng ta cần phải đề cao cảnh giác. Tốt nhất là nên ngăn chặn tình huống xấu trước khi nó xảy ra."
FIFPro, liên đoàn đại diện cho 65000 cầu thủ, đã luôn nói về điều này trước đây.
Hồi tháng 4 năm ngoái, họ viết hẳn một lá thư lên Hiệp Hội Bóng Đá Chuyên Nghiệp Quốc Tế (IFAB), những nhà làm luật bóng đá, để đề xuất việc cho thay người tạm thời ở các tình huống va chạm đầu bằng những bằng chứng hết sức thuyết phục.
Một cuộc bỏ phiếu thực hiện bởi bác sĩ và chuyên viên y tế của 96 CLB thuộc các giải đấu ở Anh, Pháp và Bỉ đã cho thấy 83% trong số họ đồng ý rằng việc thay người tạm thời do chấn thương đầu, một điều luật đã xuất hiện trong môn rugby từ lâu, "là một điều cần thiết và cực kỳ quan trọng."
Về mặt lý thuyết, điều này sẽ giúp đội ngũ y tế có đủ thời gian để đảm bảo rằng cầu thủ đã có thể trở lại sân nhưng vẫn đảm bảo rằng đội bóng không bị thua thiệt về mặt quân số.
Dù không có gì chắc chắn rằng ca chấn thương đầu sẽ được xét nghiệm xong. Nhưng ít ra, nó sẽ tạo sự thuận lợi cho những người đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, đề xuất này lại vấp phải rất nhiều sự phản đối tới từ IFAB. Một phần vì những khâu chăm sóc này "không được giám sát" bởi những người làm luật bóng đá, phần khác vì họ cần phải đợi những bằng chứng rõ ràng trước khi áp dụng điều luật này.
Cũng theo IFAB, sau khi làm việc với một vài nhà đầu tư và chuyên gia y tế, có rất nhiều lý do để không áp dụng điều luật thay người tạm thời này. Một trong số đó là việc thay người tạm thời sẽ "tốn rất nhiều thời gian" cũng như việc cầu thủ có thể gặp phải chấn thương cơ sau khi trở lại sân từ thời gian chờ xét nghiệm."
Theo IFAB, "việc thêm quyền thay người sẽ tốt hơn rất nhiều", nhưng vẫn có thể xem xét lại ý kiến về quyền thay người tạm thời nếu bên đề xuất có thể đưa ra những nghiên cứu rõ ràng ở thời điểm cuối mùa giải.
"Có thêm thời gian sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ y tế," một chuyên gia y tế thuộc một CLB ở EFL chia sẻ. "Đơn giản là mọi thứ sẽ tốt hơn thôi."
"Nếu xét về mặt y học, không nghi ngờ gì việc điều này sẽ giúp chúng tôi có được thời gian. Có thể các cầu thủ không gặp phải vấn đề sau pha va chạm, nhưng họ có thể cảm thấy chóng mặt ngay sau đó."
"Có thể sẽ có nhiều vấn đề khác. Có thể sẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, trong đó có bài kiểm tra thăng bằng và phản xạ. Nếu các cầu thủ có thể vượt qua chúng, HLV vẫn phải dò hỏi kỹ càng xem họ có ổn hay không. Dù bạn có làm gì nữa, vẫn sẽ có rất nhiều thử thách và sức ép dồn lên bạn."
"Một vài lời chỉ trích nhắm vào khâu chăm sóc hiện tại đó là nó khiến đội ngũ y tế không có đủ thời gian, thực sự không phải như thế. Dù có đưa cầu thủ ra khỏi sân 10 phút hay không, mọi quyết định được đưa ra vẫn rất khó khăn."
Một chuyên gia y tế của EFL cũng đồng ý với điều này.
"Có những ưu và nhược điểm riêng", ông chia sẻ. "Ngồi trong phòng thay đồ quá lâu có thể khiến bạn gặp chấn thương cơ. Thêm vào đó, những bài kiểm tra trong phòng thay đồ không phải lúc nào cũng giúp chúng ta đưa ra kết luận về một chấn thương đầu."
Các HLV, họ nghĩ gì?
Chúng ta đã phần nào thấy được ý kiến của các chuyên gia làm luật cũng như y tế về vấn đề thay người tạm thời, vậy còn những HLV, nhất là những HLV đã từng thi đấu chuyên nghiệp? Họ nghĩ gì về điều này?
"Tôi nghĩ rằng điều luật này có thể giúp tình hình khả quan hơn, thậm chí giúp các cuộc xét nghiệm trở nên kỹ càng hơn," HLV của Brighton, Graham Potter chia sẻ.
"Có thể điều này không dễ dàng, nhưng tôi có thể hiểu được các chuyên gia y tế. Họ phải đối mặt với sức ép, đối mặt với thời gian, nhưng họ cũng phải đưa ra quyết định nữa."
"Nếu có thêm thời gian, chắc chắn mọi thứ sẽ khả quan hơn. Chúng ta đã thấy các ca chấn thương đầu trong bóng đá hiện tại càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Sức khỏe của các cầu thủ luôn là ưu tiên hàng đầu."
Antonio Conte, HLV của Tottenham, một cựu cầu thủ, từng chia sẻ rằng ông đã gặp phải hai lần chấn thương đầu khi còn thi đấu. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra những cảnh báo cho phe "cải cách".
"Khi điều này xảy ra, chúng ta phải chú ý kỹ càng, dừng trận đấu lại, đến thẳng đội ngũ y tế để nắm rõ tình hình," Conte chia sẻ hồi tháng trước.
"Chúng ta phải chú ý kỹ khi có vấn đề gì đó xảy ra. Nhưng cũng không để các cầu thủ vin vào cớ đó để câu giờ. Tôi đã từng trải qua những tình huống như thế rồi. Ý tôi là những tình huống cực kỳ tệ hại ấy, chứ không phải những tình huống giúp câu giờ đâu."
Molango, trong khi đó, lại phản đối điều này. "Chúng tôi không nói rằng đây là cách để câu giờ. Chỉ đơn giản là khâu chăm sóc hiện tại chưa đủ tốt. Thực sự, không thể đặt mạng sống của ai đó vào thế rủi ro chỉ vì bạn sợ rằng cầu thủ đó đang câu giờ."
Có thể nói, các chấn thương đầu là một vấn đề sẽ còn kéo dài dai dẳng trong tương lai. Tuy nhiên, nếu tìm được một phương án hợp lý, chắc chắn, chúng ta sẽ giúp giảm thiểu những ca chấn thương đầu đáng tiếc trong bóng đá.
Lược dịch từ bài viết của Philip Buckingham cho trang tin The Athletic.