Ở một đội bóng miền Tây, cầu thủ đắp chăn qua đầu để xem truyền hình bằng điện thoại.
HLV Nguyễn Hữu Thắng của SLNA tuyên bố, đội bóng này đã ra lệnh cấm các cầu thủ không được cá cược ăn tiền khi xem Euro. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Các HLV ở những đội bóng của V-League lẫn hạng nhất cũng cho biết, họ đã có lệnh tương tự như thế.
Như Thành từng khẳng định cá độ bóng đá ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của anh
Thật ra chuyện các cầu thủ cá cược đâu có mới. Văn Quyến, Quốc Vượng... đều trượt chân chỉ vì cá cược bóng đá đấy thôi. Mới hơn, cầu thủ Như Thành cũng thừa nhận chuyện cá cược khiến mình phải sống khổ. Khổ hơn, Đắc Khánh, một cầu thủ sinh năm 1987 đầy tài năng của SLNA đã đứt sự nghiệp chỉ vì cá cược. Nhà cái đến tận đội bóng tìm, Khánh chuyển nhượng sang đội khác cũng chẳng yên. Cuối cùng, SLNA đành cho Khánh nghỉ vì không muốn mang tiếng và làm ảnh hưởng đến cầu thủ khác. Mới nhất, ở mùa World Cup vừa rồi, Bình Dương cũng lao đao vì những thông tin nội bộ tiết lộ, nhiều cầu thủ vì thua quá hoá liều và một cuộc thanh lọc nội bộ đã diễn ra khiến những lãnh đạo đội bóng phát rầu.
Gương tày liếp thì kể có đến năm sau cũng chẳng hết nên các đội quyết định gắt gao hơn. Cấm cá cược, thậm chí có đội còn cử người đi kiểm tra từng phòng để cấm các cầu thủ xem trận đấu diễn ra vào lúc rạng sáng.
Nhưng, sự thật thì lệnh cấm ấy, những kiểm tra ấy chỉ “mang tính minh hoạ” nhiều hơn là thực tế. Hiện việc đăng ký một tài khoản cá cược được quảng cáo khắp nơi và thủ tục khá dễ. Các cầu thủ lại thích chứng tỏ sự hiểu biết của mình về bóng đá, sẵn có tiền nên việc một người có vài tài khoản không phải là hiếm.
Chỉ cần mở máy của các cầu thủ lên sẽ thấy họ thường xuyên vào các trang cá cược như thế nào. Ban huấn luyện cấm bằng cách nào khi máy tính cá nhân sẵn có, một USB 3G sẵn đó. Chuyện cấm xem bóng đá khuya để giữ sức khoẻ còn hài hước hơn. Ở nhiều đội, cứ trước trận đấu thứ hai là lệnh tắt đèn được ban ra. Để chắc ăn hơn, các đường cáp truyền hình đến từng phòng cũng được cắt. Nhưng ở cái thời buổi mà smartphone màn hình to, thời mà các máy tính bảng, lẫn máy tính cá nhân đều có thể xem được truyền hình qua Internet thì chuyện tắt TV chẳng còn mấy ý nghĩa. Vậy mới có chuyện, ở một đội bóng miền Tây, cầu thủ đắp chăn qua đầu để xem truyền hình bằng điện thoại, chả hiểu ngủ quên thế nào mà điện thoại nằm trên mặt nóng ran muốn phỏng khiến nửa đêm giật mình dậy la làng. Cả phòng được một phen hốt hoảng rồi cười rũ.
Loay hoay mãi với chuyện cấm đoán cũng chẳng xong, nhiều đội bóng đã chọn cách đưa đội bóng của mình đi tập huấn với ý định, ban ngày phải tập mệt nên tối các cầu thủ sẽ phải đi ngủ sớm để giữ sức khoẻ. Nếu có muốn gượng thức cũng chẳng xong. Thế mới có chuyện, một HLV than thở, chưa bao giờ các buổi tập cầu thủ báo đau xin nghỉ từ hôm trước nhiều như thời điểm đang diễn ra Euro. Vào tận phòng để kiểm tra xem đau ốm thế nào mà không ra sân được, chỉ thấy cầu thủ ngủ vùi.
Sau mùa Euro là V-League trở lại, chưa bao giờ các ban huấn luyện “hãi hùng” như thời điểm này bởi từ đầu mùa bóng đến giờ, các đội bóng lớn của châu Âu thua liểng xiểng mà ngặt nỗi, các cầu thủ rất thích các ngôi sao và họ thường chọn đội bóng có ngôi sao mà mình yêu thích. Đội bên châu Âu thua, các HLV ở V-League cũng sợ đội mình “bỗng dưng thua theo” như mọi năm.
(Theo SGTT)