Bạn không cần một cỗ máy ghi bàn trên hàng công để vô địch Premier League

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Năm 04/01/2024 15:42(GMT+7)

Có một quan điểm đang được nhắc đến với tần suất dày đặc tại Anh: Arsenal sẽ không vô địch Premier League, trừ khi họ ký hợp đồng với một tay săn bàn đích thực.

 

Rõ ràng đó là một quan điểm có lý, nhất là sau thất bại 0-2 trước West Ham. Trong trận đấu đó, Pháo thủ có 77 lần chạm bóng trong vòng cấm đối phương, con số nhiều nhất Opta từng ghi nhận kể từ mùa giải 08/09 dành cho một CLB không ghi bàn. Họ có 30 pha dứt điểm, 8 trong số đó đi trúng đích và đạt xG 2,6. Họ có 58 tình huống tạo ra pha dứt điểm trong 90 phút. Để so sánh, West Ham chỉ đạt con số 8.

Dễ hiểu tại sao kết luận đó được đưa ra sau khi xem những số liệu thống kê ở trên, hoặc đơn giản là xem trận đấu và chứng kiến các cơ hội đến rồi đi. Gabriel Jesus là một tiền đạo toàn diện và đóng góp nhiều vào lối chơi chung. Nhưng liệu anh có phải là một sát thủ ghi bàn mà Arsenal cần, điều có vẻ như rất cần thiết cho một nhà vô địch Premier League?

Có lẽ là không. Nhưng điều đó không quá quan trọng. Bởi nếu nhìn vào những đội đã giành 31 chức vô địch Premier League, thực tế cho thấy không có nhiều mối tương quan giữa việc có một chân sút biết ghi bàn và việc trở thành nhà vô địch.

Tất nhiên, tuyên bố đó có vẻ hơi ngớ ngẩn nếu so với bối cảnh mùa giải trước, khi Erling Haaland phá kỷ lục ghi bàn ở Premier League trong một mùa giải (36 bàn), góp phần giúp Manchester City giành cú ăn ba. Nhưng trước hết, có lẽ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng Haaland là một con “quái vật”, một thành trì vững vàng mỗi khi xuất hiện lập luận rằng một cầu thủ biết ghi bàn không quan trọng như bạn nghĩ. Nếu có Haaland, CLB bạn yêu mến sẽ ổn thôi. 

 

Tuy nhiên, 22/23 là mùa đầu tiên kể từ 12/13, thời điểm nhà vô địch Premier League cũng sở hữu luôn Vua phá lưới của giải đấu, khi 26 bàn thắng của Robin van Persie giúp Manchester United giành danh hiệu cuối cùng dưới thời Sir Alex Ferguson. 

Trên thực tế, trong 29 mùa giải Premier League còn lại, các đội vô địch chỉ có 8 cầu thủ giành Chiếc giày Vàng. Hai trong số này có số bàn thắng khá khiêm tốn: Dimitar Berbatov có 20 bàn trong mùa giải 10/11 và Dwight Yorke ghi 18 bàn ở mùa 98/99, đều cho Man United.

Các CLB hoàn toàn có thể giành chức vô địch Premier League trong bối cảnh Vua phá lưới của đội kết thúc mùa giải với số bàn tương đối ít ỏi. Manchester City vô địch mùa 20/21 với Ilkay Gundogan (13 bàn) và mùa kế tiếp với Kevin De Bruyne (15 bàn) là tay săn bàn hàng đầu. 

Trong một mùa giải 19/20 vô địch đầy ắp bàn thắng của Liverpool, Mohamed Salah về đích với 19 bàn, thành tích kém nhất của anh kể từ khi chuyển đến Anfield. Hai danh hiệu đầu tiên của Jose Mourinho với Chelsea đến khi Vua phá lưới của họ, Frank Lampard lần lượt ghi 13 và 16 bàn. 15 pha làm bàn của Teddy Sheringham là đủ để giúp anh trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho Man United mùa giải 00/01. 

 

Trong 21 mùa giải mà các đội vô địch không sở hữu Vua phá lưới, các cầu thủ ghi bàn hàng đầu của những đội đó ghi ít hơn trung bình 8 bàn so với những cầu thủ ghi bàn hàng đầu của giải đấu nói chung. 

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không cần ghi bàn để vô địch Premier League. Trong 31 mùa giải, có tới 20 lần đội vô địch cũng là đội ghi nhiều bàn nhất giải (bao gồm tất cả những lần Man City vô địch). Trong 11 lần không xảy ra câu chuyện này, có 9 trường hợp họ trở thành đội ghi nhiều bàn thắng thứ hai.

Giai đoạn duy nhất trong lịch sử Premier League mà các nhà vô địch có cho mình danh hiệu Chiếc giày Vàng 3 mùa liên tiếp là từ mùa 01/02 đến 03/04, khi Vua phá lưới của giải đấu thuộc về Thierry Henry, Rudd van Nistelrooy và (lại là) Henry. Bạn có thể hiểu tại sao người hâm mộ Arsenal lại đặt niềm tin vào việc sở hữu một cỗ máy ghi bàn trong đội nhiều đến vậy.

Đây không phải là một tuyên bố mang tính cách mạng nếu nói rằng bạn cần bàn thắng để giành danh hiệu. Nhưng xét về mặt lịch sử, cách tốt nhất để một đội ghi được nhiều bàn thắng nhất không nhất thiết phải có một cá nhân ghi bàn xuất sắc. Ở 18 trong số 31 mùa giải Premier League, đội ghi nhiều bàn nhất lại không sở hữu Vua phá lưới.

Theo quy luật đó, các nhà vô địch có xu hướng san sẻ số bàn thắng, thay vì chỉ dựa vào một cá nhân. Chỉ một lần duy nhất CLB vô địch không có ít nhất 1 cầu thủ khác (ngoài Vua phá lưới của họ) đạt được số bàn lên tới 2 chữ số. Đó là Manchester United ở mùa giải 92/93, khi họ có 3 cầu thủ ghi được 9 bàn.

Ví dụ, trong hầu hết những năm trước khi Haaland xuất hiện, Man City có Raheem Sterling, người ghi ít nhất 10 bàn/mùa: 13 bàn ở mùa 21/22, 10 bàn ở mùa 20/21, 17 bàn ở mùa 18/19 và 18 bàn ở mùa 17/18. Khi Yaya Toure trở thành tay săn bàn chủ lực của họ với 20 bàn ở mùa giải 13/14, họ còn có Sergio Aguero (17 bàn), Edin Dzeko (16) và Alvaro Negredo (9). 

Trong những mùa giải mà Lampard là nguồn ghi bàn chính của Chelsea, họ còn đó Didier Drogba, Hernan Crespo và Eidur Gudjohnsen hỗ trợ anh. Xa hơn một chút, Ole Gunnar Solskjaer chỉ kết thúc mùa giải với tư cách là Vua phá lưới của Man United một lần, nhưng lại có ít nhất 10 bàn trong 4 mùa giải giành danh hiệu khác.

 

Với ý nghĩ đó, bạn có thể lập luận rằng vấn đề của Arsenal không phải là số 9 của họ không ghi đủ bàn, mà là các mối đe dọa khung thành khác của họ đã làm chưa tốt. Mùa trước Bukayo Saka, Martin Odegaard và Gabriel Martinelli lần lượt ghi 14, 15 và 15 bàn. Nhưng khi nửa mùa giải năm nay đã trôi qua, họ chỉ có 5, 4 và 2 bàn. Điều đáng nói là trong trận đấu với West Ham, Leandro Trossard đã bỏ lỡ nhiều cơ hội hơn (5) so với Jesus. 

Điều này cũng chỉ ra nỗi ám ảnh trên TTCN trong bóng đá hiện đại. Nếu mọi thứ không hoàn toàn diễn ra theo đúng kế hoạch, việc đầu tiên được nghĩ tới sẽ là ‘ký hợp đồng với người khác’, thay vì có những điều chỉnh chiến thuật, chờ đợi những cái tên bạn đang có lấy lại phong độ, hoặc đơn giản là tìm ra nguồn ghi bàn mà bạn chưa từng tính tới trước đây.

Điều đó không có nghĩa là Arsenal nên ngừng tìm kiếm một cầu thủ biết ghi bàn ở kỳ chuyển nhượng tới. Nếu họ có thể tìm được ai đó sở hữu khả năng dứt điểm trội hơn hẳn những lợi ích khác mà Jesus mang lại - hoặc đơn giản là một cây săn bàn thuần túy để làm phương án dự phòng - rõ ràng họ nên chiêu mộ anh ta.

Dù vậy, vẫn còn đó những hy vọng ngay cả khi họ không làm bất cứ điều gì. Vì lịch sử đã chứng minh một cầu thủ ghi nhiều bàn không phải là điều bắt buộc đối với bất kỳ nhà vô địch nào.

Lược dịch bài viết: “You don’t need a goal machine up front to win the Premier League” của Nick Miller (The Athletic)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Giá vé tăng cao, doanh thu ngày thi đấu và thực trạng chung của các đội bóng tại Premier league

Đối với mô hình hoạt động của các đội bóng tại Châu Âu, hầu hết doanh thu đến từ 5 nguồn tài chính. Đó chính là doanh thu ngày thi đấu, phát sóng, thương mại, tiền thưởng và chuyển nhượng cầu thủ. Trong số này, doanh thu ngày thi đấu là kiểu kiếm tiền truyền thống nhất, nhưng ngày càng có xu hướng thay đổi theo thời gian.