Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất

Nghiệt ngã như đường chạy marathon

06/05/2023

Sáng 6/5, nội dung thi đấu đầu tiên tính từ khai mạc là môn marathon, diễn ra tại Siem Reap đã chứng kiến những hình ảnh xót xa trên đường chạy.

Chủ nhà Campuchia đã chạy đua với thời gian để hoàn thiện đường chạy marathon cho sáng nay, dù chiều tối qua các hạng mục vẫn còn dang dở. Họ cũng mới chỉ công bố cung đường chính thức trên một đường thẳng kéo dài 5km, đi qua đền Bayon rồi quay lại. Mỗi vòng 10km, tương đương các VĐV sẽ phải hoàn thành 4 vòng chạy.

Nghiệt ngã như đường chạy marathon 1
Lê Thị Tuyết trên đường chạy marathon tổ chức tại Siem Reap vào sáng nay 6/5. Ảnh: Trọng Hiếu
Hoang Nguyen Thanh marathon 6/5
Hoàng Nguyên Thanh, HCV SEA Games 31 chỉ về thứ 3 tại giải năm nay. Ảnh: Trọng Hiếu

Tiết trời nắng nóng tại Siem Reap là bài toán khó với các VĐV, bất kể cung đường tưởng chừng dễ dàng so với cung đường đầu tiên bên trong Angkor Wat lởm chởm sỏi đá, gồ ghề. Nội dung nam của marathon bắt đầu từ 6h sáng, sau đó 10 phút là nội dung của nữ - thời điểm muộn so với nhiều chặng marathon xuất phát từ 4h sáng (để trời vẫn còn mát, nắng chưa lên khi các VĐV về đích).

Vượt qua thời tiết khắc nghiệt, mặt đường nóng bỏng chân và phải tiếp nước liên tục, nhưng không ít các VĐV kiên cường dù chạy đến kiệt sức, vẫn phải bỏ dở cuộc thi của mình. Ngay cả VĐV nhập tịch Trung Quốc của chủ nhà Campuchia – Piseth Yang có thành tích rất tốt, dẫn đầu sau 20km đầu tiên, cũng không thể chạy tiếp.

Ở nội dung của nữ, VĐV Indonesia – Odekta Elvina Naibaho cán đích đầu tiên, nhưng lập tức phải di chuyển bằng xe lăn và thở oxy khi ngã gục trên đường chạy. Sau khi được chườm đá, tiếp nước, cô được đưa thẳng tới bệnh viện bằng xe cứu thương.

Nghiệt ngã như đường chạy marathon 2
Hoàn thành chặng marathon,  Odekta Elvina của Indonesia gục ngã. Ảnh: Trọng Hiếu
Nghiệt ngã như đường chạy marathon 3
Cô được đưa lên xe lăn, thở oxy và chườm đá để giảm nhiệt. Chạy marathon dưới thời tiết nắng nóng là một nguy cơ lớn với các VĐV. Ảnh: Trọng Hiếu

“Bé hạt tiêu” Lê Thị Tuyết – chỉ cao 1m45 cũng bất chấp tình hình sức khoẻ không đảm bảo, nén cơn đau để hoàn thành đường chạy và nhận chiếc HCB quý giá. Nguyễn Thị Ninh, VĐV quyết không bỏ cuộc giữa chừng, cũng được sơ cứu khẩn cấp nhưng vẫn gắng gượng, từ chối lên xe cứu thương để điều trị bên trong căn lều của đoàn Việt Nam.

Nghiệt ngã như đường chạy marathon 4
Lê Thị Tuyết cán đích ở vị trí thứ 2 cũng đã là một điều rất tuyệt vời, khi người dẫn đầu phải chạy đến kiệt sức và gặp nguy hiểm đến sức khoẻ. Ảnh: Trọng Hiếu
Nghiệt ngã như đường chạy marathon 5
Cô gái nhỏ tiết lộ phải nén cơn đau khi chạy. Ảnh: Trọng Hiếu
Nghiệt ngã như đường chạy marathon 6
Nguyễn Thị Ninh cũng không bỏ cuộc giữa chừng, cố gắng đến kiệt sức và ngã gục ngay khi về đích. Sau một hồi sơ cứu, cô có thể đi lại và từ chối lên xe cứu thương. Ảnh: Trọng Hiếu
Nghiệt ngã như đường chạy marathon 7
Một tình nguyện viên của chủ nhà Campuchia cũng không chịu được nắng nóng. Ảnh: Trọng Hiếu

Không chỉ các VĐV chiến đấu đến kiệt sức để đem vinh quang về cho tổ quốc, ngay cả những bạn tình nguyện viên của Campuchia cũng không chịu được thời tiết kinh hoàng sáng nay. Vẫn nở nụ cười thân thiện, vỗ tay động viên mỗi VĐV đến vạch đích một cách nhiệt liệt, dù ngay cả việc đứng một chỗ không cũng đòi hỏi sức khỏe tốt. Một bạn tình nguyện viên đã bị ngất xỉu, phải tiếp nước và đưa đi bệnh viện ngay khi nội dung marathon kết thúc.

Marathon là một môn thể thao đại chúng, bất cứ ai cũng có thể chơi được với chi phí trang bị rất rẻ - một đôi giày, dụng cụ hỗ trợ và ngay cả thuê người kèm cũng có giá hợp lý, thực chất là môn thể thao không dành cho số đông. Chỉ những người sở hữu ý chí quyết tâm, tinh thần mạnh mẽ nhất mới có thể vượt qua chính mình, bởi ngay cả việc hoàn thành chặng đua giữa thời tiết kinh hoàng tại Siem Reap, đó cũng đã là một chiến tích vô cùng đáng tự hào.

Cùng chuyên mục

top-arrow
X