Thứ Bảy, 27/04/2024Mới nhất
Zalo

Cuộc đời Joey Barton: Gã “Chí phèo” của bóng đá

Thứ Sáu 05/04/2013 15:54(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

“Một tiền vệ tấn công với quá khứ gặp khó khăn và sở hữu Twitter có lượng người theo (Follow) khổng lồ” là miêu tả chính xác nhất về chàng cầu thủ mang biệt danh “Siêu quậy” của nước Anh.

Từng vào tù vì tội hành hung người ở hộp đêm, gây chiến với đối thủ trên sân và thậm chí cả đồng đội bằng những “câu chửi” trên Twitter. Kể từ khi đến với làng túc cầu, một cách vô tình hay chủ ý, Barton luôn khiến mình trở thành tâm điểm của dư luận với thái độ “coi trời bằng vung”. Người ta gọi anh là “Gã Chí” của túc cầu.

Barton
Barton

Con đường thành “Siêu quậy”

Barton sinh ra và lớn lên tại Huyton, khu ngoại ô của Liverpool trong khu nhà chủ yếu được xây dựng vào những năm 1970 dành cho những người sống trong khu ổ chuột bị giải phóng mặt bằng.

Nói khu nhà cho oai, chứ thực tế khu vực mà Barton sinh sống nằm trong 10 khu tồi tệ bậc nhất nước Anh khi đó. Cùng với việc đóng cửa một số nhà máy, nó bị biến thành khu đất trú ngụ của tội phạm. Ma túy có mặt ở khắp mọi nơi để lôi kéo những thanh niên thất nghiệp. Ở nơi đó, khi bước chân vào quán rượu, chỉ cần bạn nói một câu không vừa ý ai đó, lập tức sẽ lĩnh trọn một cái chai vào đầu.

Barton thừa nhận rằng ngay khi còn nhỏ, anh đã phải biết đứng lên chiến đấu vì bản thân mình. Để tự vệ trước những sự đe dọa, Barton và các anh em luôn thủ sẵn hung khí bên người.

Gia đình của Barton đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi môi trường sống như vậy. Khi anh còn nhỏ, bác Joe đã bị giết dã man. Đến năm 2006, chú Edward Rogers may mắn sống sót sau một vụ tấn công khiến ông bất tỉnh trong một vũng máu trước một cửa hàng cá cược ở Huyton. Tháng 8 năm 2008, hai người anh em họ của Barton bị buộc tội đâm chết một người đàn ông ở trong thị trấn. Anh trai Michael của Barton thì đang chấp hành án phạt 18 năm tù về tội giết người.

Chẳng những người thân trong gia đình, đa số bạn bè của Barton thủa nhỏ giờ đều có “thâm niên” trong nhà tù. Hai người mà Barton đánh giá có khả năng chơi bóng còn hơn mình thì một vào tù vì trộm đồ, một "xộ khám" vì ăn cướp.

Nói có vẻ tiêu cực nhưng Barton coi việc bố mẹ ly hôn là một “vận may” của mình bởi nhờ đó, anh có thể theo bố xuôi về miền Nam, đến nhà ông bà nội sinh sống.

“Khi bố mẹ chia tay, thế giới của một đứa trẻ như bị đảo lộn bởi họ là trung tâm cuộc sống của bạn. Nhưng giờ nhìn lại tôi coi đó là phước lành. Nghe có vẻ ích kỷ nhưng nếu ở lại đó tôi sẽ bị cuốn vào những rắc rối” - Barton chia sẻ trong một buổi phỏng vấn.

Tại nơi ở mới, Barton sống trong tình thương của bà, một phụ nữ tình cảm nhưng rất nghiêm khắc. Và rồi, Barton đến với bóng đá, nơi mọi người kỳ vọng sẽ giúp anh thoát khỏi những ám ảnh của cuộc sống trong quá khứ.

Liệu còn muốn “lương thiện”?

Năm 17 tuổi, Barton đã kiếm được 300 bảng/tuần, bằng với lương của bố anh. “Phần hư” trong con người của Barton trỗi dậy từ đó. Anh bắt đầu muốn đi đến các hộp đêm và gạ tình những cô gái.

Danh tiếng có được trong bóng đá cũng mang lại cho Barton thứ mà anh gọi là “quyền lực vô hình”. Trở lại Huyton, anh chẳng còn phải e sợ, khúm núm hay lo ai trả thù. Tất cả mọi người đều biết cầu thủ Barton, đều đứng lại, hướng mắt nhìn khi anh bước vào cửa hộp đêm. Barton bắt đầu ống rượu dù thực tế thừa nhận rằng chẳng hề thích “ma men”.

“Tôi là một chàng trai trẻ, có tới hàng nghìn người hâm mộ và nếu không chơi tốt sẽ gặp áp lực rất lớn. Mọi người đã nhìn tôi và đánh giá tôi, tôi cảm thấy tôi bước vào một căn phòng và tất cả mọi người sẽ biết tôi là ai và tôi không bao giờ muốn biết họ là ai. Và cách duy nhất tôi có thể thoát khỏi đó là say. Vòng tròn luẩn quẩn bắt đầu từ đó” – Barton ân hận kể.

Rồi Barton gia nhập mạng xã hội Twitter. Chỉ một thời gian ngắn sau đã có tới hơn 4.000 người theo (Follow). Barton càng trở nên ảo tưởng hơn về tầm quan trọng của bản thân. Anh liên tiếp gây rối bằng những câu xúc phạm, lăng mạ đồng nghiệp, gây sự với ông chủ như một cách để “thể hiện” mình.

Ngoài sân cỏ, Barton hành hung, đánh người, chẳng coi ai ra gì. Tưởng như khi bị đẩy sang Pháp, xa đất nước Anh nơi gia đình Barton có “máu mặt” trong giới tội phạm, anh chàng sẽ thay đổi. Nhưng vụ lăng mạ cầu thủ người Brazil Thiago Silva một lần nữa cho thấy Barton vẫn chưa hề thay đổi tâm tính.

Năm 2010, Barton thừa nhận rằng còn cách xa “nơi mà tôi muốn thành một cầu thủ, một con người hoàn hảo” một triệu dặm. Với những gì xảy ra, khoảng cách đó với Barton dường như sẽ còn xa hơn nữa.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X