Các cựu danh thủ tại Anh thừa nhận rằng bóng đá hiện đại tuy khắt khe về lịch tập luyện, thi đấu cũng như kỷ luật nội bộ nhưng lại thoải mái trong việc để các cầu thủ thỏa mãn đam mê, sở thích của mình. Sergio Ramos trong cuốn tự truyện đã kể rằng anh chính là DJ trong phòng thay đồ luôn ngập tràn âm nhạc của Real. Tại Man United, chơi và nghe nhạc ở phòng thay đồ cũng không phải là chuyện gì quá lạ lẫm. Thế nhưng, trải qua năm tháng, âm nhạc ở Old Trafford từ chỗ nghe để thưởng thức, thấm sâu vào lòng người đang dần trở thành “thảm họa”.
Nỗi nhớ Neville
Gary Neville khi còn chơi bóng cho Man United được biết đến với hình tượng một cầu thủ mẫu mực, thầm lặng cống hiến hết mình cho đội bóng. Cuộc sống đời thường của anh cũng chẳng có gì sóng gió, đến nỗi người hâm mộ đặt cho anh biệt danh “Mr Boring” (Quý ông nhàm chán). Thực tế đâu có vậy.
Phải những ai đã có thời gian gắn bó với Neville mới biết được anh là người sôi nổi thế nào trong phòng thay đồ. Cá tính? Neville cũng có đủ bởi nếu không tại sao anh có thể lãnh đạo phòng thay đồ của M.U trong thời gian dài và được Sir Alex hết mực tin tưởng. Cách để tạo ấn tượng và tiếng nói của Neville tại M.U cũng không có gì quá đặc biệt. Anh khuyên bảo đàn em trong lĩnh vực chuyên môn và làm mới tâm hồn họ bằng âm nhạc về mặt tinh thần.Các cầu thủ Man United từng xuất hiện trong một MV ca nhạc của boyband ở Indonesia
Các cầu thủ ở M.U kể rằng thời Neville chưa nghỉ hưu, phòng thay đồ của đội bóng lúc nào cũng du dương tiếng nhạc. Neville dù là hậu vệ rắn rỏi nhưng sở thích âm nhạc lại thiên về những bản tình ca nhẹ nhàng. Ban nhạc mà anh yêu thích là The Carpenters. Thời đó, Walkman và iPad chưa phổ biến như giờ nên Neville mỗi khi đến sân tập thường mang theo một chồng đĩa của ban nhạc này và “tặng” các đồng đội những ca khúc như “Top of the World” hay “Looking for Love” với giọng hát được ví như "tiếng ca thiên thần" của Karen Carpenters.
Neville thích âm nhạc phát ra từ những cây đàn guitar. Trong từ điển âm nhạc của anh, chẳng bao giờ có khái niệm về R'n'B hay Rap. Được cái, sở thích đó của Neville được đa số đồng đội khi đó ủng hộ bởi sau những trận cầu căng thẳng, buổi tập mệt nhọc họ chỉ muốn nghe những ca khúc nhẹ nhàng.
Đến thời Ronaldo tới Old Trafford, thị hiếu âm nhạc ở đây vẫn không thay đổi nhiều. CR7 dù mê xế hộp, tốc độ, những gì thuộc về “cảm giác mạnh” nhưng âm nhạc lại chỉ thích nhạc pop với giọng ca của Ricky Martin. Ro hát và Rio Ferdinand múa phụ họa là cảnh thường thấy ở phòng thay đồ M.U khi đó.
Thảm họa Patrice Evra
Khi Neville về hưu, rồi Ronaldo sang Real thi đấu, Patrice Evra trở thành “đầu tàu” trong việc xây dựng đời sống tinh thần cho anh em. Hậu vệ người Pháp đã thay đổi hoàn toàn lối mòn cũ. Anh thay dàn máy ở phòng thay đồ bằng một chiếc mới to đẹp, hoành tráng hơn từ tiền quỹ các đồng đội đóng góp. Những chiếc đĩa cũ được Evra cất hết vào trong tủ để dành chỗ cho những chiếc mới với thể lại Rock và thậm chí là metal (nhạc cực mạnh).
Trước và sau mỗi buổi tập, Evra lại hào hứng “phát nhạc” cho anh em nghe và chao ôi, thực sự là thảm họa. Nhưng phần vì kiêng nể, phần vì đã “trót” bầu Evra làm trưởng ban âm nhạc rồi nên các cầu thủ đành làm lơ. Mãi cho đến khi không thể chịu đựng được nữa, David De Gea phải “dũng cảm” lên tiếng.
“David đã yêu cầu Patrice thay đổi thể loại nhạc. Cậu ấy nói thẳng rằng bị tra tấn bởi loại nhạc đập điên đảo còn hơn cả R&B. De Gea cũng yêu cầu Evra bổ sung những bài nhẹ nhàng, lọt tai hơn vào máy phát nhạc trong phòng thay đồ” – một nguồn tin từ Old Trafford cho biết.
Cũng nhờ sự “dũng cảm” của De Gea mà tình hình có khá hơn chút ít. Nhưng thi thoảng, Evra nổi hứng lên và đồng đội lại được một phen khiếp đảm. Những khi đó, họ ăn mày dĩ vãng, nhớ về Neville.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)