Ai mới là người giỏi hơn? Người Italia vẫn tranh cãi nhau về điều đó khi nhắc đến Dino Zoff và Buffon. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng với riêng Buffon, anh cảm thấy mình vẫn còn thua vị tiền bối khi chưa một lần đứng trên đỉnh châu Âu.
Nhắc đến Italia, người ta nghĩ ngay đến món mỳ Spagetti, đến những chiếc Vespa và cả tòa thánh Vatican. Nhưng với những người yêu bóng đá, họ nghĩ ngay đến thương hiệu catenaccio, nghĩ ngay đến màu áo thiên thanh và nghĩ ngay đến đồng xu định mệnh tại Euro 1968. Chính nhờ đồng xu đó, Dino Zoff trở thành cái tên tiêu biểu cho một Italia đứng trên đỉnh cao của bóng đá châu Âu.
Gần nửa thế kỉ sau, Gianluigi Buffon, một trong những thủ thành được đánh giá là xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Italia, cũng đang đau đáu hướng đến điều mà tiền bối Dino Zoff từng làm được. Buffon đã vượt qua kỷ lục giữ sạch lưới của Zoff tại Serie A. Buffon cũng cùng có 6 lần vô địch giải quốc nội, cùng có 2 lần vô địch cúp quốc gia, cùng 1 lần vô địch cúp châu Âu và cùng 1 lần đứng trên đỉnh thế giới với chiếc cúp vàng World Cup như Zoff. Nhưng...
|
Euro 2016 gần như là cơ hội cuối cùng của Buffon để đứng trên đỉnh cao của bóng đá châu Âu. |
Buffon chưa một lần đứng trên đỉnh châu Âu. Lần gần nhất Buffon có cơ hội sánh ngang và vượt qua Zoff về mặt danh hiệu tập thể là vào năm 2012, khi Italia tiến vào trận chung kết. Nhưng ký ức đó mãi vẫn là cơn ác mộng trong lòng Buffon, khi Azzurri để thua 4 bàn không gỡ. Và Casillas, người đứng bên kia khung gỗ thậm chí đã dành cho Buffon sự thương hại. Casillas yêu cầu trọng tài sớm nổi còi kết thúc trận đấu khi nhìn thấy Buffon và đồng đội bị hàng công Tây Ban Nha quần cho tơi tả.
Buffon chưa bao giờ gần chiếc cúp vô địch Euro đến thế, nhưng anh chỉ dừng lại ở mức tiệm cận. Năm nay 38 tuổi, Euro 2016 sắp tới có thể là cơ hội cuối cùng của Buffon để sánh ngang hay thậm chí là vượt qua người tiền bối về mặt thành tích. Buffon có thể không cần người ta so sánh mình với Zoff, nhưng chắc chắn Buffon muốn làm được điều Zoff đã làm, dù là nhờ một đồng xu của Chúa.
Ở thời điểm mà Italia không có quá nhiều ngôi sao lớn, Buffon không nghi ngờ là điểm tựa cho niềm tin chiến thắng của người Italia. Ở Buffon, người ta dường như chưa bao giờ thấy anh sợ hãi nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, Buffon cũng có nỗi sợ của riêng mình. Buffon thừa nhận chưa bao giờ được thoải mái khi đứng trước những quả penalty. Thậm chí, anh còn chịu áp lực nhiều hơn so với những thủ thành khác.
"Tôi là một trong số ít những thủ thành người ta kỳ vọng sẽ đẩy được một hay hai quả đá penalty trong những loạt luân lưu. Và nếu không làm được điều đó, tôi sẽ bị nhấn chìm trong cơn chỉ trích của giới truyền thông".
Ít ai biết Buffon từng bị trầm cảm vào 10 năm về trước. Anh thừa nhận đó là thời điểm cực kỳ khó khăn bởi có những lúc, Buffon đã muốn buông xuôi tất cả. Cái giá 45 triệu euro biến anh trở thành thủ môn đắt giá nhất trong lịch sử khiến Buffon gánh chịu áp lực, và sự kỳ vọng quá lớn mà người hâm mộ đặt lên vai anh càng khiến mọi thứ trở nên nặng nề. Nhưng Buffon không buông xuôi. Buffon cảm thấy không thể buông xuôi vì trách nhiệm với những đồng đội, những người đang dựa vào anh và cả khung gỗ mà anh đã bảo vệ suốt bao năm.
Buffon chọn cách đứng dậy, chọn cách chiến đấu với căn bệnh trầm cảm và nỗi sợ hãi. Anh khẳng định đầy đanh thép trong lần trả lời phỏng vấn về chứng trầm cảm cách đây 10 năm của mình một cách ngắn gọn: "Tôi tiếp tục chiến đấu vì không thích thái độ vô trách nhiệm".
Ở tuổi 38, Buffon đã trải qua gần như tất cả những nốt trầm bổng trong cuộc đời cầu thủ. Ở tuổi 38, Buffon cảm thấy mình phải có trách nhiệm với khung gỗ mà anh làm hẳn một bài thơ để gửi tặng, có trách nhiệm với màu áo thiên thanh. Anh phải đưa Italia một lần nữa đứng trên đỉnh cao của bóng đá châu Âu.
"Tôi chưa bao giờ thấy một cầu thủ nào hát quốc ca với sự say mê như anh. Khi nhắm mắt lại, anh nghĩ tới điều gì?" - Luca Antonoli đã hỏi Buffon như thế, và anh trả lời: "Tôi cảm thấy hạnh phúc, tự hào khi là một người Italia và thật may mắn được đại diện cho đất nước của mình".