Thứ Ba, 05/11/2024Mới nhất
Zalo

Pháp vs Đức: Viết lại lịch sử từ thảm kịch 1982

Thứ Ba 05/07/2016 09:35(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cứ mỗi khi chạm trán ĐT Đức tại các giải đấu lớn, người Pháp lại nghĩ tới Patrick Battiston ở World Cup 1982. Tuyển thủ Pháp này đã bị thủ môn Harald Schumacher bên phía Đức hạ gục sau một pha lao ra tranh chấp.

► Tổng hợp thông tin bóng đá Đức mới nhất và lịch thi đấu Bundesliga

Tình huống va chạm đó khiến Battiston mất 2 chiếc răng và nứt 3 chiếc xương sườn, đồng thời mở ra giai đoạn Pháp thất thế trước Đức trên sân cỏ. Nhưng Pháp đang có cơ hội viết lên trang sử mới ở cuộc chạm trán Đức tại Marseille vào ngày 8/7 tới đây.
Phap vs Duc Viet lai lich su tu tham kich 1982 hinh anh
 


KỶ NIỆM BUỒN CỦA BÓNG ĐÁ PHÁP

Kể từ sau World Cup 1982, Harald Schumacher trở thành cái tên đại diện cho hành vi bạo lực trên sân cỏ. Trong trận bán kết giữa Đức và Pháp tại Seville năm đó, thủ môn này đã khiến những ai chứng kiến trận đấu phải lạnh người khi hạ gục Patrick Battiston sau một tình huống tranh chấp. Chỉ 10 phút sau khi hiệp 2 bắt đầu, Battiston nhận đường chuyền của Michel Platini, băng xuống trong thế đối mặt với thủ môn Schumacher.

Nhưng đó lại là khoảnh khắc tồi tệ nhất trong sự nghiệp của Battiston. Cú đá mà Battiston thực hiện đi chệch cột dọc trong gang tấc, còn bản thân ông lĩnh trọn pha vào bóng kinh hoàng của Schumacher. Thủ môn ĐT Đức đã lao ra với một cú đá Kung fu. Khuỷu tay của Schumacher đập mạnh vào phần mặt của Battiston, còn phần hông va chạm vào vùng ngực của tuyển thủ Pháp.

Dù đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng pha bóng này vẫn làm lạnh gáy những ai từng chứng kiến. Battiston ngã xuống đất trong tư thế úp mặt, bất động trên sân. Platini cho biết, suy nghĩ đầu tiên của ông lúc đó là Battiston đã chết. Tuyển thủ Pháp này ngay sau đó rời sân bằng cáng với dấu hiệu duy nhất của sự sống thể hiện qua những cử động yếu ớt của bàn tay phải.

Điều ngạc nhiên là Schumacher không phải chịu bất cứ án phạt nào về hành vi bạo lực trên. Thủ môn này sau khi hạ gục Battiston đã tỏ thái độ dửng dưng, không hề tiến đến xem xét tình trạng của nạn nhân. Người Pháp càng căm ghét Schumacher khi thủ môn này giúp Đức chiến thắng ở loạt sút luân lưu. Trọng tài Charles Corver (người Hà Lan) cũng chịu sự chỉ trích vì không thổi phạt Schumacher. Về sau, ông Corver giải thích do mải nhìn theo quả bóng đang lăn về khung thành mà bỏ qua pha va chạm kinh hoàng này.

Kết thúc trận đấu, Schumacher như đổ thêm dầu vào lửa với thái độ không hề có chút ăn năn. Phát biểu đầu tiên của ông sau khi hay tin Battiston mất 2 chiếc răng, nứt 3 xương sườn và cột sống bị tổn thương chỉ là: “Tôi sẽ trả tiền trồng răng cho anh ta”.

Sự ngạo mạn của Schumacher đã khiến một bộ phận NHM nổi điên. Hàng loạt xe hơi mang biển số Đức tại các điểm cắm trại ở Pháp bị đập phá. Sự thù địch vượt ra ngoài khía cạnh thể thao khiến nguyên thủ quốc gia hai nước phải bắt tay dàn xếp.

Thủ tướng Đức Helmut Schmidt và Tổng thống Pháp Francois Mitterrand khi đó cùng phát đi một thông cáo chung bày tỏ sự đáng tiếc về sự cố diễn ra ở trận bán kết World Cup 1982. Dẫu vậy, người Pháp vẫn chưa nguôi ngoai. Sau khi Đức thua Italia ở chung kết, tờ L’Equipe giật lên trang nhất: “Công lý được thực thi”.
Phap vs Duc Viet lai lich su tu tham kich 1982 hinh anh 2
 


NGƯỜI PHÁP CHỜ VIẾT TRANG SỬ MỚI

Trận đấu tại Seville năm 1982 đã trở thành cột mốc khó quên trong lịch sử bóng đá Đức và Pháp. Quãng thời gian sau đó chứng kiến sự thất thế của Pháp mỗi khi đối đầu với Đức ở các giải lớn. Schumacher thoát án phạt của trọng tài nhưng trở thành biểu tượng của bạo lực sân cỏ. Pha vào bóng kinh hoàng với Battiston đem đến cho ông biệt danh “tay đồ tể ở Seville”.

Pháp đã phải dừng bước ở bán kết World Cup 1982, nhưng pha bóng bạo lực mà Battiston phải nhận lại trở thành tiền đề cho sự vươn lên của nền bóng này. Platini cho biết, bi kịch ở Seville đã tạo ra sự chuyển biến tinh thần trong nội bộ ĐT Pháp lẫn sự gắn kết giữa họ và CĐV. Hai năm sau, Pháp lên ngôi tại EURO 1984 và Battiston là một thành viên đứng trên bục vinh quang nhận cúp. “Trong mất mát, chúng tôi đã trở thành một đội bóng tuyệt vời. Sự cố ở Seville trở thành bước chuyển mình của ĐT Pháp và đánh dấu sự ra đời của một thế hệ CĐV mới”, Platini đánh giá.

Chiến lược gia lão làng Gerard Houllier cũng có chung nhận định: “Mọi người bắt đầu yêu bóng đá Pháp hơn từ thời điểm đó. Tất cả đều có chung cảm nhận mình là nạn nhân của một trò chơi bất công. Chúng tôi xích lại gần nhau hơn sau sự cố đó”.

Vào ngày 8/7 sắp tới, Pháp sẽ gặp lại Đức cũng trong một trận bán kết. Giờ đây không còn ai nói đến sự thù hận, nhưng cuộc đối đầu sắp tới vẫn mang tính chất đặc biệt với người Pháp. Đây là cơ hội để họ thoát khỏi cảnh bị người Đức át vía tại các giải đấu lớn. Ngoài lợi thế sân nhà, Pháp còn đang bay cao sau đại thắng Iceland ở vòng tứ kết. 2 năm sau khi bị người Đức vượt qua ở World Cup 1982, Pháp đã lên ngôi ở EURO 1984. Liệu cái vòng tròn 2 năm đó có lặp lại, khi mà tại World Cup 2014 Pháp cũng dừng bước trước Đức để rồi sau đó trở thành một đội bóng mạnh mẽ ở EURO 2016?

Theo Bongdaplus.vn

http://cupvodichchauau.bongdaplus.vn/tin-tuc/phap-vs-duc-viet-lai-lich-su-tu-tham-kich-seville-1982-1586991607.html
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Mario Balotelli: Cho những cái gồng mình quả cảm vì Azzurri

Mario Balotelli: Cho những cái gồng mình quả cảm vì Azzurri

Mario Balotelli: Cho những cái gồng mình quả cảm vì Azzurri

Balotelli, chỉ một cái tên thôi cũng đủ để khiến các cổ động viên Italia trào lên một cảm giác khó tả. Đó là sự tự hào về một trong những chân sút tài năng nhất của bóng đá Ý sau đỉnh cao World Cup 2006; là sự khó hiểu về một cá tính phức tạp và đa chiều trong giới túc cầu giáo; và là sự nuối tiếc về một tài năng sớm nở chóng tàn. Nhưng nếu phải chọn ra một từ để miêu tả con người Balotelli, đó có lẽ là “bản năng”.

Xem thêm
top-arrow
X