"Liệu phong độ một cầu thủ có bị ảnh hưởng bởi việc ký kết hợp đồng hay không?" Đó là câu hỏi đã được cây viết John Nassoori đặt ra trong bài viết của mình cho trang The Guardian.
Bùng nổ để gây ấn tượng?
Mở đầu bài viết của mình, John Nassoori đã đưa ra một dẫn chứng cho luận điểm của mình, đó là phong độ của Pierre-Emerick Aubameyang của Arsenal. Theo Nassoori, một trong những lý do khiến Arsenal bị chỉ trích khi kéo dài hợp đồng với cầu thủ người Gabon đó là do anh không thể giữ vững mạch phong độ xuất sắc của anh kể từ mùa giải 2019-2020, mùa giải anh ghi 29 bàn sau 44 trận, hai trong số đó tới từ trận bán kết và chung kết FA Cup.
Trước đây, NHM Man United, đặc biệt là ở Việt Nam, thường có một khái niệm mang tên "Ashley Young của mùa chuyển nhượng" hoặc "Antonio Valencia của mùa chuyển nhượng". Những biệt danh này vốn xuất phát từ việc cả hai cầu thủ này đều thi đấu khá tệ trong khoảng thời gian mùa giải, nhưng cứ mỗi khi kỳ chuyển nhượng đến, hoặc mỗi khi họ chuẩn bị gia hạn hợp đồng là cả hai lại bắt đầu thi đấu cực kỳ xuất sắc, thậm chí trở thành hạt nhân chính trong đội hình của Man United khi đó. Có lẽ vì vậy mà John Nassoori đã bắt đầu đặt ra một câu hỏi khá thú vị: liệu phong độ của một cầu thủ có liên quan gì tới kỳ chuyển nhượng hay việc gia hạn hợp đồng của cầu thủ đó hay không?
Một trong những dẫn chứng được John Nassoori đưa ra trong bài viết của mình đó là một nghiên cứu được thực hiện trên 275 cầu thủ thi đấu 2 mùa liên tiếp ở Serie A trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2014. Theo nghiên cứu này, quãng thời gian mà cầu thủ đạt phong độ tốt nhất lại chính là năm cuối cùng của hợp đồng, một điều mà theo Nassoori chính là bằng chứng về sự tồn tại của cái gọi là "phong độ mùa chuyển nhượng" ở các cầu thủ chuyên nghiệp.
Vậy đâu là nguyên do của điều này ? Theo Jack Cork, tiền vệ của Burnley, lý do chính nằm ở việc các cầu thủ sắp hết hạn hợp đồng thường muốn chứng tỏ với các đội bóng muốn có được họ ở mùa chuyển nhượng hoặc ở một số trường hợp, muốn đội bóng chủ quản giữ chân mình lại, vì vậy, họ phải "bùng cháy" hết sức mình trên sân. Cụ thể, Cork chia sẻ: "Không ai muốn gây thất vọng cả. Nếu kết quả tệ hại, chúng tôi sẽ là người lãnh đủ vì điều đó sẽ được ghi vào bản CV của bạn, rằng bạn đã không cố gắng hết mình chỉ vì sắp hết hợp đồng ở mùa hè."
Không chỉ các cầu thủ, mà các HLV cũng nhận ra điều này. Một ví dụ được Nassoori đưa ra trong bài viết của mình đó là việc khi được hỏi liệu ông có lựa Paul Pogba đá chính trong quãng thời gian còn lại của cầu thủ người Pháp ở sân Old Trafford hay không, Ralf Rangnick cho rằng ông sẽ vẫn làm, bởi lẽ, đây là lúc Paul Pogba chứng minh cho các đội bóng muốn có anh ở mùa này: "Kể cả khi cậu ấy chỉ làm thế để hấp dẫn các đội bóng khác, cậu ấy vẫn sẽ ra sân với một thân thế cao, vậy, tại sao tôi lại không lựa cậu ấy cơ chứ?"
Tuy nhiên, theo Nassoori, một bản phân tích 249 cầu thủ Premier League, La Liga, Bundesliga, Ligue 1 trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2015 được thực hiện vào năm 2019 lại không tìm thấy một sự kết nối rõ ràng giữa thời hạn hợp đồng và phong độ của một cầu thủ, nhất là khi xét đến những yếu tố như sự chính xác trong cú sút hay những đường tạt, những pha tắc bóng hay thời lượng thi đấu trung bình 1 trận.
Việc có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này là hoàn toàn bình thường. Cụ thể, trong bài viết của mình, John Nassoori đã đưa một nghiên cứu của một nhóm tác giả đến từ Tây Ban Nha mang tên "Analysis of elite soccer players before and after signing a new contracts" (Phân tích các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp trước và sau khi ký hợp đồng mới-BTV). Trong nghiên cứu đó, nhóm tác giả này đã nhận ra một điều, đó là: "Màn trình diễn của từng cá nhân cầu thủ có thể bị ảnh hưởng bởi chiến lược tập thể, chiến thuật hay những yếu tố khác như việc ký kết một hợp đồng mới."
Dele Alli
Theo ý kiến của Nassoori, điều này có thể được áp dụng vào cuộc tranh luận về phong độ của Dele Alli kể từ khi anh ký kết hợp đồng lên tới 6 năm với Tottenham hồi năm 2018. Cụ thể, theo cây viết người Anh, dù đó phong độ của anh đã đi xuống trầm trọng, những người chỉ trích Dele Alli chểnh mảng ăn tập và mất hứng thú với việc thi đấu đã quên mất, hoặc cố tình quên mất một điều, đó là những thất bại và khó khăn về mặt tập thể của Tottenham trong vòng 4 năm qua, cùng với đó là việc Dele Alli phải thay đổi vị trí rất nhiều lần vì cơn bão chấn thương của Tottenham cũng như việc đội bóng vùng Bắc London thiếu chiều sâu đội hình và phải thay đổi chiến thuật liên tục.
Đồng tiền liệu có phải là nguyên nhân?
Dù vậy, cũng không thể nói rằng phong độ và nguồn cảm hứng của các cầu thủ không bị ảnh hưởng bởi những điều kiện ngoại cảnh. Trong một chương trình mang tên The Football Psychology Show (Chương trình Tâm Lý Học Bóng Đá-BTV), giáo sư Marc Jones đã mô tả chi tiết việc ngoại cảnh hay việc một hợp đồng mới được ký kết có thể tác động lên một cầu thủ như thế nào. Cụ thể, ông chia sẻ: "Cầu thủ bóng đá là những người tài năng, vì vậy, họ sẽ bị thu hút bởi những nguồn lợi kinh tế từ các hợp đồng béo bở như một cách công nhận tài năng của họ." Một ví dụ được Jones đưa ra đó chính là thương vụ Ashley Cole chuyển từ Arsenal đến Chelsea vào năm 2006.
Trong cuốn tự truyện của mình, My Defence (Lời bào chữa của tôi-BTV), cựu hậu vệ đội tuyển Anh đã nói rất nhiều về việc anh bàn luận với BLĐ Arsenal nhiều như thế nào. "Mọi chuyện bắt đầu khi tôi ngồi trong ánh ban mai ở khách sạn Sopwell House vùng Hertfordshire, đại bản doanh của ĐT Anh trước khi chúng tôi bay đến BĐN thi đấu Euro 2004. Khi đó, một giọng đanh thép vang lên: "Ashley !" Ngài Dein ngồi ngay chỗ đó." Cole viết: "Ông ấy nói với tôi rằng tôi chưa được trả đúng với tài năng của mình, vì vậy, lương của tôi sẽ được tăng. Sau đó, tôi nói với ông ấy những gì ông ấy cần phải biết với một nụ cười. Lúc đó tôi vui lắm, rất vui là đằng khác."
"Thế rồi, cái giọng của ông ấy gạt phắt nụ cười trên mặt tôi", Ashley Cole chia sẻ trong cuốn sách của mình: "Tôi cảm thấy thái độ của ông ấy như kiểu ông ấy đang ban ơn cho tôi vậy. Hồi đó tôi mới 17 tuổi. Đề nghị ông ấy đưa ra là từ 10.000 Bảng một tuần lên thành 35.000 Bảng một tuần. Nhiều tiền lắm ấy. Nhưng, khi đặt vào ngữ cảnh lương lậu trong bóng đá cũng như việc giá trị của tôi lúc đó là 20 triệu Bảng, cùng với đó là việc lương các cầu thủ Arsenal toàn ở mức 80.000 Bảng đến 100.000 Bảng một tuần, đề nghị của ông ấy nghe thật rẻ tiền. Nó như một cái tát vào mặt tôi chứ không phải một cái vỗ vào lưng đâu."
Dù Ashley Cole luôn được đem ra làm ví dụ cho lòng tham vô đáy của các cầu thủ, Marc Jones lại cho rằng phản ứng của anh lại xuất phát từ một nguyên nhân khác, đó là việc CLB của anh không thực sự đánh giá nghiêm túc tài năng của anh. Cụ thể, Jones chia sẻ: "Tiền bạc không phải là vấn đề ở đây, nhất là khi xét đến việc 35.000 Bảng khi đó là một số tiền khá lớn. Nhưng khi nghiên cứu kỹ hơn, chúng ta có thể thấy rằng nguyên do lớn nhất nằm ở cái cách mà Ashley Cole nghĩ CLB đang nhìn nhận anh."
Ý kiến này của Jones cũng được chuyên gia tâm lý của Blackburn Rovers, bác sĩ Andy Hill, đồng tình. Cụ thể, theo chuyên gia tâm lý này, các cầu thủ chuyên nghiệp thường rất quan tâm tới vị trí của mình trong đội hình: "Bạn thường nghe việc các cầu thủ thành công chạy xung quanh sân trong một ngày thi đấu để khoe khoang về việc anh ấy kiếm được bao nhiêu tiền để kích thích các đồng đội của mình. Điều này theo tôi rất quan trọng với các cầu thủ vì đó là cái cách để họ thấy mình được coi trọng. Tiền hay không không quan trọng, theo tôi, cái quan trọng ở đây đó là số tiền đó đại diện cho cái gì."
Ở cuối bài viết của mình, John Nassoori đã đưa ra một ví dụ như để chứng minh cho việc khi 1 CLB trân trọng tài năng của một cầu thủ, họ sẽ nhận lại được rất nhiều từ anh ta, đó là những chia sẻ của James Ward Prowse với trang chủ Southampton sau khi ký kết hợp đồng có thời hạn 5 năm với The Saint. Cụ thể, anh chia sẻ: "BLĐ đã ngồi xuống và chia sẻ với tôi về lòng ngưỡng mộ của họ với cá nhân tôi cũng như việc họ muốn tôi trở thành đầu lĩnh của đội như thế nào."
Theo Nassoori, câu nói trên của Ward-Prowse đã cho thấy việc nhận ra tài năng của một cầu thủ có thể giúp một bản hợp đồng dài hạn có hiệu quả như thế nào với đội bóng cũng như cá nhân cầu thủ. bằng chứng là kể từ khi gia hạn hợp đồng với Southampton cho tới nay, Ward Prowse đã ghi được 6 bàn sau 19 trận.
Dịch từ bài viết của tác giả John Nassoori cho trang tin The Guardian.
Premier League từng nổi tiếng với những pha sút phạt thành bàn mang tính thương hiệu của giải đấu. Thế nhưng thứ đặc sản ấy đang dần biến mất. Bài viết dưới đây sẽ giúp chung ta hiểu được nguyên nhân của sự thay đổi này.
Đối với mô hình hoạt động của các đội bóng tại Châu Âu, hầu hết doanh thu đến từ 5 nguồn tài chính. Đó chính là doanh thu ngày thi đấu, phát sóng, thương mại, tiền thưởng và chuyển nhượng cầu thủ. Trong số này, doanh thu ngày thi đấu là kiểu kiếm tiền truyền thống nhất, nhưng ngày càng có xu hướng thay đổi theo thời gian.
Trong một bài phân tích do chính mình biên soạn cho The Athletic, tay săn bàn huyền thoại Alan Shearer đã chia sẻ một số nhận định rất thú vị về những cú sút xa và thực trạng hiện nay của thứ nghệ thuật ngoạn mục này...
Chắc chắn rồi, cảnh Harry Kane lê bước rời sân sau một giờ thi đấu kém hiệu quả trong trận chung kết EURO 2024 không phải điều người hâm mộ ĐT Anh mong đợi.