Nếu để chọn ra một tín hiệu tích cực cho Manchester United trong một buổi tối ảm đạm, thì màn trình diễn của họ đã tốt hơn rất nhiều. Dù khoảnh khắc đó chỉ diễn ra rất ngắn ngủi và giới hạn gần như hoàn toàn trong hiệp 1, điều đó vẫn còn tốt chán so với trận derby tại Old Trafford vào tháng 11.
Việc sử dụng Bruno Fernandes và Paul Pogba ở vị trí tiền đạo cắm để gây khó dễ cho hàng thủ Manchester City đã phát huy tác dụng, ít nhất là trước khi hiệp 1 kết thúc. Tuy nhiên, điều đó chẳng giúp ích gì, nếu Man United phòng ngự như cách họ đã thể hiện hôm qua.
Nghe có vẻ kì quặc, nhưng chơi tốt một hiệp so với hiệp còn lại là cách United vận hành kể từ khi Ralf Rangnick tiếp quản đội bóng này. Tuy nhiên, City đã thắng trong hiệp đấu mà United chơi tốt hơn với tỉ số 2-1 và thắng 2-0 ở hiệp còn lại. Việc đội chủ nhà không thể thắng đậm hơn là bởi sự xuất sắc của thủ thành David De Gea, cũng như sự phí phạm quen thuộc của họ trước khung thành đối phương.
Có lẽ đây chỉ là giải pháp ngắn hạn từ một nhà cầm quân tạm quyền. Nếu Cristiano Ronaldo có mặt, hoặc Marcus Rashford không sa sút phong độ đến vậy, kế hoạch có thể sẽ bài bản hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn thất bại của M.U dưới góc độ tích cực, thì sau khi chứng kiến sự phối hợp nhịp nhàng giữa Pogba, Fernandes và Jadon Sancho trong bàn san hòa, bạn sẽ cảm nhận một tương lai tiềm tàng đến từ đội bóng áo đỏ.
Tuy nhiên, nó có đáng để nhìn theo theo cách tích cực hơn hay không lại là chuyện khác. Tuần trước, Rangnick có đề cập đến tính cần thiết của sự bền bỉ trong suốt trận đấu. Nhưng đó đơn giản là thứ United đang không có, và sẽ không có cho đến khi các cầu thủ biết người sẽ dẫn dắt đội bóng mùa sau là ai.
Bạn có thể đặt câu hỏi về tính chuyên nghiệp của các cầu thủ, khi họ miễn cưỡng tìm hiểu một hệ thống mới phức tạp của một chiến lược gia có thể sẽ rời ghế vào tháng 6. Nhưng điều đó nghe không có lý cho lắm. Cũng chẳng ai rảnh để tìm hiểu điều đó, nếu các hậu vệ Man United cứ đá đấm như thế này.
Bàn mở tỷ số là một ví dụ điển hình. Chưa có gì nguy hiểm khi Bernardo Silva nhận bóng ở cánh trái, nhưng khi anh phối hợp 1-2 với Jack Grealish và bất ngờ đưa trái bóng vào vòng cấm, Kevin De Bruyne đã xộc thẳng vào giữa vòng cấm mà chẳng bị ai kèm và hậu quả là không thể tránh khỏi. Có thể là do vấn đề huấn luyện, có thể là do các cá nhân mất tập trung hoặc thiếu tự tin, nhưng dù theo cách nào thì cũng quá dở, nhất là khi bóng mới lăn được 4 phút.
Harry Maguire, không cần phải nói, đang có khoảng thời gian không mấy vui vẻ. Một cầu thủ mang dáng dấp của người chỉ huy như vậy, đặc biệt là trong thế giới bóng đá ít đòi hỏi khắt khe hơn ở một trung vệ, lại trở thành một gánh nặng. Điều này có thể không công bằng, nhưng mỗi khi Maguire chơi kém, sự xuất hiện của anh luôn chống lại… chính anh. Là bởi cầu thủ 29 tuổi trông quá kém duyên, liên tục tỏ ra chấp chới khi bị thử thách, với vẻ ‘duyên dáng’ của những bức tượng xuất hiện trên đảo Phục Sinh.
Có một khoảnh khắc trong hiệp đấu thứ nhất, khi Maguire đoạt được bóng từ chân De Bruyne vì anh tính sai thời điểm cắt bóng quá nhiều, khiến cầu thủ người Bỉ bị bất ngờ và phải xử lí bóng bằng chân không thuận. Bàn thứ hai của Man City đến, khi bóng bật ra từ pha cản phá của De Gea và trúng vào chân của… Maguire khi anh cố xoay người. Đen thôi, đỏ quên đi, nhưng như tối qua thì trông thật khủng khiếp.
Khi sự đen đủi ngày càng gia tăng, Maguire càng bị chỉ trích nhiều hơn và trông anh ta càng thê thảm hơn mỗi khi xuất hiện trước ống kính (Tất nhiên rồi, chính đầu gối của anh đã làm chệch hướng bóng dẫn tới bàn thua thứ ba). Với những gì đang diễn ra với Maguire, sẽ có người tin nếu nói rằng cầu thủ người Anh vừa bị cá voi nuốt chửng hoặc bị một cây đàn piano rơi vào đầu trên đường về nhà.
Chỉ trích Maguire luôn dễ như ăn bánh, nhưng vấn đề của United không chỉ gói gọn ở phong độ và sự thiếu may mắn của cầu thủ này. Đó là việc Maguire luôn bị đối phương cô lập và khai thác, bởi hàng thủ United luôn phụ thuộc vào anh ta một cách thái quá. Minh chứng là việc tuyển thủ Anh phải trở lại đối đầu với đội bóng cũ Leicester khi anh rõ ràng chưa hoàn toàn sung sức, dẫn đến thất bại 4-2 và đánh dấu sự kết thúc cho triều đại Ole Gunnar Solskjaer.
Phần còn lại ở hàng phòng ngự Man United cũng chẳng khá khẩm hơn Maguire là bao. Raphaël Varane không đá trận này vì Covid-19, nhưng ở những trận đấu trước, bằng cách nào đó, anh đã biến từ một hình tượng duyên dáng ở Real Madrid thành một con bù nhìn ở Man United, với dáng vẻ loạng choạng như để gạt những mẩu rơm ra khỏi tay áo. Victor Lindelöf ít khi bị chỉ trích trực tiếp, nhưng anh cũng lây nhiễm sự vụng về nói chung: anh bị Phil Foden hất trái bóng ra chỗ khác khi cố đánh đầu phá bóng, với khuôn mặt tuyệt vọng như Wile E Coyote bị văng ra khỏi vách đá khi chứng kiến bàn thua thứ hai.
Cũng chẳng có ích gì khi các tiền vệ tổ chức chỉ biết che chắn theo tính thời điểm, hay khi khoảng trống phía sau hậu vệ cánh biến thành miếng mồi ngon cho đối phương. Tất cả những điều trên biến việc làm trung vệ của United trở thành một nhiệm vụ tồi tệ vào lúc này.
Nhưng song song với thất bại trong tổ chức phòng ngự là thất bại về tinh thần và ý chí. Nếu không có những nền tảng thích hợp để bắt đầu, sẽ chẳng có tương lai nào được dựng xây.
Lược dịch bài viết “Manchester United flounder without foundations to build upon” của Jonathan Wilson (The Guardian)
Chấn thương hiếm khi là yếu tố duy nhất quyết định phong độ của một đội bóng. Nhưng chúng ảnh hưởng đến đội hình mà các HLV có thể lựa chọn, qua đó tác động đến chiến thuật mà họ định áp dụng.
Premier League từng nổi tiếng với những pha sút phạt thành bàn mang tính thương hiệu của giải đấu. Thế nhưng thứ đặc sản ấy đang dần biến mất. Bài viết dưới đây sẽ giúp chung ta hiểu được nguyên nhân của sự thay đổi này.
Đối với mô hình hoạt động của các đội bóng tại Châu Âu, hầu hết doanh thu đến từ 5 nguồn tài chính. Đó chính là doanh thu ngày thi đấu, phát sóng, thương mại, tiền thưởng và chuyển nhượng cầu thủ. Trong số này, doanh thu ngày thi đấu là kiểu kiếm tiền truyền thống nhất, nhưng ngày càng có xu hướng thay đổi theo thời gian.
Trong một bài phân tích do chính mình biên soạn cho The Athletic, tay săn bàn huyền thoại Alan Shearer đã chia sẻ một số nhận định rất thú vị về những cú sút xa và thực trạng hiện nay của thứ nghệ thuật ngoạn mục này...