Từ những miêu tả sai sự thật của báo chí Italia, người Chile - chủ nhà World Cup 1962 - trở nên giận dữ rồi tạo nên "cuộc chiến ở Santiago", một trong những trận cầu hổ thẹn bậc nhất trong lịch sử World Cup.
1962 - Năm của người Nam Mỹ
Lần đầu tiên kể từ năm 1950, một quốc gia Nam Mỹ mới lại giành quyền đăng cai World Cup. Sau hai kỳ World Cup 1954 và 1958 được tổ chức tại châu Âu, các quốc gia Nam Mỹ cho rằng thế là quá nhiều.
|
Chile giành chiến thắng trong cuộc bình chọn nước đăng cai World Cup 1962. |
Trước cuộc bình chọn quốc gia đăng cai World Cup 1962, phía Nam Mỹ cho biết sẽ tẩy chay tham dự nếu một quốc gia thuộc châu Âu giành chiến thắng lần nữa. FIFA e ngại viễn cảnh về World Cup 1934, thời điểm các quốc gia Mỹ Latin quyết không tham dự để phản đối.
Ban đầu, ba nước đăng cai World Cup 1962 gồm Tây Đức, Chile và Argentina. Khi đe dọa tẩy chay truyền đến Zurich, FIFA đề nghị Tây Đức rút khỏi cuộc đua, chỉ còn hai quốc gia Nam Mỹ giành quyền. Argentina vốn được đánh giá cao hơn bởi cơ sở hạ tầng, cũng như đội tuyển nữa.
Vũ khí lớn nhất giúp Chile giành chiến thắng là Carlos Dittborn, Chủ tịch COMEBOL (LĐBĐ khu vực Mỹ Latin). Dittborn đã đi các quốc gia để vận động cho quê hương mình là Chile trong cuộc bình chọn năm 1956. Kết quả, Chile giành chiến thắng với số phiếu chênh lệch là 32-11.
Khó khăn đầu tiên mà Chile phải đối mặt là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup: Đường xá, sân vận động, bến tàu xe, sân bay,... đều cần phải nâng cấp. Không có nhiều thời gian để lãng phí.
|
Trận động đắt ở Valdivia khiến chủ nhà Chile thiệt hại nặng nề trước thềm World Cup 1962. |
Đang khi bừng bừng khí thế, trận động đất tại Valdivia diễn ra vào ngày 22/5/1960 khiến nỗ lực của nước chủ nhà bị hủy hoại nghiêm trọng. Trận động đất Valdivia được ghi nhận là mạnh nhất trong lịch sử loài người, hàng nghìn người chết, nhiều người khác mất nhà cửa.
Với một quốc gia đang gặp khó khăn về kinh tế, trận động đất như một cú sốc giáng vào Chile. Bốn trong số tám địa điểm dự kiến cho World Cup bị hủy hoại nghiêm trọng, hai thành phố khác có sân vận động thiệt hại nặng, nâng số địa điểm phải phục hồi lên con số 6. Chile buộc phải kêu gọi sự hỗ trợ từ khắp nơi trên thế giới.
Đúng vào thời khắc khó khăn, tinh thần dân tộc của Chile lên cao. Đội tuyển quốc gia dành trọn 18 tháng để đi tới khắp các miền trên cả nước, cũng như các quốc gia khác để trình bày về tình cảnh của Chile và nâng cao niềm tự hào quốc gia.
Thế nên khi World Cup đến, người Chile cảm thấy giải đấu này đặc biệt có ý nghĩa với họ. Năm 1960, Carlos Dittborn hòa thành vào cảm xúc người Chile với tuyên bố: "Bởi vì chúng tôi không có gì, chúng tôi sẽ làm mọi thứ để xây dựng lại". Đáng buồn thay, Dittborn - nguồn cảm hứng cho World Cup 1962 của người Chile qua đời chỉ một tháng trước khi giải đấu diễn ra.
|
Carlos Dittborn là người góp công lớn giúp Chile giành quyền đăng cai World Cup 1962. |
Như phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn, nỗ lực hồi phục của Chile cho giải đấu như một phép màu, nhận được những lời khen từ khắp nơi trên thế giới. ĐT Chile bừng bừng khí thế bước vào giải đấu với nhóm được dự đoán khó khăn gồm Italia, Tây Đức và Thụy Sĩ.
Khởi nguồn của mâu thuẫn
Dù vậy, không phải ai cũng ấn tượng với nỗ lực vượt khó của chủ nhà Chile. Ngay trước thềm giải đấu, hai nhà báo người Italia - Antonio Ghirelli và Corrado Pizzinelli xuất bản một loạt bài viết trên tờ La Nazione cùng Corriere della Sera miêu tả hoàn cảnh của nước chủ nhà Chile hoàn toàn tồi tệ, khởi nguồn cho "cuộc chiến ở Santiago".
Sân Santiago bị miêu tả đầy tù túng, là nơi "điện thoại không hoạt động, taxi thì hiếm như những ông chồng chung thủy, một đoạn cáp đến châu Âu phải trả bằng một cái tay và một cái chân, một bức thư phải mất 5 ngày để đến nơi".
Corrado Pizzinelli viết trên La Nazione: "Santiago thật khủng khiếp. Khu lân cận toàn nhà chứa". Người dân Chile theo miêu tả của bài báo cũng chẳng tốt đẹp hơn là bao khi bị gán cho hình tượng "suy dinh dưỡng, nghiện rượu, mù chữ và đói nghèo".
|
Corrado Pizzinelli - một trong hai nhà báo người Italia là tác nhân của "cuộc chiến ở Santiago". |
Nếu bài báo chỉ ở trong phạm vi Italia, "cuộc chiến ở Santiago" có lẽ chẳng bao giờ diễn ra. Đáng buồn thay, báo chí Chile sớm phát hiện ra những bài viết từ các đồng nghiệp ở Italia. Tờ El Mercurio sửa lại tiêu đề, bóp méo thêm một chút nhằm nâng cao sự xúc phạm và xuất bản. Một tờ khác là Clarin de Santiago đăng tải bài viết gốc cùng dòng tiêu đề "Chiến tranh thế giới".
Ngay lập tức, sự giận dữ bao trùm cả đất nước Chile. Những người Italia trở thành mục tiêu của sự cừu hận, dự đoán về viễn cảnh bạo lực nhanh chóng được đưa ra. Điều đáng ngại là Italia gặp chủ nhà Chile ở trận đấu thứ hai vòng đầu tiên, họ hiểu mình đang gặp rắc rối.
Trước khi trận đấu diễn ra chỉ vài ngày, một nhà báo Argentina bị đánh đập chỉ vì bị nhầm là người Italia. Các quán rượu, nhà hàng ở Chile từ chối phục vụ người Italia, còn các cầu thủ Azzurri nhận về những tiếng la ó, chửi rủa cùng những ánh mắt hình viên đạn từ người bản địa.
Hiểu được thái độ thù địch từ người Chile, trước trận đấu, cầu thủ Italia tiến lại các góc khán đài để tung những bó hoa về phía phụ nữ Chile với ý định làm hòa. Ngay lập tức, những bó hoa bị ném trả xuống sân. Người Chile không chấp nhận thỏa hiệp.
Và "cuộc chiến ở Santiago" bắt đầu!
(Còn nữa)
Xem thêm những bài viết khác trên Bongda24h.vn về World Cup 2018: Như Đạt (TTVN)