Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Lilian Thuram: Một con người bất hạnh, một hộ vệ vĩ đại (phần 1)

Chủ Nhật 27/03/2016 12:52(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Lilian Thuram là một trong những niềm tự hào trong lịch sử bóng đá Pháp, chưa một thời khắc nào quên đi thuở hàn vi khốn khó của mình và đó là cốt lõi để anh vươn lên chiến thắng tất cả cùng CLB và ĐTQG. Nếu không có nghị lực đó, đã chẳng có một tên tuổi lừng lẫy lưu danh sử sách như ngày nay.

► Tổng hợp thông tin mới nhất về VCK Euro 2016 và kết quả VCK Euro 2016.

Hậu vệ Lilian Thuram sinh ra vào ngày đầu tiên của năm 1972 tại quần đảo Guadeloupe, một vùng lãnh thổ của Pháp. Vì miếng cơm manh áo, bà mẹ đơn thân Mariana của anh đã phải rời xa con trai mới lên 5 tuổi của mình để chuyển tới xứ lục lăng sinh sống. Để Thuram lại cho người thân nuôi nấng là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời của Mariana như chính bà tâm sự sau này.

Thuram a boy
Thuram khi còn nhỏ và mẹ của mình

Sang Pháp, người mẹ hiểu ra rằng sớm hay muộn cũng phải mang Thuram theo để vừa tiện chăm sóc vừa tạo điều kiện để anh có một nền tảng giáo dục tốt hơn. 4 năm sau tức khi Thuram lên 9, bà Mariana nhắn nhủ người thân gửi anh từ Guadeloupe đến Paris. Bà hy vọng con mình có một tương lai tươi sáng hơn nhất là khi nó đã không có bố từ thuở ấu thơ và sẵn sàng hy sinh tất cả bao gồm cả quên mình làm lụng vất vả.

Đúng là khi trưởng thành, Thuram có gặp lại cha mình một lần nhưng phải nói rằng người đàn ông này gần như không tồn tại trong cuộc đời của mẹ con anh. Thường thì mỗi mẹ đi làm, anh lại ra chơi bóng trên đường phố Fontainebleau - vùng ngoại ô tương đối nghèo ở phía Đông Nam Paris. Dù cuộc sống tại thủ đô nước Pháp không phải quá ấm no nhưng Thuram vẫn cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện khi hàng ngày được hòa chung niềm vui chơi bóng cùng với những đứa trẻ di cư từ khắp nơi trên thế giới.

Đến năm 1991, số phận đã mỉm cười với Thuram khi anh được Monaco nhận về. Từ bóng đá đường phố cho tới chuyên nghiệp lại là CLB có tên tuổi tại Pháp và châu Âu phải nói là một giấc mơ thành hiện thực với anh chàng gốc Guadeloupe. Sân Louis II chứng kiến những bước chân đầu tiên trên sân cỏ chuyên nghiệp của Thuram. Ở đó, người ta đã thấy bóng dáng một cầu thủ có sức khỏe như lực sĩ đi kèm với trí thông minh của một nhà bác học.

Thuram Monaco
Thuram thi đấu trong màu áo của Monaco

Đá hậu vệ song Thuram không quá lạm dụng sức vóc vốn được xem là thiên bẩm của mình thay vào đó anh chơi tỉnh táo, đầu óc và đọc trận đấu tuyệt vời. Trong sự nghiệp thi đấu, Thuram có thể đá tốt ở cả trung vệ lẫn hậu vệ cánh. Nhưng không gian chơi anh ưa thích nhất là sau cùng hàng hậu vệ và ngay trước thủ môn. Có thể hình dung Thuram giống như một hộ vệ cho các quan lớn ngày xưa vậy, anh sử dụng tốt óc suy luận để kịp thời bọc lót cho đồng đội, giải nguy cho khung thành của mình.

Trong khoảng thời gian cuối thập niên 80, đầu 90, bóng đá Pháp đã có bước đi xuống đáng kể. Sau vị trí thứ 3 tại World Cup 1986, ĐTQG nước này thành tích không có gì vẻ vang suốt nhiều năm khi dừng chân ngay tại vòng bảng VCK Euro năm 1992 rồi vắng mặt ở các giải đấu lớn từ 1988, 1990 cho tới 1994. Một cuộc cách mạng tại Les Bleus đã được diễn ra và những cầu thủ trẻ như Thuram có cơ hội trở thành nòng cốt trong phát triển tương lai.

Dưới thời Aime Jacquet, chỉ một vài trận đấu ông đã cho thấy ý định đó với việc cho cả Thuram rồi Zinedine Zidane ra mắt ĐT Pháp. Đều được xem là vô danh và bị kỳ thị bởi nguồn gốc ở thời điểm đó song thực tế chỉ ra cả hai về sau đều là những danh thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá xứ lục lăng. Cả Thuram và Zidane đều có gốc gác từ quốc gia khác xa xôi và bị cho là những kẻ phản bội tổ quốc để khoác lên mình chiếc áo lam.

Thuram Euro 1996
Thuram (Số 15) trong đội hình Pháp tại Euro 1996

Giữa làn sóng phản đối trong đó có một chính trị gia cánh tả rằng không còn nhận ra ĐT Pháp vì nó có “quá nhiều cầu thủ da đen”, Thuram đã dũng cảm lên tiếng. “Họ không chọn Barthez vì anh là người da trắng, họ không chọn Thuram vì anh là người da đen. Họ chọn Barthez và Thuram vì họ là người Pháp”, chàng trai sinh tại Pointe-à-Pitre, thành phố lớn nhất tại quần đảo Guadeloupe nói.

Giải đấu lớn đầu tiên mà Thuram tham dự cùng ĐT Pháp là Euro 1996 tại Anh. Ở đó, dù chưa có nhiều kinh nghiệm quốc tế (6 trận) nhưng anh đã được HLV Jacquet trao suất đá chính xuyên suốt tại giải. Đáp lại niềm tin đó, Thuram đã chơi chững chạc bên cạnh những hậu vệ đã khẳng định được khả năng như Bixente Lizarazu, Marcel Desailly và Laurent Blanc giúp Pháp chỉ lọt lưới có 2 bàn sau 6 trận. Bị loại đau đớn bởi CH Séc trên chấm luân lưu 11m tại bán kết song cá nhân Thuram nói riêng và Pháp nói chung đã cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan.

Với những màn trình diễn ấn tượng ở cả CLB và ĐTQG, Thuram đã lọt vào mắt xanh của nhiều ông lớn và cuối cùng đã quyết định rời Monaco về với Parma ngay sau Euro 1996. Được chơi cạnh những nhân tố xuất chúng ở hàng thủ như Fabio Cannavaro hay Gianluigi Buffon, anh tiếp tục tiến bộ và được điền tên vào danh sách tuyển Pháp dự World Cup 1998 trên sân nhà.

Thuram WC 1998
Niềm vui của hậu vệ này sau khi lập cú đúp vào lưới Croatia

Trong chiến dịch đó, Thuram tiếp tục hợp cùng những đàn anh Lizarazu, Desailly, Blanc thành bộ tứ vệ cực kỳ vững chắc. Không những thế, ở trận bán kết với Croatia anh đóng góp cú đúp bàn thắng giúp Pháp tiến vào chung kết trước khi hạ nốt Brazil hùng mạnh để lên ngôi vô địch. Sau 90 phút thăng hoa trước Croatia và trở thành người hùng của nước Pháp, Thuram bất ngờ bị cuốn vào thị phi. Một người đàn ông lạ mặt tên là Joseph Lother tuyên bố mình chính là cha đẻ của Thuram.

Một cú sốc với Thuram và anh không thể chấp nhận sự thật này ngay cả khi được người mẹ xác nhận. “Tôi ngạc nhiên với Joseph Lother, ông ấy là người sinh ra tôi nhưng không xứng đáng để làm cha. Quan niệm về một người cha của tôi rất rõ ràng: đó phải là người nuôi nấng con mình. Một người cha phải là nơi nương tựa và dẫn dắt con mình đi trên đường đời. Người làm tất cả những điều đó là mẹ tôi”. Vì tất cả, cái tên Joseph Lother với Thuram nhanh chóng chìm vào quên lãng và anh không muốn gặp lại bất cứ lần nào nữa.

Sau đêm lịch sử tại Stade de France, nơi ĐT Pháp thắng đậm Brazil để lần đầu vô địch thế giới, Thuram sung sướng phát biểu: “Tôi? Một người sinh ra tại Guadeloupe, một đứa trẻ nghèo tại Paris, một nhà vô địch thế giới? Không, tôi vẫn không tin điều đó là sự thật”. Trở lại Parma, anh cùng CLB này giành cú đúp danh hiệu tại Coppa Italia và UEFA Cup cuối mùa giải 1998/99. Nhưng chưa dừng lại ở đó, chỉ 1 năm sau cầu thủ có biệt danh “Nhà triết học” lại được tận hưởng niềm vui khôn tả khi cùng Pháp trở thành đội tuyển châu Âu đầu tiên giành 2 danh hiệu lớn liên tiếp.

Thuram Euro 2000
Thuram nâng cao chiếc cúp vô địch Euro 2000

Tại Euro 2000, Thuram cùng Pháp đã trải qua những thời khắc “chết đi sống lại” ở trận chung kết với Italia trên sân Feijenoord (Rotterdam, Hà Lan). Họ bị dẫn 0-1 tới tận phút 89, thời điểm đối thủ trong, ngoài sân chỉ chờ tiếng còi mãn cuộc để nhào ra ăn mừng. Nhưng ai ngờ Wiltord đã gỡ hòa 1-1 đúng phút thi đấu chính thức cuối cùng trước khi Trezeguet tung đòn kết liễu 2-1 trong hiệp phụ. Vượt qua người Ý, Thuram chạy tới các khán đài, kéo căng chiếc áo lam trước mặt các CĐV Pháp với một niềm tự hào to lớn.

Ở giải đấu này, dù không bùng nổ như một người hùng như 2 năm trước song Thuram vẫn cùng bộ ba đồng đội đã trở thành huyền thoại Lizarazu, Desailly, Blanc chơi đầy chắc chắn và hiệu quả. Ngay cả ở trận chung kết, trước một hàng công cực kỳ biến ảo với Totti, Albertini, Del Piero hay Montella… họ cũng chỉ để Italia sút trúng đích 1 lần duy nhất và đáng tiếc đã thành bàn. Dẫu sau Pháp vẫn đã ngược dòng thành công còn Thuram đã vươn tới tầm một trong những cầu thủ vĩ đại nhất của đội tuyển.

(Còn nữa)

Xem lại Video bóng đá tổng hợp trận Italia 1-2 Pháp (Chung kết Euro 2000):



Mạnh Hùng

 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Ngày 9/7/2006, sân vận động Olimpiastadion Berlin chứng kiến cái kết đẹp của một câu chuyện thần kỳ mang tên Italia. Bất chấp bóng ma về vụ bê bối Calciopoli ngay trước thềm giải đấu, Azzurri đã thi đấu tuyệt vời để lần thứ tư nâng cao cúp vàng danh giá. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc tới thủ lĩnh Fabio Cannavaro khi anh đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, nhắc tới nhạc trưởng Pirlo, người đã chơi cực hay và trở thành nguồn cảm hứng cho cả đội. Nhắc tới cả đôi bàn tay vững chắc của Gianluigi Buffon

Gary Speed, ở nơi ấy anh có đang mỉm cười?

Gary Speed, ở nơi ấy anh có đang mỉm cười?

Gary Speed, ở nơi ấy anh có đang mỉm cười?

Người dân Xứ Wales đang sống trong những ngày tháng tươi đẹp. Sau trận thắng trước đội tuyển Bỉ, bóng đá nước nhà tiếp tục viết lên những trang sử mới. Các màn ăn mừng, lễ hội tưng bừng ở muôn nơi. Và trong không khí sôi động ấy, cổ động viên Xứ Wales vẫn dành ra một khoảng lặng, để tưởng niệm huyền thoại của bóng đá nước nhà, người đặt nền móng cho thành công hôm nay - cố danh thủ Gary Speed.

EURO 2004: Nghi án Đan Mạch & Thụy Điển bắt tay nhau loại Italia

EURO 2004: Nghi án Đan Mạch & Thụy Điển bắt tay nhau loại Italia

EURO 2004: Nghi án Đan Mạch & Thụy Điển bắt tay nhau loại Italia

EURO 2004 nổi bật nhất là chức vô địch bất ngờ của Hy Lạp. Nhưng người ta cũng không thể quên giọt nước mắt của Antonio Cassano ngay sau khi ghi bàn cho ĐT Italia, vì Azzurri của anh đã bị loại một cách tức tưởi bởi trận hòa 2-2 giữa Đan Mạch và Thụy Điển.

Xem thêm
top-arrow
X