Tiên đoán của Pele năm 1977 rằng một đội bóng châu Phi sẽ vô địch World Cup trước năm 2000 đã không thành sự thật. Đội châu Phi gây ấn tượng nhất là Cameroon ở World Cup 1990 tại Italy, nhờ có Roger Milla.
Milla khi đó đã là một tiền đạo 38 tuổi, nhưng vẫn là niềm cảm hứng bất tận cho Sư tử bất khuất. Cứ mỗi bàn ghi được ở Italy, ông lại phá kỷ lục của chính mình: Là cầu thủ lớn tuổi nhất ghi bàn ở World Cup (và một lần nữa vào năm 1994 ở Mỹ). 5 bàn ghi được giúp Milla là chân sút số 1 của lục địa đen ở World Cup mọi thời. Những ngôi sao của thời toàn cầu hóa như Samuel Eto’o (2 bàn) và Didier Drogba (2 bàn) cũng không thể vượt qua ông.
Huyền thoại của châu Phi
“Ở tuổi 38, tôi không thể tưởng tượng được là mình có thể chơi như thế”, Milla nói. Italy 1990 là VCK World Cup thứ hai của ông. Ở Tây Ban Nha 1982, Cameroon đã chứng tỏ các đội châu Phi không còn cam phận lót đường nữa. Milla gây ấn tượng khi đội bóng của ông thủ hòa 3 trận và có một bàn bị trọng tài từ chối rất đáng ngờ ở trận mở màn gặp Peru. “Tôi đã chơi rất hay năm 1982 và nếu họ công nhận bàn thắng hợp lệ ở trận gặp Peru, có lẽ Cameroon đã vào chung kết”, ông nói.
Sự tự tin là phẩm chất nổi bật nhất của Milla. Ông tin rằng nếu LĐBĐ Cameroon được tổ chức tốt hơn, họ đã có cơ hội vô địch năm 1990. Thủ thành Joseph-Antoine Bell, tuy chỉ là một dự bị không được ra sân, là thủ lĩnh trong đội hình. “Đội bóng của chúng tôi không chuyên nghiệp lắm”, ông nói. “Tôi cố gắng tổ chức họ tốt nhất có thể”.
Milla có ảnh hưởng rất lớn đối với đội bóng, nhất là trên sân. Tuổi tác khiến ông chủ yếu vào sân từ ghế dự bị, nhưng một khi đã có mặt, ông sẽ khiến các hậu vệ đối phương phải đối phó hết sức vất vả, một phong cách gần với Eto’o ngày nay. “Ngoài sân, anh ấy là người rất tử tế”, Bell nói. “Anh ấy là anh em của tôi. Trên sân anh ấy hoàn toàn khác. Anh ấy nói suốt, nói với đối thủ, với tất cả mọi người. Anh ấy bực tức với tất cả mọi chuyện, với đối thủ và với trọng tài. Chúng tôi dần nhận ra anh ấy phải như thế thì mới chơi hay”.
Vào sân thay người vào cuối trận trong trận khai mạc World Cup 1990 khi Cameroon có chiến thắng chấn động trước ĐKVĐ Argentina, Milla sau đó ghi 3 bàn giúp Cameroon tiến xa ở giải đấu, bao gồm một cú đúp vào lưới Romania rồi ở vòng 1/8, trừng phạt sự lãng tử của thủ thành lập dị của ĐT Colombia, Rene Higuita. “Tôi thấy Higuita lại giở trò quen thuộc”, Milla nói. “Và nhận ra cơ hội cướp bóng. Tôi đã lên kế hoạch cẩn thận”.
Thay đổi lịch sử
“Anh ấy không phải là một cầu thủ tốc độ”, Bell nhận xét. “Anh ấy chỉ nhanh nhẹn ở những cự ly ngắn, và rất lợi hại trước khung thành”. Đặc sắc hơn, những bàn thắng của Milla thường được tiếp nối bằng các vũ điệu ăn mừng tưng bừng bên cột cờ góc. Trước trận tứ kết ở Naples, các trợ lý của HLV ĐT Anh Bobby Robson nói họ đã gặp phải đối thủ dễ nhất ở vòng này. Thế nhưng, ĐT Anh đã được một phen sợ khiếp vía và chỉ thắng 3-2 trong hiệp phụ nhờ 2 quả phạt đền của Gary Lineker.
Milla không ghi bàn, nhưng có một đường kiến tạo. “Một trong những kỷ niệm đẹp nhất là việc chúng tôi dẫn trước ĐT Anh 6 phút trước khi hết giờ”, Milla nhớ lại. Ông trở lại vào năm 1994, nhưng Cameroon không thể lặp lại kỳ tích năm xưa. Đội bóng còn thiếu tổ chức hơn cả 4 năm về trước. “Mỹ 1994 là một nỗi thất vọng lớn”, Bell nói, lần này ông là thủ môn bắt chính. “Các quan chức của LĐBĐ Cameroon không hiểu rằng phải có kế hoạch tốt thì mới có kết quả tốt”. Cameroon bị loại sau vòng bảng, nhưng Milla, vào sân từ ghế dự bị ở 2 trận cuối, trở thành huyền thoại khi gỡ bàn danh dự trong thất bại 1-6 trước Nga.
“Roger chơi bóng ở một thời kỳ mà không nhiều người nghĩ châu Phi có thể có những đội bóng giỏi”, Bell nói. “Rồi họ đã nhận ra sự khác biệt, giờ thì sự tôn trọng cho các đội bóng châu Phi đã hoàn toàn khác”.
Tuy nhiên, sẽ không ai sánh được với Milla bởi những gì ông đã làm được.
Theo Thể Thao Văn Hoá