Thứ Bảy, 20/04/2024Mới nhất
Zalo

David Beckham: Giá trị của chiếc “Rolls-Royce dùng lại”

Thứ Hai 04/02/2013 20:59(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong tiếng Anh, “second hand” là từ ngữ dùng để chỉ đồ đạc cũ, dùng lại lần hai. David Beckham còn bị truyền thông cho rằng cũ kĩ hơn thế khi gắn anh với từ “dùng lại lần ba” (third hand) để ám chỉ việc PSG mua cựu ngôi sao của Man United sau Real và LA Galaxy.

Không lâu sau khi trở về Anh từ Los Angeles, xin tập nhờ tại Arsenal, David Beckham đã khiến làng túc cầu náo động khi bất ngờ đầu quân cho đội bóng Pháp PSG. Theo bản hợp đồng được ký kết, Becks sẽ chơi bóng cho PSG đến hết mùa. PSG không hề tốn một đồng chuyển nhượng nào, và khoản lương trả cho Beckham được anh quyết định làm từ thiện.

Tất nhiên Beckham sẽ không hoàn toàn đá không công cho PSG bởi những khoản tiền quảng cáo hay bán áo đấu mà CLB thu được sẽ được trích phần trăm để trả cho Becks. Bên cạnh đó, PSG sẽ bỏ ra chi phí lớn để thuê khách sạn hạng sang cho Becks lưu trú, đội ngũ vệ sĩ hàng đầu để bảo vệ sự an toàn cho anh và cả vợ con Becks mỗi lần họ sang Paris.

Beckham luôn có giá trị lớn về thương mại
Beckham luôn có giá trị lớn về thương mại

Beckham sẽ khiến PSG náo loạn?

Chưa biết Becks sẽ làm được gì cả trong lẫn ngoài cho đội bóng nhưng việc anh được ưu ái hơn hẳn so với các đồng đội đang khiến dư luận Pháp tỏ ra nghi ngại về những điều tốt lành sắp xảy đến với PSG và nền bóng đá của họ.

“Beckham được PSG trả tiền chỗ ở lẫn tiền thuê vệ sĩ với chi phí có thể lên tới hàng trăm ngàn euro. Trong một phòng thay đồ có nhiều những cái tôi khổng lồ, sự đặc biệt ấy có thể gây ra nỗi ghen tị” - tờ Le Figaro viết, ám chỉ đến mối quan hệ của Becks với tiền đạo cá tính và nóng tính Ibrahimovic trong thời gian tới.

Tờ Le Monde lo xa hơn khi cho rằng sự giàu sang và lối sống xa hoa của Becks cùng những thành viên trong gia đình sẽ tạo ra những tấm gương xấu cho các cầu thủ khác ở Paris. “Ai cũng sẽ muốn có chuyên cơ riêng, muốn có cận vệ bên cạnh suốt 24 giờ… Đó sẽ là một trào lưu và nó sẽ khiến các cầu thủ học đòi nhau mà quên rằng họ được trả tiền để đá bóng”.

Le Figaro thậm chí còn ví Beckham là “chiếc Rolls-Royce dùng lại” ám chỉ đến việc PSG tận dụng lại giá trị thương hiệu của tiền vệ người Anh khi đã ở cuối dốc của sự nghiệp. Họ nghi ngờ về khả năng thành công trong chiến lược của PSG và lo lắng đội bóng thủ đô khó “khai thác” được nhiều từ Becks. Lo ngại đó liệu có thừa?

Hay làm giàu cho PSG?

Trước khi có Becks, Real đã là một đội bóng lớn với nhiều ngôi sao trong đội hình. Tuy nhiên, những cầu thủ đó lại không mang lại nhiều giá trị thương mại và nếu có cũng chỉ quanh quẩn ở thị trường châu Âu. Thế nên, theo thống kê cuối mùa giải 2002/03, Real chỉ đứng thứ 8 trong danh sách những đội bóng giàu nhất thế giới.

Để gây dựng thị phần ở thị trường châu Âu và Nam Mỹ tiềm năng rộng lớn, Real cần tìm một ngôi sao vừa biết đá bóng vừa có thể giúp họ hái ra tiền. Becks chính là lựa chọn hoàn hảo. Ngay trong mùa đầu tiên Becks đầu quân cho Real, doanh thu từ việc bán áo đấu của CLB này đã tăng vọt 67% so với cùng kỳ năm trước. Chưa hết, Real còn thu về 44 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình (tăng 26%), 16 triệu bảng (tăng 8%) từ các hoạt động quảng cáo, du đấu, giao hữu, chưa kể đến tiền bán vé.

Lợi nhuận thu đươc từ những bản hợp đồng tài trợ với Siemens, Adidas and Pepsi nhờ “hiệu ứng Beckham” đẩy tổng doanh thu của Real lên 80 triệu bảng/năm. Becks chính là cá nhân đã đóng góp không nhỏ trong việc đưa Real sớm soán ngôi của M.U để trở thành CLB giàu nhất thế giới.

Khi mua được Becks, người Mỹ vốn thực dụng đã không hề hoài nghi về những gì mà tiền vệ này có thể mang lại. Ngay từ lúc Becks mới đặt bút vào hợp đồng, LA Galaxy tiết lộ rằng chỉ riêng tiếng tăm của tiền vệ điển trai này, CLB đã bán được 7.000 vé cả mùa và tính sơ sơ, mỗi vé giá 700 USD, họ đã đút túi thêm 4,9 triệu USD.

Nhưng đó chưa phải con số cuối cùng. Có Becks, hơn bốn chục gian hàng cho thuê nằm trong khuôn viên sân Home Depot cũng được đăng ký gần hết. Số lượng vé tại khu vực VIP cũng bán chạy chưa từng có. Liên tiếp sau đó là hợp đồng béo bở từ các công ty như Herbalife Ltd, AutoTrader.com Inc…

Ngoài tiền, Becks còn lôi kéo những ngôi sao đến với đội bóng và mang về cho LA Galaxy hai chức vô địch MLS. Lớn lao hơn, Becks đã thổi một luồng gió mới vào bóng đá Mỹ. Bóng đá hiện đại không chỉ chiến thắng trên sân cỏ mà còn thắng nhờ số tiền mà các CLB có thể thu về. Doanh thu và danh tiếng không thể phủ nhận là hai nhân tố ảnh hưởng tới sự sống còn của một đội bóng.

Thế nên, người Pháp nên thực dụng hơn và cần biết hiện PSG đang vắng bóng ở Top 20 trên bảng xếp hạng của Deloitte về những câu lạc bộ có doanh thu lớn nhất trong năm.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X