Để vô địch World Cup, hãy tham khảo bài học của người đi trước!

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Ba 15/11/2022 15:49(GMT+7)

Zalo

Bước vào một kỳ World Cup, chúng ta thường có xu hướng đánh giá quá cao chất lượng một đội bóng cần để giành chiến thắng. 

0x0
 

Suy cho cùng, các đội vô địch vẫn có điểm yếu. Nhiều đội trong số họ có phong độ ở mức trung bình ở vòng bảng. Thậm chí có những đội gặp vấn đề nghiêm trọng trên hàng công.

Không phải đội nào cũng là Brazil năm 1970. Nhiều nhà vô địch World Cup khác sở hữu hàng thủ chắc chắn, trước khi đi tới trận cuối cùng bằng những thắng lợi tối thiểu hoặc giành chiến thắng trên chấm luân lưu.

Dưới đây là 6 bài học từ 6 nhà vô địch gần nhất của giải đấu: Pháp (1998), Brazil (2002), Ý (2006), Tây Ban Nha (2010), Đức (2014) và Pháp (2018).

Bạn không cần phải gây ấn tượng ở vòng bảng

Không phải nhà vô địch nào cũng có khởi đầu dễ dàng. Chỉ có Pháp (1998) và Brazil (2002) giành được 9 điểm.

Những đội chiến thắng gần đây tỏ ra khá vất vả. Năm 2006, Italia suýt chút nữa không vượt qua được vòng bảng (và rất may mắn khi vượt qua Australia ở vòng 1/8). Tây Ban Nha để thua 0-1 trong trận mở màn trước Thụy Sĩ năm 2010, trong một ngày đội bóng của Vincente del Bosque không còn là chính mình.

Năm Nhà vô địch Bàn thắng  Điểm Xếp hạng sau vòng bảng
1998  Pháp  9 9 1
2002  Brazil  11 9 1
2006  Italia 5 7 5
2010  Tây Ban Nha  3 6 6
2014  Đức 7 7 4
2018 Pháp 3 7 9

               

Năm 2014, Đức vùi dập Bồ Đào Nha với tỷ số 4-0, một phần nhờ tấm thẻ đỏ ngu ngốc trong hiệp 1 của Pepe. Sau đó, họ phải sử dụng kế hoạch B mang tên Miroslav Klose trong trận đấu với Ghana và vượt qua người Mỹ với tỷ số sát nút 1-0.

Pháp đã thực sự khốn khổ ở vòng bảng bốn năm trước. Họ chỉ ghi được 3 bàn trong ba trận vòng bảng (trong đó có một quả phạt đền và một bàn phản lưới nhà), trước khi đóng góp cho giải trận đấu tẻ nhạt nhất (0-0 với Đan Mạch). Tỉ lệ bàn thắng kì vọng (xG) của họ trong ba trận lần lượt là 0,6, 1,9 và 0,3.

Tuy nhiên, chẳng có danh hiệu nào được trao sau ba trận đấu. Họ có thể chơi thế nào cũng được, miễn là vượt qua vòng bảng. Với lịch thi đấu dày đặc và các đội được mang theo nhiều cầu thủ hơn, World Cup 2022 có thể sẽ là giải đấu mà các đội bóng lớn khởi đầu chậm chạp. Các chiến lược gia cũng sẽ xoay tua nhiều hơn chúng ta mong đợi.

VIDEO: Vì sao World Cup được diễn ra theo chu kỳ 4 năm/lần?VIDEO: Vì sao World Cup được diễn ra theo chu kỳ 4 năm/lần?
Sự hấp dẫn và danh giá của World Cup là điều không cần phải bàn cãi, khiến cho FIFA nắm bắt thị hiếu và đang có ý định đề xuất tổ chức giải đấu bóng đá lớn nhất thế giới này thường xuyên hơn theo chu kỳ rút ngắn xuống chỉ còn 2 năm/lần trong tương lai.

Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là vĩnh cửu

Người hâm mộ luôn muốn HLV chọn những cầu thủ có phong độ cao. Điều này thể hiện mong muốn những cái tên đang chơi tốt thời điểm đó có cơ hội. 

Tuy nhiên, các chiến lược gia thành công có xu hướng gắn bó với những điều họ đã biết rõ. Ví dụ điển hình nhất là cách tiếp cận của Del Bosque năm 2010. Ông vừa phải xoa dịu hai phe cầu thủ Barcelona và Real Madrid, cũng như duy trì sự cân bằng trong đội hình. Victor Valdes và Pepe Reina có phong độ tốt hơn Iker Casillas ở mùa giải 09/10, nhưng Del Bosque không bao giờ loại bỏ người đội trưởng của mình. 

Trong khi đó, Andres Iniesta liên tục dính chấn thương cơ và phải vật lộn để đạt được thể trạng tốt nhất trước khi bước vào giải. Nhưng Del Bosque tiếp tục tin tưởng Iniesta và được đền đáp, khi anh ghi bàn quyết định trong trận chung kết.

Ngôi sao trong trận chung kết bốn năm sau đó là Bastian Schweinsteiger. Cầu thủ kỳ cựu này có phong độ khá tệ trong màu áo Bayern trước khi bước vào kỳ World Cup thứ ba; thậm chí, sự nghiệp cấp CLB của anh chững lại hoàn toàn sau đó. Nhưng trong một tháng ở Brazil, Schweinsteiger đã chơi rất nổi bật.

Chúng ta có thể nói điều tương tự về trường hợp của Paul Pogba năm 2018, người đã trải qua mùa giải thứ hai kém cỏi tại Manchester United; nhiều người tin rằng anh thậm chí có nguy cơ mất chỗ trên tuyển. Nhưng Pogba đã đóng một vai trò quan trọng trong suốt chiến dịch thành công của Pháp, đồng thời cũng được cho là cầu thủ xuất sắc nhất tại EURO 2020 cho đến khi Pháp bị loại.

Để vô địch World Cup, hãy tham khảo bài học của người đi trước! 1
 

Bạn cũng có thể chỉ ra niềm tin của Marcello Lippi dành cho Francesco Totti vào năm 2006, dù anh chỉ mới trở lại sau một lần bị gãy chân - nhiều người nghi ngờ anh còn chẳng đủ sức khỏe để tỏa sáng.

Cũng chẳng có ai ngu ngốc đến mức bỏ qua Ronaldo, dù bước vào World Cup 2002, anh chỉ ghi được 10 bàn trong ba mùa giải VĐQG gần nhất vì chấn thương, đồng thời không ghi bàn nào cho Brazil trong gần ba năm.

Trong khi đó, Aime Jacquet đã đứng về phía Zinedine Zidane sau chiếc thẻ đỏ trong trận gặp Saudi Arabia năm 1998, đồng thời cho anh trở lại ngay sau án treo giò, khi một số ý kiến cho rằng anh đáng bị trừng phạt nghiêm khắc hơn.

Luôn có chỗ cho những nhân tố bất ngờ, nhất là khi giờ đây các HLV có tới 26 sự lựa chọn trong tay. Nhưng cần nhớ rằng, các huyền thoại World Cup thường bị nghi ngờ khi bước vào giải đấu, trước khi tự mình chứng minh cho cả thế giới thấy.

Thường có một thay đổi chiến thuật lớn trong giải

Nếu một HLV chưa quyết định được sơ đồ tối ưu của mình khi tham gia giải đấu, đó không phải là một thảm họa. Miễn là hệ thống được ấn định trước trận tứ kết, mọi thứ sẽ ổn.

Sơ đồ ban đầu của Jacquet năm 1998 có một Thierry Henry trẻ trung chơi ở cánh. Nhưng đến vòng tứ kết, ông quyết định thay đổi bằng việc bố trí hai số 10 (Zinedine Zidane và Youri Djorkaeff) chơi phía sau Stephane Guivarc'h.

Sự thay đổi của Luiz Felipe Scolari vào năm 2002 còn tinh vi hơn. Trong bốn trận đầu tiên, ông sử dụng Gilberto Silva như một tiền vệ phòng ngự duy nhất, còn Juninho Paulista dâng cao hơn. Tuy nhiên, kể từ trận tứ kết, ông sử dụng Kleberson thay cho Juninho để gia cố hàng thủ. Kết quả, Kleberson thậm chí được coi là cầu thủ xuất sắc nhất của Brazil trong trận chung kết.

Để vô địch World Cup, hãy tham khảo bài học của người đi trước! 2
 

Năm 2006, Lippi luôn tỏ ra linh hoạt khi sử dụng luân phiên hai sơ đồ 4-3-1-2 và 4-4-1-1. Ông sử dụng sơ đồ 4-3-1-2 ở 3 trong 4 trận đầu tiên, trước khi chuyển sang sơ đồ 4-4-1-1 từ giai đoạn tứ kết trở đi, mở ra một vị trí xuất phát cho cầu thủ gốc Argentina Mauro Camoranesi.

Năm 2010, Del Bosque bỏ qua yêu cầu của các cầu thủ Barcelona, những người muốn ông từ bỏ sơ đồ 4-2-3-1 ưa thích và sử dụng sơ đồ 4-3-3 mà Xavi Hernandez và Iniesta tỏ ra thoải mái hơn. Tuy nhiên, có một sự thay đổi đáng kể: David Villa, người trước đó chơi ở cánh trái chuyển sang đá cắm. Pedro Rodriguez là người trám chỗ anh và đổi cánh linh hoạt với Iniesta.

Màn trình diễn kém thuyết phục của Đức trong bốn trận đầu tiên tại World Cup 2014 đã dẫn đến hai sự thay đổi lớn. Sơ đồ vẫn là 4-3-3 nhưng Philipp Lahm, người gây tranh cãi khi bắt đầu giải đấu với vị trí tiền vệ mỏ neo đã chuyển sang đá hậu vệ phải, vị trí sở trường của anh. Điều này cho phép Jerome Boateng có mặt và cung cấp tốc độ cho vị trí trung vệ (anh chơi rất hay trong trận chung kết). Ở phía trên, Joachim Low không còn dùng bộ ba Mesut Ozil, Thomas Muller và Mario Gotze nữa. Thay vào đó, ông đưa Klose vào sân chơi như một số 9. Muller chuyển sang cánh phải và Ozil chuyển từ cánh phải sang cánh trái, giống như Iniesta năm 2010.

Didier Deschamps đã làm điều tương tự bốn năm sau đó, mặc dù sớm hơn nhiều. Ông bắt đầu giải đấu với sơ đồ 4-3-3, gồm bộ ba Antoine Griezmann, Kylian Mbappe và Ousmane Dembele. Nhưng đến trận thứ hai, ông chuyển sang sơ đồ 4-2-3-1, với Olivier Giroud đá cắm, Mbappe di chuyển sang cánh phải còn Blaise Matuidi chơi như một tiền vệ cánh trái thiên về phòng ngự để mang lại sự cân bằng cho cánh bên kia.

Giữ sạch lưới ở vòng knock-out rất quan trọng

Bạn không được phép thua ở vòng đấu loại trực tiếp nếu muốn vô địch giải đấu. Cách tốt nhất để đảm bảo bạn không thua ư? Giữ sạch lưới.

Nghe có vẻ khá giáo điều, nhưng các thống kê đã chứng minh điều này. 6 đội vô địch World Cup gần đây nhất đã giữ sạch lưới 17 trận trong 24 trận đấu loại trực tiếp.

Năm Đội vô địch  Vòng 1/8  Tứ kết  Bán kết Chung kết
1998  Pháp 1-0 0-0 2-1 3-0
2002  Brazil  2-0 2-1 1-0 2-0
2006 Italia 1-0 3-0 2-0 1-1
2010 TBN 1-0 1-0 1-0 1-0
2014 Đức 2-1 1-0 7-1 1-0
2018 Pháp 4-3 2-0 1-0 4-2

                 

Nổi bật trong số đó là Tây Ban Nha, đội bóng không để thủng lưới bàn nào tại vòng loại trực tiếp năm 2010. Đức chỉ để thủng lưới hai lần ở vòng knock-out bốn năm sau đó, với những bàn thua đến ở phút cuối hiệp phụ trước Algeria, khi họ đã dẫn trước 2-0 và những phút cuối với Brazil, khi họ đã dẫn trước… 7-0. Trong khi đó, lần duy nhất người Ý để thủng lưới năm 2006 đến từ chấm phạt đền trong trận chung kết.

ĐT Pháp của bốn năm trước là ngoại lệ hiếm hoi: Họ để thủng lưới tới 5 bàn ở vòng loại trực tiếp (mặc dù hai trong số đó là những bàn thắng danh dự, khi kết quả trận đấu đã được định đoạt).

Ngoài ra, các nhà vô địch cũng có xu hướng sử dụng các hậu vệ cánh chắc chắn trong phong ngự hơn là những cá nhân xuất sắc ở phương diện tấn công. Chúng ta có thể loại trừ Brazil 2002 ở đây, khi họ sử dụng hàng thủ ba người và hai wing-back.

Tuy nhiên, Lilian Thuram (Pháp) và Sergio Ramos (Tây Ban Nha) đều trở nên nổi tiếng ở vị trí trung vệ hơn là hậu vệ phải. Benedikt Howedes (Đức), một trung vệ thuận chân phải không hề tỏ ra thoải mái khi đá hậu vệ trái, nhưng anh luôn đảm bảo sự an toàn ở hàng thủ. Trong khi đó, bộ đôi chơi cho Monaco là Djibril Sidibe và Benjamin Mendy được coi là lựa chọn số một của Pháp khi tham dự World Cup 2018. Nhưng rồi cả hai đều gặp vấn đề về thể lực nên Lucas Hernandez và Benjamin Pavard, những người thi đấu kỉ luật hơn được trám vào. Phần còn lại là lịch sử. 

Một “số 9” giỏi là điều không cần thiết

Ronaldo năm 2002 đã phá hỏng điều này. Anh đã ghi 8 bàn trong bảy trận đấu, nhiều nhất tại một kỳ World Cup kể từ năm 1970. Nhưng Ronaldo là một ngoại lệ rất hiếm hoi. 

Bởi để vô địch World Cup, bạn không nhất thiết phải cần một tiền đạo cắm chơi hay. Dưới đây là những cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho đội tuyển chiến thắng tại sáu kỳ World Cup gần nhất:

Năm Đội vô địch Cầu thủ ghi bàn nhiều nhất
1998 Pháp Henry
2002 Brazil Ronaldo
2006 Italia Toni/Materazzi
2010 Tây Ban Nha Villa
2014 Đức Muller
2018 Pháp Griezmann

 

Tất nhiên, không phải “số 9” nào cũng chơi tệ. Ví dụ, David Villa là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất tại World Cup 2010. Nhưng cần biết rằng Villa đã ghi cả 5 bàn trong các trận đấu mà anh chơi ở cánh trái, còn Fernando Torres mới là người đá cắm. Khi Villa đá ở vị trí của Torres, anh lập tức tịt ngòi.

Trên thực tế, các tiền đạo cắm ở ba trong số sáu nhà vô địch World Cup gần nhất đều không ghi bàn nào trong suốt giải đấu: Pháp năm 1998 và 2018, cùng với Tây Ban Nha năm 2010 như đã đề cập ở trên.

Năm Đội vô địch Trận 1 Trận 2 Trận 3 Vòng 1/8 Tứ kết Bán kết Chung kết
1998   Pháp Guivarc'h (0)  Dugarry (0) Trezeguet (0) Trezeguet (0) Guivarc'h (0)  Guivarc'h (0) Guivarc'h (0)
2002 Brazil Ronaldo (1) Ronaldo (1) Ronaldo (2)   Ronaldo (1) Ronaldo (0) Ronaldo (1) Ronaldo (2)
2006 Italia Toni/Gilardino (0) Toni/Gila (1) Gilardino (0) Toni/Gila (0) Toni (2) Toni (0)  Toni (0)
2010 TBN Villa (0) Torres (0) Torres (0) Torres (0) Torres (0) Torres (0) Villa (0)
2014 Đức  Muller (3)  Muller (0) Muller (1)   Muller (0)   Klose (0)   Klose (1)  Klose (0)
2018     Pháp     Mbappe (0)  Giroud (0)  Giroud (0) Giroud (0)  Giroud (0)  Giroud (0)  Giroud (0) 

 

Trường hợp của Ý hơi phức tạp một chút. Họ chơi với sơ đồ 4-3-1-2 với một cặp tiền đạo thực thụ trong ba trận, nên bảng ở trên sẽ có cả Luca Toni và Alberto Gilardino. Mặc dù vậy, chúng ta có thể nói rằng Toni mới là tiền đạo chính trong đội hình xuất phát, bởi anh đá chính sáu lần và chỉ ghi bàn trong một trận đấu.

Còn với người Đức, Muller lập hat-trick trong trận mở màn năm 2010 trước một Bồ Đào Nha chỉ còn 10 người và cũng ghi bàn vào lưới Mỹ, trước khi nhường chỗ cho Klose ở vị trí tiền đạo cắm. Klose đã nổ súng trong trận gặp Brazil, nhưng phải thừa nhận là bất cứ ai cũng có thể ghi bàn vào lưới đội chủ nhà hôm đó. 

Thomas Muller
 

Bạn sẽ cần một “số 9” hữu ích hơn là một “số 9” ghi bàn ầm ầm. Mặc dù sẽ rất tuyệt nếu sở hữu Ronaldo.

Hầu hết những đội vô địch World Cup đều phải biết đá hiệp phụ hoặc luân lưu. Chỉ có Brazil (2002) và Pháp (2018) toàn thắng cả 4 trận đấu loại trực tiếp trong 90 phút, một điều khá kì lạ. Pháp (1998) và Ý (2006) phải thắng một trận trong hiệp phụ, trước khi đá luân lưu ở trận tiếp theo. Tây Ban Nha và Đức đã giành chiến thắng ở trận chung kết trong hiệp phụ. Trước đó, người Đức không tài nào xuyên thủng mành lưới Algeria ở vòng 16 đội và phải cần đến hiệp phụ.

Xa hơn nữa, Brazil (trong trận chung kết với Ý) năm 1994 và Tây Đức (trong trận bán kết với Anh) năm 1990 cũng phải bước vào loạt đá luân lưu trên đường đến vinh quang.

Ngày nay, chúng ta đều biết loạt đá luân lưu không phải là chơi xổ số. Các đội sẽ phải chuẩn bị.

Lược dịch bài viết “How to win the World Cup: The lessons teams can learn from previous winners” của Michael Cox (The Athletic)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow