ĐTQG từ ngày tập trung đến nay, vẫn chưa mang đến một bữa tiệc bóng đá đích thực cho người hâm mộ. Dù ĐT nhận được nhiều điều khen ngợi, nhưng phân tích kỹ sự ngợi khen nhắm vào nền tảng thể lực sau chuyến tập huấn ở Nha Trang.
Thể lực luôn là vấn đề của cầu thủ Việt Nam, việc mới đây BHL cật lực “ép” cầu thủ phải nâng cấp thể lực, nhận được sự đồng thuận cao. Điều quan trọng hơn, chưa bao giờ người hâm mộ cảm nhận được rõ ràng nội tình của ĐTQG ổn như lúc này. ĐTQG như một gia đình lớn, thực tế là vậy.
Và trong không khí tươi mới đó, vô tình khỏa lấp một điều: ĐTQG chưa cho thấy một sự phát triển đột biến rõ ràng trong chuyên môn. Chưa kể, cầu thủ vẫn chưa chứng minh được sự lấn lướt về thể lực so với Indonesia. Chúng ta thu hoạch được gì từ những trận giao hữu, mới nhất là Indonesia gần đây, xem ra vẫn mơ hồ.
ĐT Việt Nam lúc nào cũng nhận được sự quan tâm của người hâm mộ
ĐTQG đang cần sự cách mạng hơn nữa 2 vấn đề. Thứ nhất là hình ảnh. Sau khi thất bát ở AFF Cup 2010, hình ảnh của ĐTQG sa sút. Năm 2011, cũng không có nhiều cơ hội đánh bóng bởi chỉ có một mặt trận để thể hiện là vòng loại World Cup 2014.
Trận đầu tiên gặp Macau trên sân Thống Nhất, ĐTQG thắng 6-0, làm ngất ngây khán giả Sài thành. Nhớ lại hôm đó, thực sự xúc động khi sân Thống Nhất đón lượng khán giả như hội, dân giữ xe được mùa bội thu. Dĩ nhiên, VFF cũng kiếm bộn tiền bởi ai ngờ kế hoạch đưa trận đấu về Thống Nhất lại thành công mỹ mãn như thế.
Nhưng, bữa tiệc bóng đá trôi qua rất mau, vì ĐTQG sau đó nhanh chóng để lộ những nhược điểm cố hữu. Chiến thắng trước Macau rõ ràng chỉ thỏa mãn cơn khát không khí bóng đá của người hâm mộ TP.HCM khi quá lâu không được xem ĐTQG thi đấu trên sân Thống Nhất.
Điểm nhấn của ĐTQG năm 2011 chính là trận giao hữu gặp ĐT Nhật Bản tại SVĐ Homes Stadium (Kobe) trong tháng 10. Đấy là trận đấu, dù tính chất giao hữu, nhưng nhiều cầu thủ đã được truyền cảm hứng để vượt giới hạn bản thân. Kể cả khán giả cũng vậy, rất “sướng”. Nhưng, giả như trận đấu này không được tài trợ coi như trọn gói, liệu khán giả Việt Nam có được thưởng lãm quân ta đá với đội bóng lớn như Nhật Bản thế không?
Chọn đối tượng đúng nghĩa “thuốc thử” để ĐT cọ xát, bài toán đó luôn khó giải với bóng đá ta. Đấy cũng là vấn đề thứ 2, trong những việc mà ĐTQG cần được cách mạng.
Thực ra cũng chẳng nan giải đến mức không thể, nếu như những người có trách nhiệm biết tập hợp sức mạnh tài chính thông qua xã hội hóa. ĐTQG luôn phải cọ xát ở những trận giao hữu, những giải đấu (kể cả VFF Cup sắp tới) mà đối thủ thường cũ kỹ, trình độ chuyên môn trung bình. Cũng có thể những giải đó nhà tổ chức còn nhắm đến cái đích thương mại, nên bán được vé đã là thành công.
Đã khá lâu rồi, khán giả nước nhà chưa được xem một trận đấu tầm ĐTQG thực sự là “bữa tiệc bóng đá”, cho thấy đẳng cấp đã thực sự thăng tiến. Thay vào đó, thường là sự thỏa mãn kết quả, kéo theo tâm lý vui vẻ thuần túy, vốn dễ lây lan trong hoạt động cổ vũ bóng đá.
Nếu thời gian tới, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng không được chạm trán nhiều hơn nữa với các đối thủ có đẳng cấp cao, không được thay đổi môi trường tập huấn khác hẳn lâu nay, e rằng phía trước vẫn chỉ là lối mòn.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)