Thứ Bảy, 20/04/2024Mới nhất
Zalo

Những lý do cầu thủ hay "khạc nhổ" nước bọt trên sân

Thứ Ba 18/12/2012 14:35(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chuyện khạc nhổ vốn được coi là một hành vi rất bất lịch sự. Tại một số quốc gia, những người khạc nhổ nơi công cộng thường bị phạt rất nặng vì người ta coi đó không khác gì phóng uế. Nhưng hiện đang tồn tại một nghịch lý là trên truyền hình, chúng ta thường gặp hình ảnh các cầu thủ khạc nhổ trên sân. Sân bóng còn hơn cả một nơi công cộng và cầu thủ là người của công chúng. Việc cầu thủ khạc nhổ như vậy là rất khó coi nhưng họ chẳng bị ai phạt cả.

TUYÊN CHIẾN VỚI KHẠC NHỔ

Năm 2009, báo chí Anh đã có một đợt tuyên chiến với nạn khạc nhổ trên sân. Thời điểm đó trên thế giới, bệnh cúm H5N1 bùng phát ở mức báo động và tổ chức bảo vệ sức khỏe tại Anh HPA đã cảnh báo thói quen khạc nhổ sẽ mang nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. BBC và Guardian cho rằng các cầu thủ nên làm gương bằng cách đừng khạc nhổ trên sân nữa.

Đáp lại, HLV Carlo Ancelotti khi đó dẫn dắt Chelsea cho biết: “Cúm đâu chỉ có trên sân mà có ở khắp nơi. Chúng tôi không lo lắng vì có các biện pháp phòng ngừa. Tôi không sợ bệnh cúm lắm vì tôi có thể chữa nó theo cách của mình. Thật ra là theo công thức của bà tôi: sữa nóng và rượu vang, rất tuyệt”.

messi
 

Còn chuyện khạc nhổ thì HLV Ancelotti nói luôn: “Chuyện khạc nhổ đã bị tranh luận từ rất lâu rồi. Với các cầu thủ của tôi, họ vẫn sẽ làm những điều thường làm”. Sau lần phát động năm 2009, không có thay đổi nào trên sân, các cầu thủ vẫn khạc nhổ khi ngứa họng.

Tại Chelsea, Lampard là cầu thủ thuộc loại hay phun phì phì trên sân nhất rồi kèm theo cái khịt mũi. Rõ ràng Lampard cảm thấy khó chịu với việc thở khi có đờm trong họng hay trong mũi. Không chỉ Lampard mà Terry, Mata, Ibrahimovic và kể cả Messi cũng hay khạc nhổ.

Khi hỏi về chuyện khạc nhổ Fabregas còn nói thẳng: “Khi bị vướng đờm ở cổ thì phải làm gì? Nuốt nó hay xin phép trọng tài vào nhà vệ sinh? Chúng tôi chẳng muốn khạc nhổ trên sân nhưng cũng chẳng biết làm thế nào khác. Xin đừng lôi chuyện văn hóa giáo dục vào đây”.

Chuyện tế nhị này khi đó được viện y tế Caen giải thích trên trang La Ciudad Deportiva nhằm “đỡ tội” cho một vài cầu thủ dùng miệng phun mưa. Theo chuyên gia của Caen, đó chỉ là thói quen của một vài cầu thủ chứ không phải tất cả.

Ngoài những cầu thủ xúc nước rồi nhổ luôn trên sân cho đỡ cảm giác khát còn có một số cầu thủ đang thi đấu cũng nhổ nước miếng vù vù. Viện y tế Caen đã khảo sát nhiều cầu thủ về chuyện này và đa phần họ nói cảm thấy có đờm trong họng nên phải khạc nhổ cho sạch họng để thoải mái. Chính đờm là nguyên nhân khiến cầu thủ ngứa họng và tạo hành vi không đẹp nói trên.

DẠ DÀY LÀ THỦ PHẠM

Nguyên nhân chủ yếu tạo ra đờm là do họng của họ có vấn đề. Còn nguyên nhân dẫn đến viêm họng thì có khá nhiều. Có thể do tác động từ môi trường bên ngoài do bị nhiễm lạnh nhưng với các cầu thủ, họng của họ thường do nguyên nhân bên trong. Các bác sĩ chỉ ra rằng thủ phạm sâu xa khiến nhiều cầu thủ khạc nhổ lại đến từ dạ dày.

Với những cầu thủ hay bất kỳ ai bị chứng dịch dạ dày trào ngược thì họ hay bị hành hạ bởi cảm giác vướng đờm ở cổ họng. Bình thường dịch dạ dày có chứa men tiêu hóa có tính axit để tiêu hoá thức ăn nằm ở dạ dày. Các dịch này không gây hại cho thành dạ dày vì dạ dày có màng chất bảo vệ. Tuy nhiên, có thể vì nhiều lý do mà dịch này trào ngược lên và gây kích thích viêm họng dẫn đến tạo đờm.

Theo bác sĩ tại viện Caen, các cầu thủ dễ gặp vấn đề với tràn dịch dạ dày hơn người bình thường vì lượng vận động của họ cao hơn, cần lượng thức ăn nhiều hơn và dạ dày phải làm việc nhiều hơn. Không những vậy, các cầu thủ còn có giờ giấc ăn phải điều chỉnh theo giờ đấu nên dạ dày làm việc không ổn định.

Ngoài ra, việc di chuyển nhiều bằng máy bay (gia tốc khi lên xuống) cũng ảnh hưởng đến tình trạng của dịch dạ dày. Theo báo cáo của tổ chức y tế châu Âu, số người ở châu Âu mắc chứng tràn dịch dạ dày khá cao 17 đến 30% tùy theo các khu vực khác nhau. Với đối tượng là cầu thủ thì con số này còn cao hơn nữa.

TRIỆU CHỨNG VÀ NGUY CƠ

Viêm họng là một tình trạng bệnh lý hay gặp, do nhiều nguyên nhân, tại chỗ hoặc từ nơi khác đến. Một trong những nguyên nhân từ nơi khác đến là từ dạ dày, gọi là viêm họng do trào ngược dịch vị của dạ dày.
Bình thường dịch dạ dày có chứa axit, mật và các enzyme, được dùng để tiêu hoá thức ăn nhưng cũng có thể vì nhiều lý do mà dịch này trào ngược lên và gây kích thích viêm niêm mạc thực quản, viêm họng, viêm xoang và viêm đường thở.

Hầu hết bệnh nhân thường than phiền về triệu chứng ợ chua. Triệu chứng này có thể kiểm soát bằng chế độ ăn thích hợp hoặc thuốc chống axit mà hiện đang bán không cần toa bác sĩ. Tuy nhiên có những người bị thường xuyên hơn (chừng 2 - 3 lần/tuần) và kèm theo những biến chứng khác như viêm, loét, hoặc hình thành sẹo trên đường ăn, khiến nuốt khó, cảm giác đồ ăn vướng ở họng hoặc ngay sau ngực.

Nếu tình trạng này kéo dài thì có thể không những viêm họng nặng hơn mà còn dẫn đến tổn thương ở những nơi khác như viêm xoang, viêm tai (đặc biệt hay gặp ở trẻ em) và gây ra một loại tổn thương (bị coi như tổn thương tiền ung thư của thực quản), đó là bệnh Barrett.

CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY TRÀO NGỰC DẠ DẦY

Bình thường khi nuốt, cơ vòng thực quản dưới nằm ở chỗ nối giữa thực quản và dạ dày sẽ mở ra để cho thức ăn đi xuống dạ dày và sau đó đóng kín lại. Nếu cơ này bị giãn bất thường hoặc bị yếu, acid trong dạ dày có thể chảy ngược lên thực quản. Một số yếu tố làm nặng thêm bệnh trào ngược dạ dày thực quản là:

- Một số loại thức ăn, như đồ ăn nhiều dầu mỡ, gia vị, chocolate, cà phê, hành, sốt cà chua, nước ngọt có ga và bạc hà.
- Ăn quá nhiều
- Nằm ngay sau khi ăn
- Dùng một số loại thuốc, như thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc chẹn kênh calcium
- Hút thuốc lá, uống rượu nhiều

TIẾN SĨ – BÁC SĨ NGUYỄN TRỌNG MINH (KHOA TAI MŨI HỌNG – BỆNH VIÊN CHỢ RẪY)

Cần thay đổi chế độ ăn và một vài thói quen không đúng trong lối sống. Cụ thể, nên chủ động không ăn quá nhiều, quá no trong những bữa ăn thịnh soạn, không thường xuyên ăn no và ăn trễ về đêm (sau 20 giờ), quá gần lúc đi ngủ (nên ăn 3 - 4 giờ trước khi đi ngủ); tránh dùng về đêm những đồ uống có thể gây kích thích như nước chanh, cà phê, rượu bia, nước có gas; tránh dùng những đồ ăn có thể làm giảm trương lực cơ thắt tâm vị như mỡ và những đồ ăn có chất mỡ, chocolate, hoặc kẹo bạc hà... Ngoài ra cần thường xuyên kiểm tra cân nặng; nằm đầu cao khi ngủ; không nên mặc đồ quá chật (đặc biệt ở vùng thắt lưng) khi đi ngủ. Nếu thực hiện tốt những điều này, bệnh có thể giảm nhiều chỉ sau một thời gian ngắn.

Anh Tú - BĐCS

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X