Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

20 năm sau cái chết oan nghiệt của Escobar

Thứ Sáu 04/07/2014 10:37(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

 Vụ hậu vệ Andres Escobar bị bắn chết, vì bàn phản lưới ở World Cup 1994, đã hủy hoại bóng đá Colombia. Nhưng màn trình diễn ấn tượng của đội tuyển nước này trên đất Brazil đã làm sống lại tình yêu bóng đá ở quốc gia họ.

Hôm nay 4/7 tuyển Colombia sẽ có một trong những trận đấu lớn nhất lịch sử bóng đá nước này, khi gặp Brazil tại tứ kết World Cup. Đây cũng được coi là cơ hội tuyệt vời để họ làm vơi bớt nỗi đau nơi người hâm mộ sau cái chết của Andres Escobar vào ngày 2/7 của hai mươi năm trước. Trung vệ này đã bị bắn chết ở một quán bar tại thị trấn quê nhà Medellin, ít ngày sau khi trở về từ World Cup 1994 - giải đấu mà anh đá phản lưới trận thua chủ nhà Mỹ 1-2, còn Colombia bị loại ngay vòng bảng.

Di anh Escobar duoc nguoi Colombia mang theo cho den tan bay gio
Di ảnh Escobar được người Colombia mang theo cho đến tận bây giờ

Hồi đó Colombia được đánh giá rất cao, sau khi đè bẹp cả Argentina với kết quả 5-0 tại vòng loại khu vực Nam Mỹ. Huyền thoại Pele thậm chí còn dự đoán Colombia vô địch tại USA 1994. Vì thế dư luận cho rằng Escobar bị sát hại do cú phản lưới nhà của anh đã khiến một nhóm nào đó thua khoản tiền lớn đặt cho cửa Colombia vào vòng hai World Cup 1994.

Nhiều năm sau người Colombia vẫn nhớ đến anh, khi luôn mang theo hình Escobar tới sân vận động trong các trận có đội tuyển quốc gia thi đấu. Đây là một vết đen khó xóa nhòa trong lịch sử bóng đá của quốc gia từng rối loạn vì bạo lực và buôn bán ma túy.

Từng có thời bóng đá và tội phạm nước này luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tên trùm ma túy khét tiếng Pablo Escobar từng có niềm đam mê cháy bỏng với các trận bóng đá. Tên tội phạm từng được coi là giàu nhất thế giới này khi còn sống đã đầu tư những khoản tiền lớn cho bóng đá Colombia, thậm chí còn nhiều lần dùng chuyên cơ đưa một số ngôi sao tới tham gia các trận giao hữu diễn ra ở trang trại của hắn.

Sau khi Pablo đầu thú năm 1991, các thành viên của đội tuyển bóng đá quốc gia vẫn nhiều lần vào thăm Pablo trong một nhà tù riêng do chính hắn bỏ tiền xây dựng. Pablo còn được đặt cho biệt danh "Quý ông bóng đá Colombia". Nhưng Pablo đã bị giết năm 1993 và không kịp được chứng kiến nỗi kinh hoàng phá hỏng hình ảnh bóng đá nước này diễn ra một năm sau đó.

Năm 1994, Colombia oai hùng bước tới World Cup với thế hệ vàng gồm những Andres Escobar, Carlos Valderrama, Faustino Asprilla, René Higuita và Freddy Rincón. Trước khi tranh tài ở vòng chung kết tại Mỹ, đội bóng này chỉ thua một trong mạch 26 trận. Tuy nhiên ngay ở trận ra quân vòng bảng họ đã chịu cú sốc thua thảm 1-3 trước Romania. Ngay sau trận đó nhiều cầu thủ trong đội đã nhận được những lời dọa giết từ quê nhà, một số không còn muốn tiếp tục thi đấu. Trận tiếp theo họ gặp chủ nhà Mỹ. Andres Escobar phản lưới nhà ở phút 35. Trận đấu kết thúc với phần thắng 2-1 cho Mỹ, còn Colombia bị loại cho dù thắng Thụy Sĩ ở trận cuối vòng bảng.

Khoảng 5 ngày sau, Andres Escobar trở về thị trấn quê nhà thay vì đi thăm họ hàng ở bang Nevada, Mỹ. Anh cũng không nghe theo lời khuyên của người thân, vẫn mạo hiểm đi chơi đêm cùng bạn bè khắp thị trấn. Và sau khi chia tay nhóm bạn tại một hộp đêm để trở về chỗ đỗ xe, anh gặp một nhóm ba người rồi bị bắn sáu phát vào lưng.

Escobar ra đi khi chưa kịp tổ chức lễ cưới với hôn thê Pamela Cascardo. Anh cũng chưa kịp đặt bút ký hợp đồng với AC Milan. Hồi đó anh được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những hậu vệ hàng đầu thế giới nếu có thêm trải nghiệm với môi trường bóng đá Italy. Đám tang anh tại Medellin có tới 120.000 người đến chia buồn. Hàng loạt các cuộc biểu tình đã diễn ra sau đó nhằm kêu gọi hòa bình tại Colombia vì Escobar.

Thành tích của Colombia trên đấu trường quốc tế cũng suy giảm từ ngày đó. World Cup 2014 mới là lần đầu tiên đội tuyển nước này vượt qua vòng loại khu vực Nam Mỹ kể từ sau năm 1998. Hai cựu danh thủ Asprilla và Valderrama tuyên bố bỏ đội tuyển ngay sau ngày 2/7 kinh hoàng năm 1994. Humberto Castro Muñoz, kẻ đứng ra tự thú đã bắn Escobar, bị tuyên 43 năm tù giam, nhưng chỉ phải ở tù trong 11 năm. Hai tên cùng đi với hắn tới chỗ bắn Escobar được tha bổng. Cả ba là những vệ sĩ của một tổ chức tội phạm cờ bạc, ma túy tại Colombia hồi đó.

Nhưng thời gian qua chính quyền Colombia đã có nhiều cố gắng trong việc truy quét tội phạm ma túy, và nỗ lực xây dựng một hình ảnh mới sau sự cố Escobar. Đội tuyển bóng đá nước này cũng như một chú chim phượng hoàng lửa bay ra từ bóng tối và đang tỏa sáng tại World Cup 2014 cùng tấm vé vào tứ kết và những màn trình diễn đẹp. Tình yêu bóng đá thực sự đã hồi sinh mạnh mẽ ở đất nước Nam Mỹ này.

Theo Vnexpress

Có thể bạn quan tâm

World Cup 2006 - tuyển Pháp và cuộc hành trình lạ kỳ (P3)

World Cup 2006 - tuyển Pháp và cuộc hành trình lạ kỳ (P3)

World Cup 2006 - tuyển Pháp và cuộc hành trình lạ kỳ (P3)

Ở sân vận động Olympic tại Berlin, cả hai đội bóng đều đã có bàn thắng chỉ trong vòng 20 phút đầu tiên, sau khi cú đánh đầu của Marco Materazzi giúp Ý cân bằng tỷ số. Zidane đã đưa Pháp vượt lên từ phút thứ bảy bằng một cú Panenka. Bóng đã chạm xà nhưng vẫn vào lưới, tuy nhiên điều đấy cho thấy Zidane đã để cảm xúc làm phân tâm. Điều này như là lời dự báo về việc anh sẽ từ giã bóng đá sau trận chung kết này.

World Cup 2006 - Tuyển Pháp và cuộc hành trình lạ kỳ (P2)

World Cup 2006 - Tuyển Pháp và cuộc hành trình lạ kỳ (P2)

World Cup 2006 - Tuyển Pháp và cuộc hành trình lạ kỳ (P2)

Bằng những kinh nghiệm chiến trận, những cựu binh đã cứu lấy chiếc ghế của Raymond Domenech, người mà tự bản thân trước đó đã không thể hiện được năng lực. Để rồi tuyển Pháp của năm 2006 là một tuyển Pháp hùng mạnh và đoàn kết. Còn bốn năm sau trên đất Nam Phi, là một sự tủi nhục với một trong những scandal lớn nhất trong lịch sử bóng đá Pháp.

World Cup 2006 - Tuyển Pháp và cuộc hành trình lạ kỳ (P1)

World Cup 2006 - Tuyển Pháp và cuộc hành trình lạ kỳ (P1)

World Cup 2006 - Tuyển Pháp và cuộc hành trình lạ kỳ (P1)

Hành trình của tuyển Pháp đến với trận chung kết World Cup 2006 xứng đáng được điền vào danh sách những câu chuyện tuyệt vời nhất trong những kỳ World Cup gần đây. Một câu chuyện thơ mộng theo cách kỳ lạ được viết nên bởi những cựu binh, những người đã “trở lại chiến trường” khi đội tuyển quốc gia...lên tiếng cầu cứu vào mùa đông năm 2005.

Xem World Cup 2018, nhớ Lampard và cái vạch vôi năm nào

Xem World Cup 2018, nhớ Lampard và cái vạch vôi năm nào

Xem World Cup 2018, nhớ Lampard và cái vạch vôi năm nào

8 năm trước, trong những ngày Hè Nam Phi 2010, khi Goal-line chưa đi vào đời sống bóng đá - đặc biệt là các giải đấu lớn còn VAR thậm chí còn chưa thai nghén, có 1 tình huống trong cặp đấu đầy duyên nợ ở vòng knock-out, khiến những ai có cơ hội theo dõi trận đấu ấy, cho tới tận những ngày này vẫn còn nhớ như in.

Xem thêm
top-arrow
X