Nguy cơ kiệt sức và chấn thương do thi đấu liên tục: Bài học từ Bellingham và Messi

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Ba 30/07/2024 14:52(GMT+7)

Chắc chắn rồi, cảnh Harry Kane lê bước rời sân sau một giờ thi đấu kém hiệu quả trong trận chung kết EURO 2024 không phải điều người hâm mộ ĐT Anh mong đợi.

 

Trên thực tế, lẽ ra anh không nên thi đấu tại EURO 2024. Kane đã bỏ lỡ giai đoạn cuối mùa giải Bundesliga với Bayern Munich vì chấn thương lưng, cũng như được HLV Thomas Tuchel mô tả là bị “tắc nghẽn hoàn toàn” ở vùng lưng, khiến anh “gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày”. Chấn thương này nghiêm trọng đến mức đã có nghi ngờ rằng anh không thể góp mặt trong trận bán kết Champions League với Real Madrid vào tháng 5.

Kane không phải là cầu thủ duy nhất gặp khó khăn. Jude Bellingham vẫn đang chịu những di chứng của chấn thương trật khớp vai vào tháng 11 và có thể sẽ phải phẫu thuật ở một thời điểm nào đó. Trong nhiều tháng qua, Bellingham đã phải đeo dây đai đặc biệt trên vai để có thể thoải mái thi đấu.

Thủ thành người Tây Ban Nha, Unai Simon đã phải phẫu thuật cổ tay ngay sau giải đấu, điều lẽ ra anh phải làm từ lâu. Anh đã cố gắng trải qua chiến dịch EURO 2024 của Tây Ban Nha bằng cách sử dụng các mũi tiêm giảm đau.

 

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Copa America. Bạn sẽ thấy những hình ảnh của Lionel Messi rơi nước mắt với mắt cá chân to gấp đôi kích thước bình thường, sau khi dính chấn thương trong trận chung kết. Trước đó, anh đã phải nhận sự chăm sóc để vào đến trận chung kết, sau khi gặp vấn đề về háng trong trận đấu thứ hai gặp Chile.

Đồng đội của anh tại Inter Miami, Luis Suarez cũng sẽ bỏ lỡ trận đấu All-Star sắp tới của MLS do gặp khó chịu ở đầu gối; có lẽ nó liên quan đến vấn đề đầu gối mãn tính mà anh đã phải đối phó trong vài năm qua.

Tyler Adams (Bournemouth) sẽ phải ngồi ngoài khi mùa giải Premier League bắt đầu sau khi phải phẫu thuật lưng. Tiền vệ người Mỹ cũng phải nén đau để thi đấu tại Copa America và có lẽ nên lên bàn mổ sớm hơn.

“Tyler muốn thi đấu tại Copa America, vì điều đó rất quan trọng với cậu ấy,” HLV Bournemouth, Andoni Iraola chia sẻ. “Nhưng cậu ấy vẫn bị đau. Vì vậy 2 ngày sau khi tuyển Mỹ bị loại, cậu ấy đã phải phẫu thuật.”

 

Nhưng sau tất cả, các ngôi sao lớn nhất là những người thiệt thòi nhất, kiệt sức nhất.

“Thật khó khăn với lịch thi đấu điên rồ và sau đó tập hợp lại vào cuối mùa giải để chuẩn bị cho một giải đấu cuối cùng,” Bellingham nói sau trận chung kết. “Rất khó khăn cho cơ thể chúng tôi. Về tinh thần và thể chất, bạn đều kiệt sức.”

Ở tuổi 21, Bellingham đã thi đấu 54 trận cho CLB và ĐTQG trong một mùa giải kéo dài 11 tháng, từ tuần thứ hai của tháng 8 đến giữa tháng 7. HLV của Real Madrid, Carlo Ancelotti đã cố gắng quản lý thời gian thi đấu của Bellingham khi thỉnh thoảng cho anh nghỉ ngơi một tuần. Nhưng ngay cả khi anh ngồi trên ghế dự bị, Ancelotti vẫn phải ra hiệu gọi anh vào sân.

Dễ hiểu khi Bellingham mệt mỏi. Nhưng cường độ thi đấu của anh vẫn tương đối nhẹ nhàng so với những người khác. Bruno Fernandes giống như cây trường sinh của Manchester United khi ‘cày ải’ 5.399 phút mùa trước. William Saliba, người luôn đá chính cho Arsenal ở Premier League và đội trưởng ĐT Đức Ilkay Gundogan cũng đã thi đấu hơn 5.000 phút. “Đây là một mùa giải rất khắc nghiệt,” Gundogan chia sẻ tại EURO 2024.

 

Julian Alvarez có thể không thi đấu cùng số phút như vậy (với ‘chỉ’ 3.480 phút cho Manchester City), nhưng lịch trình của anh cũng rất khắc nghiệt. Mùa giải của anh bắt đầu vào ngày 11/8 (ngày 6/8 nếu bạn tính cả Community Shield) và kéo dài đến tháng 5, với kỳ nghỉ dài nhất giữa các trận đấu chỉ kéo dài 13 ngày.

15 ngày sau trận chung kết FA Cup, Alvarez xuất hiện trong trận đấu tiền Copa America đầu tiên cho Argentina. Anh đã thi đấu 2 trận giao hữu trước khi đá chính gần như tất cả các trận đấu của Argentina tại Copa America (trừ 1 trận). Sau một kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày, anh lại góp mặt trong trận mở màn của Argentina tại Olympic – trận đấu dài đằng đẵng trước Morocco.

Trận chung kết giành HCV môn bóng đá nam sẽ diễn ra vào ngày 9/8. Nghĩa là mùa giải 23/24 của Alvarez có thể kéo dài gần tròn 1 năm, chỉ với vài ngày nghỉ giữa các trận đấu. Manchester City sẽ thi đấu Community Shield vào ngày hôm sau; hy vọng họ không yêu cầu anh phải nhảy lên tàu Eurostar để tham gia trận đấu đó.

Tất cả những điều này đều ủng hộ quan điểm mà FIFPro, Liên đoàn Cầu thủ toàn cầu và một số giải đấu hàng đầu châu Âu đang nêu ra khi họ đệ đơn kiện FIFA, với cáo buộc cơ quan quản lý bóng đá này đang điều hành một lịch thi đấu quốc tế “vượt quá sức chịu đựng”.

Pep Guardiola chỉ trích FIFA và Premier League vì vắt kiệt cầu thủ
Pep Guardiola đã lên tiếng chỉ trích FIFA và Premier League vì vắt kiệt các cầu thủ của ông.

FIFPro cho biết: “Lịch thi đấu đang là một rủi ro cho sức khỏe của các cầu thủ. Các quyết định của FIFA trong những năm gần đây liên tục ưu tiên các giải đấu và lợi ích thương mại của mình, bỏ qua trách nhiệm với tư cách là cơ quan quản lý, cũng như gây hại đến lợi ích kinh tế của các giải VĐQG cũng như phúc lợi của các cầu thủ.”

Điều đáng nói là ý tưởng khiếu nại từ các đội bóng Premier League về lịch trình quá tải đều có phần hơi… hão huyền. Họ thực hiện các chuyến du đấu trước mùa giải và sau mùa giải, di chuyển nhiều cũng như đá một cơ số trận. Chelsea đang thi đấu 5 trận trong 13 ngày trong một chuyến du đấu trước mùa giải kéo dài khắp nước Mỹ. Tottenham Hotspur và Newcastle United đã bay đến Úc ngay sau khi Premier League kết thúc.

Điểm quan trọng vẫn là cách tiếp cận của FIFA và hầu hết các cơ quan quản lý khác (bao gồm cả UEFA) trong việc sắp xếp lịch thi đấu, với phương châm ‘càng nhiều càng tốt’. Việc mở rộng World Cup từ năm 2026, thể thức mới của Champions League, Club World Cup, Nations League hay bất kỳ sáng kiến tuyệt vời nào khác mà họ có thể nghĩ ra có nghĩa là trên lý thuyết, một ngôi sao có thể phải chơi… 87 trận trong mùa giải tới.

Sẽ không có cầu thủ nào phải thực sự ra sân nhiều như vậy, nhưng điều đó đang chứng minh cho quan điểm FIFPro đang đưa ra. Có quá nhiều trận đấu và ngay cả khi bạn không thực sự quan tâm đến tình trạng kiệt sức của cầu thủ, số lượng trận đấu dày đặc cũng làm giảm đi tính hấp dẫn của giải đấu.

 

“Bạn bắt đầu vào tháng 8 và không dừng lại cho đến tháng 5,” Mikel Oyarzabal, người ghi bàn quyết định cho Tây Ban Nha trong trận chung kết EURO 2024 cho biết. “ĐTQG sẽ thi đấu vào tháng 6 và sau đó là Club World Cup. Nó sẽ kết thúc vào tháng 7 và sau vài tuần, mùa giải mới lại bắt đầu. Lịch thi đấu cần được tổ chức lại, nhưng các cầu thủ không có quyền quyết định. Chúng tôi phải thích nghi tốt nhất có thể.”

Oyarzabal là một ví dụ điển hình về lý do tại sao FIFPro khởi kiện. Mùa hè năm 2021, Oyarzabal đã thi đấu tại EURO và sau đó là Olympic, với 16 ngày giữa trận đấu cuối cùng ở giải trước và trận đầu tiên ở giải sau. Anh đã thi đấu 104 phút trong trận tranh HCV của Tây Ban Nha tại Nhật Bản. Một tuần sau, anh trở lại để làm nhiệm vụ trong nước với Real Sociedad. Cuối mùa giải đó, anh dính chấn thương dây chằng chéo trước, phải nghỉ thi đấu 9 tháng và bỏ lỡ World Cup.

Bạn có thể cho rằng có yếu tố trách nhiệm cá nhân ở đây: Oyarzabal có thể bỏ qua Thế vận hội nếu muốn. Nhưng đó là Thế vận hội, một trải nghiệm mà bất kỳ VĐV nào cũng muốn có. Thật khắc nghiệt khi đổ lỗi cho các cầu thủ, những người muốn tận dụng triệt để sự nghiệp ngắn ngủi của mình chỉ vì các nhà quản lý không biết ý nghĩa của cụm từ ‘ít hơn là nhiều hơn’.

 

Chúng ta không thể vạch ra ranh giới rõ ràng giữa việc thi đấu quá nhiều và chấn thương cụ thể đó, nhưng chắc chắn điều đó không giúp ích gì.

“Điều quan trọng là có đủ thời gian để hồi phục giữa các trận đấu,” Nick Worth, một chuyên gia tư vấn vật lý trị liệu thể thao từng làm việc với một số CLB bóng đá nói về lý do tại sao thi đấu quá nhiều là vấn đề. “Các cầu thủ có khả năng dính chấn thương hơn khi họ thi đấu trong tình trạng mệt mỏi.”

Các CLB thường làm hết sức để điều chỉnh số lượng trận đấu mà các cầu thủ quan trọng của họ tham gia, cũng như có nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá khi nào các cầu thủ đạt đến giới hạn của mình và cần được nghỉ ngơi. Nhưng những phương pháp đó không hoàn hảo: “Đó là một chỉ báo chứ không phải là người ra quyết định,” Worth nói. Nhưng số lượng trận đấu quá nhiều và quan trọng hơn, tầm quan trọng về thương mại và thể thao được đặt vào những trận đấu đó khiến cho việc xác định những trận cầu thủ có thể vắng mặt trở nên khó khăn hơn.

Ngay cả các trận giao hữu cũng không an toàn. Hãy lấy trận đấu Inter Miami đã chơi ở Hồng Kông vào tháng 2 năm ngoái làm ví dụ. Messi đã không chơi trận đó vì chấn thương háng, nhưng sau đó đã thi đấu trong trận đấu tiếp theo ở Nhật Bản vài ngày sau đó. Điều này đã gây ra sự phẫn nộ. Tatler, nhà tài trợ sự kiện đã phải hoàn lại 50% tiền vé cho những khán giả phẫn nộ sau khi nói rằng sự kiện này “làm tất cả mọi người thất vọng”, trong khi một chính trị gia địa phương mô tả đó là một “sự khinh thường có tính toán đối với Hồng Kông”.

 

Ngoài ra còn có mong muốn của các cầu thủ để đá những trận mà từ góc độ y tế, họ có lẽ không nên góp mặt. Tất cả những người đã thi đấu với chấn thương tại EURO và Copa mùa hè này có lẽ sẽ nghỉ ngơi, nếu đó là những trận đấu giữa mùa giải thông thường.

FIFPro cũng đã bày tỏ lo ngại về việc tiêm thuốc giảm đau quá mức để các cầu thủ có thêm vài phút trong trận hoặc vài trận đấu. Rủi ro không đến từ các mũi tiêm, mà từ thực tế là chúng che giấu cơn đau mà cơ thể dùng để báo hiệu cho cầu thủ biết rằng họ đang bị thương. “Rủi ro là bạn có thể làm cho tình trạng tồi tệ hơn mà không ai biết,” Worth nói.

Điều quan trọng là ở cả EURO và Copa America, đó là dù vẫn xuất hiện những đội tuyển sở hữu lối chơi xuất sắc, những khoảnh khắc kịch tính và những người hùng mới, cả hai giải đấu mùa hè này đều trở nên kém hấp dẫn hơn vì các ngôi sao lớn nhất hoặc dính chấn thương, đang thi đấu với chấn thương hiện có hoặc đơn giản là kiệt sức.

“Chúng tôi là con người, không phải máy móc,” cựu thủ môn Liverpool và West Ham, Adrian chia sẻ với The Athletic. “Chúng tôi cần sự cân bằng để người hâm mộ có thể thưởng thức bóng đá. Chúng tôi cần phải khỏe mạnh để có thể thi đấu. Không có bộ phim nào mà không có diễn viên.”

Theo New York Times

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Giá vé tăng cao, doanh thu ngày thi đấu và thực trạng chung của các đội bóng tại Premier league

Đối với mô hình hoạt động của các đội bóng tại Châu Âu, hầu hết doanh thu đến từ 5 nguồn tài chính. Đó chính là doanh thu ngày thi đấu, phát sóng, thương mại, tiền thưởng và chuyển nhượng cầu thủ. Trong số này, doanh thu ngày thi đấu là kiểu kiếm tiền truyền thống nhất, nhưng ngày càng có xu hướng thay đổi theo thời gian.