Thứ Sáu, 19/04/2024Mới nhất
Zalo

Khoảng lặng buồn sau những hào quang của Phạm Huỳnh Tam Lang

Thứ Hai 02/06/2014 14:51(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Sự nghiệp lẫy lừng và tấm gương đạo đức của Phạm Huỳnh Tam Lang làm những người mến mộ càng thêm phần tiếc nuối khi ông mãi mãi ra đi ở tuổi 72.

Hôm thứ bảy vừa qua, Tam Lang còn ra sân trò chuyện xem những đồng đội, học trò một thời ở đội Cảng Sài Gòn thi đấu. Nhưng chưa đầy 48 giờ sau, ông đã mãi ra đi sau một cơn đột quỵ. Ông qua đời khi quỹ từ thiện mang tên: “Quỹ bóng đá danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang” chỉ mới ra đời chưa được 4 tháng.

Phạm Huỳnh Tam Lang là một trong những danh thủ tài năng nhất của bóng đá Việt Nam được thế giới biết đến. Ông sinh ngày 14/2/1942 trong một gia đình đông con ở Gò Công, Tiền Giang. Ông trưởng thành từ bóng đá học đường, thi đấu ở vị trí trung vệ cho đội Petrus Ký (nay là trường THPT Lê Hồng Phong).

Tam Lang và vợ Tô Thị Minh Hồng, người đã chăm sóc ông trong những năm cuối đời.
Tam Lang và vợ Tô Thị Minh Hồng, người đã chăm sóc ông trong những năm cuối đời.

Ngay từ năm 18 tuổi, ông đã được gọi vào đội tuyển bóng đá miền Nam Việt Nam và nhanh chóng chiếm 1 vị trí chính thức. Tài năng và đức độ của Tam Lang được đồng đội nể trọng. Ông được bầu làm đội trưởng dự giải Merdeka Cup năm 1966 tại Malaysia dưới sự dẫn dắt của HLV Weigang.

Thời đó, Merdeka Cup là giải đấu danh tiếng, quy tụ những đội bóng hàng đầu châu Á. Tam Lang với phong độ xuất sắc đã dẫn dắt tuyển miền Nam Việt Nam lên ngôi vô địch sau khi đánh bại Miến Điện (Myanmar bây giờ) với tỷ số 1-0. Sau giải đấu này, ông cùng đồng đội Đỗ Thới Vinh được gọi vào đội tuyển “Ngôi sao châu Á” vào năm 1967. Đây là vinh rất lớn đối với 1 cầu thủ bóng đá Việt Nam.

Không chỉ thành danh trên cương vị cầu thủ, Phạm Huỳnh Tam Lang còn rất tài năng khi làm HLV. Sau khi tốt nghiệp loại ưu lớp HLV quốc tế tại CHDC Đức năm 1981, Tam Lang về dẫn dắt Cảng Sài Gòn (CSG) tạo nên giai đoạn thành công nhất của đội bóng. Dưới thời ông, CSG chơi hoa mỹ nhưng cũng rất hiệu quả và 4 lần lên ngôi VĐQG vào các năm 1986, 1993-1994, 1997 và 2002 cũng như đoạt 2 Cup quốc gia vào các năm 1997, 2002.

Tam Lang là một trong những cầu thủ tài hoa nhất của BĐVN những năm 60 thế kỷ trước. Tài năng của ông được mến mộ đặc biệt, trong đó có Bạch Tuyết, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng giai đoạn đó. Sau lần gặp gỡ định mệnh trước khi lên đường dự Merdeka Cup, cả hai cùng định ngày “se duyên”.

Năm 1967, Tam Lang làm đám cưới với Bạch Tuyết, tạo nên cái kết đẹp nhất của cặp đôi nổi tiếng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, do không phù hợp về nhiều mặt, 2 người chia tay vào năm 1974 nhưng vẫn giữ mối quan hệ hữu hảo về sau.

Mãi đến năm 40 tuổi, Tam Lang mới tìm được bến đỗ cuối của cuộc đời cùng người vợ Tô Thị Minh Hồng kém ông 15 tuổi. Họ có một cô con gái du học ngành dược và đã đi làm tại Australia. Những năm cuối đời, Tam Lang bị nhiều chứng bệnh hành hạ, chủ yếu là gút, tim mạch và mất trí nhớ nhưng ông vẫn bình thản chấp nhận.

Tam Lang đã đi hết một đời một đời vinh nhục với trái bóng tròn, chứng kiến những thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử của BĐVN. Đến cuối đời, dù mang trong mình nhiều bệnh tật ông vẫn đau đáu khi nghĩ về bóng đá nước nhà, về những đồng đội, học trò không may mắn, về những vấn nạn bạo lực trên sân cỏ…

Đúng ngày sinh nhật của mình, cũng là ngày lễ tình yêu 14/2 năm nay, “Quỹ bóng đá danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang” đã ra đời để đỡ đần việc thuốc thang cho chính ông cũng như hỗ trợ cho các cựu cầu thủ bóng đá TP.HCM gặp khó khăn và bệnh tật. Ông mất đi, nhưng hy vọng quỹ vẫn sẽ được duy trì để nhiều danh thủ không may như ông có cuộc sống đỡ vất vả hơn lúc về già.

Theo Zing

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X