Thủ môn Tấn Trường của CLB Sài Gòn FC đang là tâm điểm chú ý của người hâm mộ. Không phải anh liên quan đến scandal dàn xếp tỉ số, gây hấn với trọng tài hay thiết lập kỉ lục bắt bóng gì mà chỉ bởi anh sắp đóng phim.
Mà phim hành động kiếm hiệp của Nhật Bản hẳn hoi, với vai nam chính oai phong lẫm liệt, vung kiếm loang loáng giết cừu thù. Nhưng điều ấy chưa sốc bằng thông tin: Tấn Trường nhận cát-sê 60 triệu yên tương đương 15 tỷ đồng.
Chẳng lẽ bóng đá VN và cả thế giới sắp được chứng kiến một cầu thủ kiêm minh tinh màn bạc như Vinnie Jones, cựu cầu thủ Chelsea, người thủ vai 1 tay trộm xe trong siêu phẩm "Gone in 60 seconds" cùng Nicolas Cages, Angelina Jolie, Robert Duvall.Poster quảng cáo phim của thủ thành Sài Gòn FC
Tất nhiên, chuyện Tấn Trường đóng phim đã khiến dư luận ồng ào (hi vọng là phim thật chứ không phải vai quần chúng xuất hiện vài giây như lực sĩ Phạm Văn Mách cách đây vài tháng). Nhưng người ta còn ồn ào hơn về khoản cát- sê kinh hoàng kia.
Có lẽ, con số 15 tỷ là mức cát-sê cao nhất lịch sử làng điện ảnh Việt Nam, khiến những minh tinh màn bạc gạo cội cũng phải té ngửa. Nhưng ở đây cần thấy rằng Tấn Trường chỉ là một cầu thủ, nào đã biết diễn xuất hay casting là gì?
Vậy hãng phim Nhật Bản kia nhìn thấy gì ở Tấn Trường? Khả năng diễn xuất tiềm ẩn? Vẻ đẹp hình thể? Danh tiếng cầu thủ của Tấn Trường? Hay tác động về thương hiệu của mình tới công chúng Việt Nam thông qua quả bom truyền thông"Tấn Trường đi đóng phim hành động"?
Nếu đó là một vụ làm ăn thực sự, mặc dù đến lúc này nhiều người vẫn coi đó là chiêu làm quảng cáo như rất nhiều cầu thủ Việt Nam khác đã đóng phim quảng cáo, thì thủ môn gốc Đồng Tháp này cũng nên cân nhắc lợi hại. Khi phim ảnh chưa thấy đâu, tiền bạc chưa thấy đâu thì anh đã phải liên quan đến án kỉ luật do trễ nải tập luyện vì mải đi casting. Chuyện anh phải ngồi ngoài trong trận Sài Gòn FC thua Becamex Bình Dương có thể liên quan đến phong độ, quyết định của HLV hoặc thậm chí vì chuyện anh đi đóng phim.
Vậy nên, với một cầu thủ, việc duy trì phong độ và thái độ luyện tập thi đấu chuyên nghiệp mới là điều quan trọng nhất. Còn nếu làm được điều đó, đồng thời biết cách khai thác hình ảnh của mình qua tham gia các hợp đồng quảng cáo hoặc kinh doanh ngoài lề thì đó mới là điều đáng khuyến khích. Đừng như trường hợp Phạm Văn Mách mải chơi showbiz mà mất danh hiệu lực sĩ hay như Văn Quyến cháong ngợp vì nguồn thu nhập từ quảng cáo mà đánh mất chính mình.
(Theo Bóng đá và cuộc sống)