Nhà đài gián tiếp công nhận có bản quyền giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh thông qua việc mời báo chí đến dự buổi lễ công bố vào 10h30 sáng 14/5.
Theo kế hoạch, nội dung của buổi lễ sẽ công bố kế hoạch phát sóng World Cup 2014 của VTV và các chương trình đồng hành với giải đấu của nhà đài. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết phần quan trọng nhất của buổi lễ là màn hỏi đáp giữa báo chí với lãnh đạo nhà đài xung quanh việc VTV chính thức sở hữu bản quyền World Cup.
Theo hợp đồng ký với MP&Silva, VTV được cấp phép toàn bộ bản quyền World Cup 2014 trong lĩnh vực truyền hình, radio, di động và internet. Riêng lĩnh vực truyền hình, VTV độc quyền ở cả ba mảng cáp, vệ tinh và mặt đất.Bản quyền truyền hình World Cup 2014 tại Việt Nam được chào bán với giá 10 triệu USD
Các đài muốn tiếp sóng các chương trình World Cup 2014 của VTV sẽ phải gửi đề nghị đến Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình VTV (TVAd). Việc tiếp sóng sẽ phải bao gồm đầy đủ 40 phút trước trận, 15 phút giữa trận và 30 phút sau trận bên cạnh thời gian thi đấu chính thức. VTV sẽ tường thuật trực tiếp toàn bộ 64 trận đấu và chương trình bình luận trước, giữa và sau trận đấu trên hai kênh quảng bá là VTV3 và VTV6.
Số tiền VTV bỏ ra để có được bản quyền giải này được cho là khoảng 7 triệu USD nhưng con số này sẽ không được công bố theo điều khoản bí mật thông tin trong hợp đồng giữa VTV với MP&Silva. Con số xấp xỉ 7 triệu USD là số tiền kỷ lục được bỏ ra để mua bản quyền truyền hình một sự kiện như World Cup hay EURO. Số tiền này gây nên một số tranh luận trên mạng xã hội về sự cần thiết bỏ ra số tiền lớn để đổi lấy bản quyền giải đấu diễn ra trong một tháng.
Tuy nhiên, một chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình cho rằng VTV hiện là đơn vị sự nghiệp có thu nên các chương trình của nhà đài phải cân đối thu - chi chứ không chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước. Số tiền 7 triệu USD này về bản chất không phải là tiền thuế của dân và vì thế VTV mới chấp nhận bỏ ra khoản kinh phí lớn.
Việc VTV mua được bản quyền World Cup mới chỉ là phần đầu của câu chuyện bản quyền. Phần tiếp theo là việc các nhà đài khác sẽ mua lại bản quyền này thế nào. Hầu hết các nhà đài lớn khác đều bộc lộ mong muốn mua lại một phần bản quyền với giá vừa phải để tự sản xuất chương trình thay vì phải tiếp sóng toàn bộ từ VTV.
Việc thương thảo các điều kiện mua lại bản quyền giữa các đài cũng hứa hẹn nhiều câu chuyện thú vị. Chắc chắn, một khi đã bỏ ra số tiền lớn để có được bản quyền, VTV cũng cần tính đến giải pháp thu hồi vốn. Các vấn đề này sẽ dần sáng tỏ trong những ngày tới.
Theo Zing