- Bộ Thông tin & Truyền thông đề nghị các nhà đài phối hợp mua BQTH NH Anh
- Vấn đề bản quyền truyền hình Premier League: Nếu điều đó xảy ra…
Thông tin từ BTC Premier League cho biết trong quy trình bán đấu giá bản quyền giải Ngoại hạng Anh, BTC sẽ bán ra 6 gói bản quyền cả thảy với nguyên tắc không để một đơn vị truyền hình nào có thể mua trọn cả 6 gói.
Các gói này được dán nhãn từ A tới F và trong đó ghi rõ số trận và thời gian phát sóng cụ thể của Premier League. Chẳng hạn, gói A gồm 23 trận/mùa giải phát sóng vào lúc 16h00 ngày Chủ Nhật (giờ London) và gói D gồm 23 trận/mùa giải phát sóng vào lúc 17h30 ngày thứ Bảy.
Điều đó có nghĩa là dù BTC Premier League luôn tìm cách bán bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh với mức giá cao nhất có thể, nhưng đồng thời với việc gặt hái lợi nhuận, BTC Premier League cũng rất chú trọng tới quyền lợi của khán giả khi không cho phép một đơn vị truyền hình nào có thể thâu tóm toàn bộ bản quyền phát sóng các trận đấu của giải Ngoại hạng Anh.Bao giờ người hâm mộ Việt Nam mới có thể xem giải ngoại hạng Anh mà không phải thay đổi thiết bị đầu thu sau 5 năm liên tiếp
Điều đó có nghĩa là bất cứ khán giả nào ở Anh cũng có thể theo dõi các trận đấu của Premier League, và sự khác biệt nằm ở chỗ số lượng cũng như thời điểm diễn ra của từng trận đấu, mà khác biệt này lại phụ thuộc vào khả năng kinh tế của từng người, ai có nhiều tiền sẽ được xem trọn tất cả các trận đấu, còn ai trả ít tiền hơn thì phải chấp nhận xem số trận ít hơn.
Cách xử lý như vậy của BTC Premier League trong vấn đề bản quyền truyền hình là cực kỳ chính xác và hợp lý, bởi sự thành công hay thất bại của một giải đấu có lẽ sẽ phụ thuộc đầu tiên và trước hết vào việc nó được quảng bá sâu rộng tới mức độ nào, chứ không phải vì nó bán được bản quyền truyền hình với giá bao nhiêu. Có lẽ đấy cũng là nguyên nhân khiến cho Premier League trở thành giải đấu được hâm mộ số một trên thế giới, đặc biệt là tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Ngẫm từ câu chuyện bản quyền Premier League ở nước Anh mới thấy thật cám cảnh cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam, khi hơn 10 năm qua, một số đài truyền hình và hệ thống truyền hình trả tiền luôn cạnh tranh kịch liệt với nhau theo cách cố gắng sở hữu độc quyền bản quyền Premier League bằng mọi giá, chứ chưa có một đài nào hay đơn vị truyền hình trả tiền nào tự đặt câu hỏi cho bản thân rằng nếu bây giờ đột nhiên họ trở thành đơn vị duy nhất nắm giữ bản quyền phát sóng Premier League (hay bất cứ một giải đấu bóng đá quốc tế nào khác được người hâm mộ Việt Nam quan tâm) thì ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của các đài truyền hình hoặc đơn vị truyền hình trả tiền khác?
Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của một số phương tiện truyền thông, và mới đây nhất là công văn chỉ đạo các đài truyền hình ngày 1/10/2012 của Bộ Thông tin & Truyền thông xung quanh vấn đề đấu giá bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải sắp tới (từ 2013 đến 2016) thì không biết cuộc tranh chấp bản quyền sẽ còn nóng bỏng tới đâu, khi mà BTC Premier League thậm chí chỉ vừa mới bán xong gói bản quyền ở lãnh thổ Vương quốc Anh thì đã có một đơn vị của Việt Nam cử người ra nước ngoài tiếp xúc với đại diện của BTC Premier League để tìm hiểu về khả năng sở hữu bản quyền giải Ngoại hạng Anh.
Theo tính toán sơ bộ, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây đã có 2 đơn vị truyền hình độc quyền phát sóng (một phần hoặc toàn bộ) giải Ngoại hạng Anh, và nếu là một người hâm mộ Premier League cuồng nhiệt thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải thay đổi thiết bị thu nhận sóng truyền hình ít nhất 2 lần để thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu như trong 3 mùa giải sắp tới của Premier League, sẽ lại có một đơn vị truyền hình khác nữa độc quyền (một phần hoặc toàn bộ) sở hữu giải Ngoại hạng Anh trên hệ thống của mình, và cuộc đua giữa các đài truyền hình và đơn vị truyền hình trả tiền bao giờ mới kết thúc để người hâm mộ không phải phấp phỏng trong nỗi âu lo cứ đến hẹn là phải… đổi đầu thu?!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)