Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Cơn sốt vé xem U19 và sự thiệt thòi của người hâm mộ chân chính

Thứ Sáu 12/09/2014 08:57(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Hiệu ứng từ U19 Việt Nam đã tạo nên cơn sốt vé lớn ở giải U19 Đông Nam Á năm nay và điều đáng buồn là nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam chân chính không thể có cơ hội để được vào sân xem các cầu thủ con cưng thi đấu.

Bóng đá Việt Nam đã trải qua những năm dài thất vọng sau những thất bại ở AFF Cup 2012 hay SEA Games 27, nên người hâm mộ đã mất hết niềm tin. Lần cuối cùng, sân Mỹ Đình lên cơn sốt vé là ở bán kết AFF Cup 2010, giải đấu cuối cùng mà một đội tuyển bóng đá nước nhà có thể cạnh tranh với các nền bóng đá khu vực.

Sân Mỹ Đình không còn chỗ trống trong ngày U19 Việt Nam hạ U19 Myanmar
Sân Mỹ Đình không còn chỗ trống trong ngày U19 Việt Nam hạ U19 Myanmar

Nhưng trong mảng tối bao phủ nền bóng đá nước nhà, hiệu ứng từ U19 Việt Nam đã lan tỏa khá nhanh. Kể từ khi đoàn quân HLV Graechen giành ngôi á quân giải U19 Đông Nam Á 2013, giải U22 Đông Nam Á 2014 cũng như từ trận thắng Australia 5-1 ở vòng loại châu Á, các chàng trai U19 Việt Nam đã lấy được niềm tin nơi người hâm mộ.

Ở một đất nước mà tình yêu bóng đá nước nhà có thể coi là bất diệt như Việt Nam, khi một đội bóng tạo cho khán giả niềm hy vọng đều nhận được sự quan tâm đặc biệt. Ai cũng muốn sở hữu một tấm vé vào sân xem các cầu thủ U19 Việt Nam thi đấu, những cầu thủ trẻ được họ chờ đợi sẽ vực dậy nền bóng đá đang khủng hoảng.

Và từ khi Công Phượng lập siêu phẩm vào lưới U19 Australia, hay các chàng trai trẻ đá tuyệt vời trước Nhật Bản và đỉnh cao là thắng lợi 5-1 trước U19 Myanmar ở bán kết giải U19 Đông Nam Á Nutifood Cup, tình yêu của người hâm mộ càng lớn hơn. Chỉ có điều, tình yêu, niềm tin và sự kỳ vọng của người hâm mộ nước nhà lại chính là cơ hội để kẻ khác kinh doanh, kiếm lợi.

Từng dòng người đã xếp hàng dài để hy vọng sở hữu tấm vé xem các trận đấu của U19 Việt Nam tại giải U19 Nutifood Cup. Họ thậm chí còn đội mưa, hứng nắng trong cả tiếng đồng hồ để chờ được đến lượt mua vé, đáng tiếc là không phải khán giả nào cũng có được may mắn đó.

Từ chi tiết cô gái mang bầu 8 tháng, lặn lội từ xa, xếp hàng từ 4h sáng để cùng chồng mua vé xem U19 Việt Nam, có thể thấy người hâm mộ yêu U19 Việt Nam đến thế nào. Bản thân chính HLV Graechen tuyên bố các học trò hãy nỗ lực chiến đấu hết mình để không phụ tình yêu của người hâm mộ với những bước đi, sự tiến bộ của mình.

Nhưng khi U19 Việt Nam càng chơi hay, thì người hâm mộ lại càng…thiệt thòi. SVĐ Mỹ Đình có đến 40 nghìn chỗ ngồi, nhưng để có được tấm vé vào sân thật không dễ dàng chút nào. Nhiều bạn trẻ đã chia sẻ là họ có nhiều hôm phải xếp hàng vài tiếng đồng hồ, nhưng vẫn ngậm ngùi ra về do vé đã bán hết.

VFF đã rất nỗ lực để phục vụ người hâm mộ, từ việc ngừng phân phối vé cho các đại lý và trực tiếp mở cửa ở các trụ sở để độc giả chân chính có cơ hội xếp hàng mua giá gốc. Nhưng cung không đủ cầu, VFF không thể đáp ứng hết được khát vọng vào sân cổ vũ U19 Việt Nam của người hâm mộ.

Tuy nhiên, việc nhiều phe vé ở các điểm Mỹ Đình, Trịnh Hoài Đức, Hoàng Cầu vẫn cầm trên tay hàng chục tấm vé chào đón khách mua với các giá “cắt cổ” như 1 triệu/cặp với loại vé 100.000đ, 700.000đ/cặp với lại vé 70.000đ, cho thấy lượng vé không ít được tuồn ra ngoài. Thậm chí, với những người có tiền sẵn sàng mua 10 vé chỗ ngồi liền nhau, các phe vé cũng sẵn sàng có đủ để đáp ứng.

Rõ ràng, dù cách thức bán vé cho người hâm mộ đã được điều chỉnh , nhưng tình trạng phe vé chặt chém người hâm mộ vẫn không thể giảm thiểu. Người hâm mộ càng yêu mến U19 Việt Nam đến đâu, họ càng đứng trước nguy cơ bị dân chợ đen “chặt chém” với những mức tiền phi lý. Và với những người không có điều kiện kinh tế thì đó là thực sự là nỗi buồn và sự thất vọng quá lớn.

Cách đây 1 năm khi Arsenal đá giao hữu ở Mỹ Đình, cơn sốt vé cũng không lớn đến vậy (giá chợ đen chỉ chênh đôi chút với giá gốc). Với khán giả Việt Nam, họ không quá khao khát chứng kiến ngôi sao châu Âu thi đấu, mà cơn sốt thực sự chỉ đến khi chúng ta có một đội tuyển thi đấu đẹp, được yêu mến như U19 Việt Nam.

Khi bóng đá Việt Nam khủng hoảng, những người làm bóng đá đều hô hào người hâm mộ đừng quay lưng với đội tuyển nước nhà. Nhưng đổi lại, người hâm mộ phải chịu quá nhiều thiệt thòi mỗi khi có nhu cầu thưởng thức bóng đá, hay đúng hơn tình yêu bóng đá đó của họ đã bị phản bội bởi những kẻ coi đây là cơ hội vàng để kiếm lợi.

Theo Dân Trí

  

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X