Thứ Sáu, 15/11/2024Mới nhất
Zalo

Fan bóng đá thật dại khờ

Thứ Hai 15/10/2012 17:26(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Dù đó là sự dại khờ đáng yêu nhưng tiếc rằng, đôi khi đội bóng thân yêu của họ đã tận dụng điều đó để qua mặt.

Tôi nhớ rằng có ai đó từng bảo là khi yêu, người già chẳng khác gì đứa trẻ, nghĩa là đều dại khờ như nhau. Nhận định như thế cực kỳ chính xác, nhất là trong… bóng đá, khi đối chiếu với tình yêu mà các cổ động viên dành cho đội nhà.

Có những câu chuyện ngỡ như bịa đặt, nhưng lại là điều thường thấy trong bóng đá. Ở đâu đó, một cổ động viên đột nhiên gục chết do đau tim, sau khi chứng kiến đội nhà chiến thắng hoặc thất bại. Các thảm họa trong sân bóng khiến rất nhiều người chết, nhưng vẫn không đủ ngăn những người còn sống tiếp tục đến sân ở mấy trận sau. Các cuộc nội chiến không cách nào hòa giải, nhưng tới một ngày, đôi bên đột ngột tạm ngừng bắn chỉ để mọi người được tới sân xem các huyền thoại của bóng đá thế giới như Pele chơi bóng. Các nhà độc tài luôn tìm mọi cách để khẳng định quyền lực tối cao, nhưng mỗi tối đều dán mắt vào màn hình xem các ngôi sao ở Premier League tỏa sáng. Những cậu bé sinh ra đã có những khiếm khuyết như Garrincha bị thọt chân hoặc Lionel Messi còi xương, nhưng đã phấn đấu để trở thành cầu thủ hàng đầu thế giới. Còn rất nhiều câu chuyện kỳ lạ khác nữa thể hiện rõ tình yêu bóng đá của người hâm mộ mà nếu kể hết ra, thực sự không biết đến khi nào mới ngừng.

Trong lúc người hâm mộ dành cho bóng đá tình yêu lớn tới như vậy, các cầu thủ, trọng tài và nhà quản lý – những thành viên trực tiếp của mỗi trận đấu – đã, đang và sẽ đền đáp họ như thế nào? Tùy theo từng thời điểm, dân trong nghề sẽ có cách trả lời khác nhau. Thế nhưng, có một cách đền đáp dường như luôn đúng ở mọi mùa bóng: đó là sự lừa dối. Cụ thể hơn, đó là trò dàn xếp tỷ số.

Cuồng nhiệt đi và cứ dại khờ đi!
Cuồng nhiệt đi và cứ dại khờ đi!

Sự lừa dối ấy không phải là chưa từng bị bóc trần trước ánh sáng công lý. Và cũng chẳng phải là lần đầu tiên. Và chắc chắn là chưa tới lần cuối cùng. Ví dụ như ở Italy, nơi bóng đá từng ngộp thở trong thế giới của những kẻ nhúng chàm. Vụ án mới nhất scommessopoli dẫn tới lệnh cấm hành nghề dành cho HLV Antonio Conte (Juventus) chỉ vừa mới khép lại, Antonio Manganelli – người đứng đầu của ngành cảnh sát Italy – đã phải thừa nhận với Tổng thư ký tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) Ronald K. Noble tại cuộc họp vào giữa tuần này rằng cuộc điều tra dẫn tới ít nhất 50 người bị bắt kể từ giữa năm ngoái chỉ mới là một phần nhỏ của tảng băng đang bị che dấu. Manganelli còn khẳng định: “Một khi những sự việc khác bị bóc trần, ảnh hưởng có thể còn lớn hơn rất nhiều”. Tuy nhiên, có những chi tiết mà Manganelli chưa nói rõ: sự lừa dối ấy có thể xảy ra ở khắp nơi, ở bất kỳ giải nào, đẳng cấp nào và tinh vi tới mức ngay cả cầu thủ – những người trong cuộc – cũng chưa hẳn đã nhận ra.

Có không ít câu chuyện minh họa cho những điều đó. Một danh thủ ở Croatia từng kể rằng hồi anh ta còn chơi bóng ở giải vô địch nước này, giám đốc điều hành mới của câu lạc bộ đã tuyên bố ngay ngày đầu ra mắt: “Chúng ta có thể thua trận này, nhưng sẽ thắng được 2 trận tới”. Thực tế xảy ra đúng như vậy, nên đội bóng èo uột của anh ta đã trụ hạng.

Còn tại Premier League, một cựu tuyển thủ Ireland đã cho biết sau khi HLV xin từ chức giữa lúc đội nhà bắt đầu có dấu hiệu trượt dốc không phanh, một phó chủ tịch đã tuyên bố rất khó hiểu trong cuộc họp của toàn đội: “Lần này, chúng ta không còn khả năng để trụ hạng”. Tuyển thủ Ireland đã hỏi ông ta muốn ám chỉ điều gì, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Bốn năm sau, đội bóng ấy chơi ở giải hạng Nhất của Anh và đang đối mặt với nguy cơ rớt hạng do bị dẫn trước 0-3 ở trận cuối. Nhưng trong giờ giải lao, vị phó chủ tịch năm xưa vẫn không tỏ ra lo lắng và giải thích với các cầu thủ rằng ban lãnh đạo đã bỏ ra 10.000 euro để đối phương “nằm” trong hiệp 2. Kết quả cuối cùng: hai đội hòa 3-3, và đối thủ của anh ta rớt hạng! Tuy nhiên, không ai cảm thấy bất ngờ, vì khoản tiền ấy đã lớn hơn nhiều so với phần thưởng mà đối phương nhận được căn cứ vào thứ hạng chung cuộc.

Một ví dụ nữa để chứng tỏ khán giả thật khờ dại: họ rất thích chứng kiến các bàn thắng và những trận đấu kịch tính. Thế nhưng, tất cả diễn ra trước mắt họ rất có thể chỉ là một vở kịch được dàn xếp cực khéo. Một cựu tuyển thủ Ireland đã xác nhận điều đó khi nhắc lại VCK World Cup 1990. Ở trận cuối, Ireland đã hòa Hà Lan 1-1, kết quả đủ để cả hai vượt qua vòng bảng và tiễn chân Ai Cập về nước sớm. Trên thực tế, thành viên cả hai đội đều đã thỏa thuận tỷ số này từ trước.

Hoặc như vụ tai tiếng lịch sử tại VCK World Cup 1982, khi Áo chấp nhận thua Đức để cả hai cùng vào vòng sau và loại Algeria. Ở VCK World Cup 4 năm trước đó, dư luận từng đề cập tới một nghi án khác khi Argentina cần thắng trận cuối với cách biệt 4 bàn mới vượt qua Brazil trên bảng xếp hạng, và đội chủ nhà đã thắng Peru 6-0, dù lúc đó, Peru cũng thuộc loại khá mạnh. Gần đây tại VCK EURO 2004, Đan Mạch và Thụy Điển đã thể hiện quá lộ liễu khi hòa nhau 2-2 để dắt tay nhau vào vòng sau, đồng thời khiến đội tuyển Italy của Giovanni Trappatoni bị loại sớm.

Điều trớ trêu nữa là có đôi khi, cầu thủ cũng phải sắm vai khán giả, nghĩa là họ bị các nhà quản lý và giới trọng tài đùa bỡn. Đó là câu chuyện từng xảy ra tại Eintracht Frankfurt ở giải vô địch Đức. Đang đối mặt với nguy cơ rớt hạng, Frankfurt cần phải thắng Hamburg bằng mọi giá. Cả cổ động viên và cầu thủ đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, sau khi đội nhà dẫn trước 2 bàn. Thế nhưng, đúng vào phút bù giờ thứ 2 ở cuối trận, Hamburg đã san bằng cách biệt. Quá tuyệt vọng do Frankfurt buộc phải thắng cả 4 trận còn lại mới hy vọng trụ hạng (họ còn cần đến kết quả thi đấu của các đối thủ trực tiếp), cả cầu thủ lẫn khán giả đều bật khóc ngay trên sân.

Nào ngờ, tận cùng nỗi đau đã phát sinh kỳ tích. Ba ngày sau, Frankfurt gặp Werder Bremen, đối thủ cũng đang gặp khó khăn nhưng có thứ hạng cao hơn họ. Frankfurt thắng. Một tuần sau, Frankfurt gặp Borussia Dortmund đang có phong độ tốt. Frankfurt lại thắng. Một tuần sau nữa, Frankfurt gặp Schalke và bị dẫn trước 2-0, nhưng kịp thắng lại 3-2. Đến vòng cuối, đối thủ của Frankfurt là Kaiserslautern của Michael Ballack đang tranh chấp vị trí thứ 4. Để trụ hạng, Frankfurt buộc phải thắng đối thủ mạnh này với cách biệt 4 bàn, kèm theo điều kiện Nurnberg phải thua hoặc Rostock không thắng. Đến đây, có lẽ mọi người sẽ dễ dàng đoán được kết cục: Frankfurt thắng 5-1, Nurnberg phải xuống hạng do Rostock cũng thắng. Cho tới nhiều năm sau đó, các ngoại binh của Frankfurt vẫn còn lâng lâng với cảm giác hạnh phúc và thường kể lại với mấy đứa con của họ về chiến tích này như thể đó là cú nước rút ngoạn mục để lên ngôi vô địch.

Ký ức đẹp đẽ ấy sẽ còn ngọt ngào mãi, nếu không có cuộc gặp định mệnh tại một quán cà phê giữa một cựu binh Frankfurt với một cựu trọng tài người Croatia từng góp mặt ở một trong các vòng đấu cuối của họ. Sau khi nghe cựu cầu thủ hào hứng nhắc lại cuộc quật khởi ngoạn mục của Frankfurt, vị cựu trọng tài đã mỉm cười và lưu ý anh ta về số tiền thưởng dành cho các đội đoạt Cúp quốc gia hoặc vô địch quốc gia so với số tiền có thể thu được nhờ đặt cược vào các kết quả hoặc tỷ số được xem là bất ngờ. Đồng thời, vị cựu trọng tài này cũng giải thích cho anh chàng cựu cầu thủ hiểu rằng các trọng tài có rất nhiều cách để dàn xếp tỷ số trận đấu mà ngay cả các cầu thủ cũng không hay biết, tương tự vụ Calciopoli năm 2006 từng làm rúng động bóng đá Italy. Cũng nhờ đó, anh chàng cựu tuyển thủ này chợt hiểu rằng ở trên sân, các cầu thủ chưa hẳn là những diễn viên xuất sắc nhất, vì những pha cố tình chuồi bóng bằng cả hai chân từ phía sau để phải nhận thẻ đỏ trực tiếp thật ngớ ngẩn hoặc phạm lỗi trong vùng 16m50 của đội nhà thật cẩu thả chỉ là những động tác của dàn diễn viên nghiệp dư.

Kể từ đó, cựu cầu thủ này đã không còn hồn nhiên khi xem đá bóng như trước nữa. Bởi lẽ, mỗi trận đấu rất có thể chỉ là một vở kịch. Chỉ khi “diễn viên” hoặc “đạo diễn” quá tồi, khán giả mới biết họ bị lừa. Còn nếu gặp dàn “diễn viên” hoặc “đạo diễn” thuộc loại cao tay ấn, khán giả sẽ để con tim lên tiếng. Vì thế mới nói họ thật dại khờ, dù đó là sự dại khờ đáng để yêu.

(Theo Mốt và cuộc sống)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X