Bao giờ những cầu thủ mẫu mực của Việt Nam mới có tự truyện? |
Nhà xã hội (NXH): Ối dào! Ở nước ngoài, người ta quan tâm đến đời sống các cầu thủ, nên tự truyện của cầu thủ đắt hàng. Ở mình, các cầu thủ viết tự truyện, ai xem?
NTT: Không đúng! Năm ngoái cuốn “Văn Quyến – ngôi sao lầm lạc” ra đời bán phát hết ngay. Thực tế cho thấy các cầu thủ Việt cũng có những hoàn cảnh, những ngã rẽ, những số phận rất đáng thành…tự truyện!
NXH: Ông nhớ cho, viết tự truyện là một biểu hiện của việc giãi bày cái tôi cá nhân. Trong xã hội châu Âu việc khẳng định cái tôi đã được đảm bảo bởi những cơ tầng văn hóa bắt nguồn từ thời phục hưng, rồi sau đó trải dài hàng thế kỷ. Còn ở ta con người cá nhân, cá thể nhìn chung vẫn không được khuyến khích phát triển.
NTT: Cách nghĩ của ông quá cũ! Ở ta, ngay từ thời 1930 - 1945 cái tôi đã giành giật quyền sống để rồi cuối cùng có được chỗ đứng trong xã hội. Bây giờ thì người ta chẳng còn lý do gì để e ngại về sự hiện diện của nó nữa.
Rooney- tài năng tuổi teen của Anh đã có tự truyện của riêng mình. (AP) |
Những ngôi sao ca nhạc chẳng phải vẫn cố tình tạo ra những scandal “điên rồ” để thể hiện mình đó sao? Trong giới cầu thủ thì chuyện này cũng chẳng hiếm.
NXH: Nhưng cầu thủ khác rất xa với những ngôi sao ca nhạc, rõ nhất là ở phương diện học vấn. Chẳng hạn như các ngôi sao ca nhạc được dạy rất rõ phải ứng xử với công chúng như thế nào, lấy lòng công chúng như thế nào. Nhưng cầu thủ thì không.
NTT: Nhưng thưa ông, ai đó bảo bây giờ là thời đại của sự…thuê mướn. Cứ cho là cầu thủ không đủ học vấn và trình độ để viết tự truyện thì họ hoàn toàn có thể bỏ tiền ra để thuê những ký giả, những văn nghệ sĩ tư vấn cho họ, thậm chí viết luôn tự truyện giúp họ.
NXH: Lập luận của ông có hai chỗ chưa ổn. Một là người cầm bút xứ mình (bất kể là nhà văn hay nhà báo) đều là những người có lòng tự trọng rất cao. Cứ bỏ tiền ra rồi bảo họ làm gì là họ làm ngay đấy à?
Zico Thái đang làm xôn xao đất Thái với cuốn tự truyện của mình. (ảnh: Vietnamnet) |
Hai là người ta chỉ làm tự truyện (dù là tự làm hay thuê người khác làm) khi mà người ta có ý thức về việc nhìn thẳng vào bản thân mình. Mà theo tôi thì các cầu thủ Việt Nam chưa có được cái tư duy “nhìn thẳng”.
NTT: Nghĩa là sao?
NXH: Nghĩa là mọi thứ nếu có thành tự truyện thì cũng chỉ mờ mờ ảo ảo, thực thực hư hư, chứ nếu thực – hư rõ ràng thì e là tự truyện sẽ trở thành cái thứ mà nói như dân gian là “vạch áo cho người xem lưng”.
NTT: Sao bi quan thế ông bạn? Theo bóng đá nhiều, tôi biết chúng ta cũng có không ít cầu thủ rất sạch sẽ. Công Minh chẳng hạn, cả đời anh ta luôn đấu tranh cho bóng đá sạch, thậm chí đã phải trả giá vì sự đấu tranh ấy.
NXH: Cứ cho là ông đúng (tôi nói là “cứ cho” đấy nhé!), thì thử hỏi những cầu thủ như thế được bao nhiêu?
Liệu những tự truyện của những gương mặt cầu thủ Việt Nam có là bài học cho thế hệ trẻ? (ảnh: Vietnamnet) |
NTT: Thôi, không tranh luận nữa, tôi hỏi ông: các cầu thủ Việt bây giờ mà viết tự truyện thì liệu có ý nghĩa gì không?
NXH: Có chứ! Nhưng vấn đề là viết như thế nào. Nếu Văn Quyến viết tự truyện kể về quá trình từ một đứa bé chăn trâu trở thành “cậu bé vàng”, rồi lại từ một “cậu bé vàng” trở thành một “tội đồ”…, nếu Hồng Sơn viết tự truyện kể về những ánh hào quang và cả những sự thật (chưa được tiết lộ) đằng sau những ánh hào quang trong sự nghiệp của anh ta…thì chắc chắn sẽ có khối bài học được rút ra.
Nó sẽ giúp cho những thế hệ cầu thủ tiếp theo biết phải làm gì và phải tránh gì để có thể trở thành một nhân cách lành lặn trong cái môi trường bóng đá này…
Trịnh Phan Phan