Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Những cầu thủ Brazil tha hương biệt xứ: Từ ngôi sao danh giá đến gã dọn phòng vệ sinh

Thứ Sáu 30/11/2012 13:40(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Một thời, tuyển thủ "hạng bét" trong đội hình Brazil là Denilson cũng đủ sức gây tiếng vang trong làng bóng đỉnh cao, với cú chuyển nhượng 21,5 triệu bảng từ Sao Paulo sang Real Betis - kỷ lục thế giới ở thời điểm 1998. Nhưng bây giờ không còn như thế nữa, những cầu thủ Brazil đã trở nên quá tầm thường, được yêu mến vì dám... chịu khó chùi toilet sau giờ thi đấu.

PHÁT TRIỂN CỰC THỊNH RỒI CỰC SUY

Vào thời điểm Denilson lập kỷ lục giá, siêu sao Ronaldo, người có mức giá chuyển nhượng chỉ đứng sau Denilson, cũng đang giữ danh hiệu số 1 thế giới trong mọi cuộc bầu chọn vào cuối năm 1997. Cú chuyển nhượng Ronaldo, từ Barca sang Inter Milan, được bàn đến trong suốt 1 năm. Đấy thực sự là một hiện tượng, Ronaldo-mania!

Thời điểm đó, sự tràn ngập cầu thủ Brazil trên khắp thế giới ầm ĩ đến nỗi khắp nơi lao vào nghiên cứu, bình luận, thống kê. UEFA gọi giải Champions League danh giá của họ là giải đấu của những người Brazil, đơn giản vì Brazil - chứ không phải bất kỳ quốc gia châu Âu nào - là nước có số cầu thủ tham dự giải này nhiều nhất.

Denilson (trước) từng lập kỷ lục chuyển nhượng khi đầu quân cho Real Betis
Denilson (trước) từng lập kỷ lục chuyển nhượng khi đầu quân cho Real Betis

Ở các giải VĐQG lớn, người ta so sánh các CLB bằng cách so sánh đẳng cấp cầu thủ Brazil trong đội. Ngôi sao Brazil tỏa sáng trên sân cỏ châu Âu nhiều đến nỗi người ta phải đặt thêm tính từ phía sau tên cầu thủ, để phân biệt những trường hợp trùng tên.

Juninho Pernambucano là ngôi sao Juninho đến từ giải vô địch Pernambuco, khoác áo Lyon ở League 1 (sút phạt rất giỏi). Còn Juninho Paulista là ngôi sao Juninho đến từ giải vô địch Paulista, khoác áo Middlesbrough ở giải Premiership (50 lần khoác áo đội tuyển Brazil và từng vô địch World Cup 2002)!

Bây giờ, ngôi sao có giá chuyển nhượng đắt nhất thế giới là Cristiano Ronaldo, người BĐN, chuyển từ Man United sang Real Madrid với giá 93 triệu euro hồi năm 2009. Ngoài Cristiano Ronaldo, cầu thủ hay nhất thế giới hiện tại là Lionel Messi, người Argentina, giữ "Quả bóng vàng" trong suốt 3 năm gần đây nhất.

Nếu như Messi không bảo vệ được "Quả bóng vàng" trong cuộc bầu chọn năm nay, thì vinh dự số 1 có thể thuộc về Andres Iniesta của TBN, hoặc Andrea Pirlo của Italia, hoặc Ronaldo của BĐN... Tóm lại, tùy theo quan điểm, mỗi người dự đoán mỗi khác. Chỉ biết chắc rằng danh hiệu cao quý ấy không thể thuộc về Neymar - cầu thủ Brazil duy nhất có tên trong danh sách 23 ứng cử viên.

Nền bóng đá Brazil mà ngày xưa người ta hay viết là có thể lập ra 4 hoặc 5 ĐTQG cùng lúc, tất cả đều đủ sức vô địch World Cup, nay chỉ có đúng 1 đại diện trong danh sách ứng cử viên "Quả bóng vàng FIFA 2012". Nghĩa là ngang với Colombia, Thụy Điển, và thua cả Bờ Biển Ngà!

SUY THOÁI TÀI NĂNG VÌ MÁU THAM

Hãy nhìn vào khía cạnh khác. Thống kê trong năm 2011 cho thấy: có 733 cầu thủ chuyên nghiệp chuyển nhượng ra khỏi Brazil, gia nhập đội ngũ gồm khoảng 5.000 cầu thủ Brazil trên khắp thế giới. Điều đó có nghĩa: làn sóng cầu thủ Brazil đá thuê trên khắp thế giới đã giảm đi khoảng một nửa so với khoảng chục năm trước. Đấy là số lượng. Chất lượng thì như đã nêu trên.

Hiếm khi nào bóng đá Brazil khan hiếm tài năng như thời điểm này. Năm 2012 ghi nhận một bước lùi lịch sử đối với Selecao: lần đầu tiên kể từ khi bảng xếp hạng của FIFA ra đời, ĐT Brazil không có mặt trong Top 10. Tất nhiên, ĐTQG Brazil thì không có liên quan gì đến số lượng cầu thủ Brazil đá thuê trên khắp thế giới.

Nhưng rõ ràng, người ta có thể kết nối các sự kiện ấy trước khi thừa nhận: "nhãn hiệu Brazil" trên sân cỏ quốc tế giờ đã nhạt nhòa. Uy tín, số lượng, chất lượng đều giảm sút một cách đồng loạt. Tội cho các cầu thủ Brazil ở chỗ, họ vẫn cứ phải bỏ xứ ra đi. Khác biệt so với thời kỳ vàng son chỉ là bây giờ, các cầu thủ không nổi tiếng của Brazil kiếm việc một cách khó khăn hơn trước, trên đất khách quê người.

Ngày xưa, có một công thức gần như bất di bất dịch trong việc chuyển nhượng cầu thủ ở Brazil. Các CLB chỉ việc lùng sục ở bất kỳ bãi biển hoặc khu đất trống nào, cũng dễ dàng lôi ra khoảng chục cậu bé giỏi chơi bóng, ở độ tuổi 16, mỗi năm. Họ đưa các tài năng ấy vào đội trẻ để đào tạo.

Khoảng 5 trong số 10 cậu bé ấy sẽ lọt vào đội 1 trước tuổi 19, và 3 trong 5 cầu thủ ấy sẽ được bán ra nước ngoài. Lợi nhuận chủ yếu chảy vào túi riêng của chủ tịch CLB và giới đại diện. Chuyện chưa dừng lại. Cầu thủ Brazil thường được bán sang BĐN trước tuổi 20, nhảy tiếp sang một CLB trung bình ngay sau đó, và nếu gặp may thì sẽ lọt vào hàng ngũ của Juventus hoặc Real Madrid trước tuổi 24.

Theo những thỏa thuận ban đầu, chủ tịch CLB và tay đại diện đầu tiên vẫn sẽ hưởng lợi. Đội bóng ban đầu của cầu thủ ấy vẫn hầu như không kiếm được đồng nào để cải thiện hệ thống đào tạo. Nhưng cũng không thành vấn đề. Họ lại dễ dàng kiếm được khoảng chục cậu bé giỏi chơi bóng để thay thế. Điều khó nhận ra chỉ là: chất lượng cầu thủ Brazil giảm đi một tí qua mỗi thế hệ, và khác biệt chỉ bộc lộ sau hàng chục năm "ăn xổi ở thì" như vậy.

SẴN SÀNG LÀM NGHỀ KHÁC

Cũng có nhiều nguyên nhân khác làm cho "nhãn hiệu Brazil" bây giờ không còn hấp dẫn như xưa. Trong thời buổi "tấc đất, tấc vàng" này, còn đâu loại hình bóng đá đường phố để bọn trẻ Brazil phát triển lối chơi sáng tạo và kỹ năng điều khiển bóng như thời Zico. Tình trạng toàn cầu hóa trong suốt hàng chục năm qua giờ cũng làm cho tình hình thay đổi, trẻ em Nhật Bản giờ cũng được trang bị kỹ thuật cá nhân không kém gì cầu thủ Brazil, hoặc tư duy chiến thuật không thua gì cầu thủ Italia.

Đấy là chưa kể hậu quả của cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, làm cho khắp nơi đều phải thắt lưng buộc bụng. Bây giờ, đa số các CLB châu Âu ưu tiên sử dụng "của nhà trồng được" thay vì chỉ lo tranh giành cầu thủ Brazil. Vả lại, ngay cả đối với số ít cầu thủ Brazil thành công trên đất khách quê người, vẫn có những khác biệt lớn về lối sống, văn hóa, khiến "nhãn hiệu Brazil" cũng chịu ảnh hưởng theo hướng tiêu cực (ví dụ cầu thủ Brazil thường có ý thức kỷ luật không cao).

Tình hình kinh tế càng khó khăn, công cuộc kiếm sống xa quê của các cầu thủ Brazil lại càng trở nên khốc liệt. Cầu thủ Rafael của CLB Lahti (Phần Lan) cho biết: "Ba năm nay, tôi không về quê. Bây giờ, công việc là quá quan trọng. Nghề bóng đá lại có tuổi thọ không cao. Tôi đã xem Lahti là quê hương thứ hai của mình. Tôi chỉ tập trung chơi bóng và tích lũy đồng lương của mình, vài năm nữa sẽ tìm việc khác".

Nghề khác nghĩa là bất cứ điều gì họ có thể làm. Chẳng hạn Robson, với kết cục là tạo dựng được gia đình với người đẹp tóc vàng Anja ở quần đảo Faroe. Anja để ý Robson chẳng phải vì đấy là một cầu thủ Brazil, mà vì anh sẵn sàng... chùi toilet ngoài giờ tập và chơi bóng. "Thanh niên ở đây không ai chịu khó như thế" - Anja bình luận!

Kênh CNN điều tra và công bố: có khoảng 10.000 cầu thủ Brazil chơi bóng trên khắp thế giới dưới hình thức chuyên nghiệp, ở thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ. Điều đó có nghĩa: chỉ riêng số cầu thủ Brazil thi đấu ở nước ngoài đã nhiều hơn tổng số cầu thủ chuyên nghiệp của các cường quốc bóng đá như Anh, Pháp, Đức, Italia, TBN, Hà Lan, Bỉ, BĐN cộng lại! 

Kinh Thi - BĐCS

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X