Thứ Ba, 05/11/2024Mới nhất
Zalo

Xem một mùa bóng đá Anh, người Việt Nam tốn chục triệu USD

Thứ Ba 25/09/2012 16:46(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

BTC Giải bóng đá ngoại hạng Anh chuẩn bị mời đấu giá bản quyền truyền hình tại VN cho ba mùa bóng từ 2013-2016, và dự báo của các chuyên gia truyền hình sẽ không dưới 30 triệu USD. Hơn bao giờ hết, đã đến lúc các đài truyền hình trả tiền ở VN cần phải ngồi lại để thống nhất trong việc mua bản quyền truyền hình bóng đá quốc tế, nhằm tránh tình trạng phung phí ngoại tệ...

Ngày 2-10-2012, ban tổ chức Giải bóng đá ngoại hạng Anh sẽ phát hồ sơ mời đấu giá bản quyền bóng đá Anh tại VN cho ba mùa liên tiếp từ 2013-2016. Thông tin từ các đài truyền hình cho biết chắc chắn sẽ tốn không dưới 30 triệu USD để xem ba mùa giải ấy.

Theo thông báo của ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh, các đơn vị quan tâm sẽ có một tháng để nghiên cứu hồ sơ, sau đó gửi về nơi này mức tiền mà mình đấu giá để giành bản quyền bóng đá Anh tại VN. Trong trường hợp cần thiết, ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh có thể mở tiếp vòng đấu giá thứ hai, thứ ba hoặc tiếp nữa để quyết định đơn vị chiến thắng. Cách thức bán bản quyền của ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh đã buộc các đơn vị quan tâm phải cạnh tranh với nhau, đẩy cuộc chạy đua lên mức chóng mặt. Cụ thể ở VN, từ con số 900.000 USD cho hai mùa bóng từ 2002-2004; mười năm sau, thông tin hậu trường từ các nhà đài cho thấy con số này chắc chắn sẽ không dưới 30 triệu USD cho ba mùa bóng từ 2013-2016.

BTC Giải bóng đá ngoại hạng Anh chuẩn bị mời đấu giá bản quyền truyền hình tại VN cho ba mùa bóng từ 2013-2016, và dự báo của các chuyên gia truyền hình sẽ không dưới 30 triệu USD.  Hơn bao giờ hết, đã đến lúc các đài truyền hình trả tiền ở VN cần ph
Giá bản quyền truyền hình Giải ngoại hạng Anh vùn vụt tăng bởi sự tranh đua của các nhà đài VN

MP & Silva lãi to với Giải ngoại hạng Anh

Về nguyên tắc chung, bất kỳ một pháp nhân VN hay nước ngoài nào cũng đều có thể tham gia đấu giá bản quyền truyền hình bóng đá Anh phát tại VN. Ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh sẽ cân nhắc các yếu tố: tiền đấu giá, uy tín, khả năng quảng bá... để quyết định phần thắng thuộc về ai. Tuy nhiên, nhân tố quan trọng nhất vẫn là số tiền trả cho ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh. Đơn vị giành chiến thắng có thể độc quyền phát sóng hoặc phân phối lại cho các đài truyền hình, hãng cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác.

Năm 1995, Công ty Dunhill đưa bóng đá Anh vào VN phát trên sóng VTV thông qua cơ chế đổi quảng cáo. Giai đoạn đầu chỉ là các chương trình tổng hợp hằng tuần, một vài năm sau các trận đấu được phát chậm và tường thuật trực tiếp. Việc này kéo dài sáu năm, với các trận trực tiếp ngày càng nhiều. Đến mùa giải 2002-2003, VTV chính thức đàm phán với Công ty ESPN Star Sports có trụ sở tại Singapore để mua bản quyền bóng đá Anh. Giá mua bản quyền hai mùa 2002-2003, 2003-2004 khoảng 900.000 USD. Với mức giá này, VTV phải chấp nhận tín hiệu trận đấu có logo của ESPN Star Sports chứ không phải sóng sạch. Sau đó, VTV tiếp tục mua bản quyền bóng đá Anh từ ESPN Star Sports ba mùa giải 2004-2005, 2005-2006, 2006-2007 với mức tương đương 1,8 triệu USD (trung bình 600.000 USD/mùa).

Năm 2007, tận dụng thời điểm hợp đồng ba mùa giải 2004-2005, 2005-2006, 2006-2007 giữa VTV và ESPN Star Sports hết hạn, VTC đã chen vào đàm phán với ESPN Star Sports và đã mua được bản quyền ba mùa giải tiếp theo 2007-2008, 2008-2009, 2009-2010 với giá tròm trèm 4 triệu USD (tăng hơn gấp đôi).

Khi ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh tổ chức đấu giá ba mùa 2010-2011, 2011-2012, 2012-2013, và lần này một nhân tố mới xuất hiện vượt qua ESPN Star Sports để giành bản quyền bóng đá Anh tại VN - đó là Công ty MP & Silva. Số tiền MP & Silva chi ra khoảng 11-13 triệu USD cho ba mùa, nhưng số tiền MP & Silva thu về khoảng 16-19 triệu USD sau khi bán cho rất nhiều đài truyền hình và hệ thống truyền hình trả tiền tại VN.

Theo đó, K+ chi 9 triệu USD để độc quyền ngày chủ nhật, và không độc quyền các trận đá các ngày còn lại. Đài phát thanh - truyền hình Hà Nội và Đài truyền hình TP.HCM chung nhau gói 2,5 triệu USD; đài kỹ thuật số VTC gói 2 triệu USD; VCTV với hai kênh thể thao là Thể thao TV, Bóng đá TV bỏ ra khoảng 2,5 triệu USD. SCTV cũng không đứng ngoài cuộc, số tiền họ bỏ ra ước tính khoảng 2 triệu USD, cũng cho gói thứ bảy không độc quyền, và rất nhiều nhà cung cấp IPTV cũng đã phải mở hầu bao.

Gà nhà bôi mặt đá nhau

Suốt từ những ngày đầu tiên bóng đá Anh được phát tại VN đến nay, chưa bao giờ một công ty VN hay một đài truyền hình, hãng truyền hình VN nào sở hữu bản quyền bóng đá Anh trên lãnh thổ của mình mà phải chấp nhận mua lại từ các công ty nước ngoài, chấp nhận cạnh tranh nhau chí tử.

Ngay từ khi VTC “đánh lẻ”, đơn phương đàm phán mua độc quyền Giải ngoại hạng Anh với mức tăng kỷ lục (từ 900.000 USD/2 mùa lên 4 triệu USD/3 mùa) gần ba lần, các kênh thể thao quảng bá và trả tiền của VTV đã nhiều lần công kích việc “tranh mua” này qua hình thức trả lời bạn xem truyền hình, trả lời phỏng vấn các báo... Nhưng cả hai bên chưa hề có ý định ngồi lại với nhau để đàm phán về phương thức trao đổi, các điều khoản “dùng chung” cho có lợi nhất với xã hội mà cả hai đài đều có nghĩa vụ phục vụ.

Sau VTC, tiếp theo K+ lại “xé lẻ” đàm phán gói độc quyền chủ nhật với mức giá “không tưởng” 9 triệu USD (!). Làn sóng phản đối lại dậy lên mạnh mẽ và lần này “loa to” nhất lại thuộc về VTC. Họ hồn nhiên quên mất ba năm trước chính mình đã tự ý “bắc thang” cho giá bản quyền mặc sức leo!

Có thể thấy các đài truyền hình trả tiền tại VN đã không liên kết với nhau để tham gia đấu giá với Giải ngoại hạng Anh và cũng không hợp tác cùng nhau để đàm phán bản quyền với MP & Silva. MP & Silva đã chia các đài và hệ thống truyền hình trả tiền tại VN ra để đàm phán riêng rẽ. Ngoại trừ K+ độc quyền ngày chủ nhật, còn lại tất cả các đài và hệ thống truyền hình trả tiền tại VN đều mua cùng một loại hàng hóa - đó là các trận đấu bóng đá Anh, thậm chí trong nhiều trường hợp các đài, hệ thống truyền hình trả tiền tại VN mua cùng một trận đấu, đá cùng một thời điểm. Với bản quyền thể thao, đặc biệt là bóng đá, giá trị có thể rất cao ở thời điểm trực tiếp khi sự kiện đang diễn ra, nhưng khi sự kiện kết thúc giá trị còn lại rất thấp. Như vậy nhìn từ khía cạnh kinh tế, các đài truyền hình và hệ thống truyền hình trả tiền tại VN đã lãng phí nguồn lực rất lớn khi không thể hợp tác với nhau.

Cừu non!

Cứ ba mùa giải một lần, ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh tổ chức đấu giá bản quyền bóng đá Anh tại nước Anh và từng nước trên toàn thế giới. Tỉ lệ tăng giá trong việc mua bản quyền truyền hình xem Giải ngoại hạng Anh ở VN tăng cao hơn mặt bằng chung nhiều lần. Lý do vừa phức tạp lại vừa đơn giản: cuộc chiến bản quyền phức tạp, cam go mà các nhà kinh doanh bản quyền ở VN chưa có nhiều kinh nghiệm. Thế là tất cả đều trở thành những chú “cừu non” trước các tay chơi sừng sỏ quốc tế trong lĩnh vực này.


(Theo Tuổi Trẻ)

 

Có thể bạn quan tâm

VIDEO: Những sân bóng đá "dị" nhất thế giới có thể bạn chưa biết

VIDEO: Những sân bóng đá dị nhất thế giới có thể bạn chưa biết

VIDEO: Những sân bóng đá "dị" nhất thế giới có thể bạn chưa biết

Những sân vận động trong video này dù không không trang bị công nghệ tân tiến với hàng trăm nghìn chỗ ngồi để phục vụ các cầu thủ và cổ động viên, nhưng lại là những kiệt tác độc đáo, bởi nó nằm ở những vị trí địa lý đặc biệt hoặc nổi bật nhờ những nét kiến trúc, màu sắc đầy lạ lẫm.

Xem thêm
top-arrow
X