Nhà tài trợ áo đấu của Newcastle từ năm 2003, ngân hàng Northern Rock đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề vào năm 2008.
Ngân hàng Northern Rock, tiền thân là Northern Rock Building Society, được thành lập vào năm 1965, nghĩa là sau câu lạc bộ Newcastle United tới hơn 70 năm, và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cho vay thế chấp bằng bất động sản. Khởi đầu tại vùng Đông Bắc nước Anh, Northern Rock đã phát triển một cách nhanh chóng với mạng lưới vươn khắp xứ sở sương mù và cả Bắc Âu, trở thành một trong số 5 ngân hàng cho vay thế chấp lớn nhất tại Anh.
Ngân hàng Northern Rock đã tài trợ trên áo đấu của Newcastle từ năm 2003.
Thời điểm những năm đầu thế kỷ 21 được coi là thời kỳ hoàng kim với Northern Rock nói riêng và ngành ngân hàng xứ sở sương mù nói chung. Năm 2004, Northern Rock chính là ngân hàng đạt mức tăng trưởng nhanh nhất ở nước Anh và đã có thời điểm họ lọt danh sách 100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất tại thị trường chứng khoán London.
Hợp đồng giữa Northern Rock và đội bóng Newcastle United bắt đầu từ năm 2003, và họ trở thành nhà tài trợ áo đấu thứ 5 trong lịch sử đội bóng áo sọc đen trắng. Tuy nhiên, đây cũng chính là giai đoạn mà Newcastle gặp nhiều khó khăn trên sân cỏ, với việc thường xuyên kết thúc mùa giải ở nửa cuối mùa giải trên bảng xếp hạng. Chỉ tính từ năm 2004 đến năm 2009, đã có tổng cộng 7 vị huấn luyện viên đến và đi ở sân St James’Park.
Năm 2007, Northern Rock lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Cổ phiếu tụt hơn 1/3 giá trị, khách hàng ùn ùn kéo đến rút tiền tạo nên một khung cảnh hỗn loạn và dù Ngân hàng Anh lúc đó đã phải chi viện khẩn cấp cho Northern Rock số tiền hơn 1 tỷ bảng, nhưng cũng không thể cứu vãn được tình hình.
Tháng 2/2008, ngân hàng chính thức bị quốc hữu hóa sau khi không thể tìm được các nhà đầu tư mới. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2008, Northern Rock đã báo lỗ hơn 585 triệu bảng, với khoản nợ lên tới hơn 20 tỷ bảng (hơn 600 nghìn tỷ đồng). Cùng với việc bơm tiền giải cứu, chính phủ Anh cũng mở cuộc điều tra về những sai phạm trong hoạt động cho vay ở Northern Rock.
Quá trình tái cơ cấu và phục hồi sau đó tại đế chế tài chính hùng mạnh này sau đó diễn ra khá chậm chạp, nhưng vào năm 2010, họ vẫn ký hợp đồng tài trợ mới với đội bóng áo sọc trắng đen với giá trị lên tới 10 triệu bảng. Quyết định này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận và thậm chí là các thành viên chính phủ, bởi theo họ không thể lấy tiền thuế của dân để đem tài trợ cho các hoạt động thể thao trong hoàn cảnh khó khăn tài chính.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, hợp đồng tài trợ này đã phải chấm dứt trước thời hạn khi ngân hàng Northern Rock chính thức bị tập đoàn Virgin Money của tỷ phú Richard Branson thâu tóm với giá 747 triệu bảng. Như vậy sau 8 năm gắn bó, cái tên Northern Rock đã không còn xuất hiện trên áo đấu của “Chính chòe” từ đầu năm 2012. Không chỉ có Newcastle United, Northern Rock quyết định chấm dứt hợp đồng tài trợ với đội cricket Durham County, đội bóng rổ Newcastle Eagles và đội bóng bầu dục Newcastle Falcons.
Dù Virgin Money đã tiếp tục ký một bản hợp đồng tài trợ mới với Newcastle ngay từ đầu năm 2012, nhưng nó lại tiếp tục bị chấm dứt trước thời hạn vào hồi đầu năm nay, khiến ông chủ Mike Ashley phải vất vả đi tìm một đối tác mới.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã tìm được nhà tài trợ, những rắc rối vẫn chưa hết đeo bám Newcastle. Hồi tháng Năm vừa rồi, hãng chuyên cho vay nợ Wonga ký hợp đồng tài trợ cho đội bóng vùng Đông Bắc, đổi lại việc tên của hãng xuất hiện trên áo đấu và quyền được đổi tên sân vận động St James’Park.
Wonga, được một nghị sỹ thuộc đảng Lao động Anh và cũng là fan của Newcastle miêu tả là “con quái vật ăn thịt trong ngành tài chính chuyên kiếm tiền dựa trên những người thất nghiệp và lương thấp”, bị số đông người hâm mộ phản đối. Có vẻ như, đội bóng của huyền thoại Alan Shearer không gặp may với đối tác là những tổ chức tài chính.
(Theo VTC)