Thứ Năm, 28/03/2024Mới nhất
Zalo

Cầu thủ Việt kinh doanh: Không phải ai cũng hái ra tiền

Thứ Hai 02/11/2015 15:19(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nhờ kinh doanh, có cầu thủ sở hữu khối tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng cũng không ít người phải đóng cơ sở chỉ sau 1 thời gian ngắn hoạt động.

Những ông chủ "mát tay"

1. Anh Đức (Becamex Bình Dương)

Để thiết lập một nền tảng tài chính vững vàng và mối làm ăn truyền thống sau khi từ giã sân cỏ, Anh Đức muốn sớm khởi đầu cho sự nghiệp kinh doanh. Vào năm 2007, Anh Đức khai trương một cửa hàng bán dụng cụ thể thao và đó là viên gạch đầu tiên để xây dựng lên tổ hợp kinh doanh của Anh Đức bây giờ. Đến nay, việc làm ăn của chân sút Becamex Bình Dương rất lớn mạnh khi anh trở thành nhà phân phối hàng thể thao, chủ yếu là giày bóng đá, khắp cả nước. Anh Đức đang xây dựng thương hiệu giày "Anh Đức Sport" để có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường.

Cau thu Viet kinh doanh Khong phai ai cung hai ra tien  hinh anh
Anh Đức là ngôi sao sân cỏ làm ăn phát đạt nhất trong giới cầu thủ Việt

2. Tấn Trường (Becamex Bình Dương)

Bên cạnh tài năng trên sân cỏ, thủ môn Becamex Bình Dương còn có máu kinh doanh sẵn trong người. Sau khi nhận được lót tay 5 tỷ đồng từ đội bóng quê nhà Đồng Tháp vào năm 2010, Tấn Trường bỏ ra 1,2 tỷ đồng mua chiếc xe 16 chỗ để người anh trai chạy xe khách đường dài kiếm tiền. Không lâu sau đó, Tấn Trường chi 200 triệu đồng để mở quán Internet tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). Vào đầu năm 2011, Tấn Trường quyết định mở sân cỏ nhân tạo tại TP Hồ Chí Minh. Hệ thống 6 sân tại khu K2, quận Tân Bình được xây dựng, thu hút đông đảo các đội bóng phong trào về thi đấu. Trong thời gian ngắn, Tấn Trường thu về số vốn bỏ ra. Nhờ tài quản lý, công việc kinh doanh của thủ môn Becamex Bình Dương ngày càng phát đạt.

3. Phùng Văn Nhiên (Hải Phòng)

Trong quãng thời gian thi đấu cho Hoàng Anh Gia Lai (2008 -2014), Phùng Văn Nhiên đã dốc toàn bộ vốn liếng để đầu tư vào 12 ha rẫy tại phố núi, với mong ước trở thành tỷ phú nông dân sau khi giải nghệ. Tuy mới tham gia vào lĩnh vực "nông nghiệp, nông thôn" nhưng trang trại của Phùng Văn Nhiên được bố trí rất chuyên nghiệp, bên phải là 8,5 ha rẫy cà phê, bên trái là 4 ha hồ tiêu. Nằm giữa rừng cà phê là trang trại nuôi bò. Tận dụng các khoảng đất trống, Văn Nhiên cho trồng xen canh cây bời lời, bơ, ngô, đậu và những cây ngắn ngày khác, với mục đích lấy ngắn nuôi dài. Theo tính toán, nguồn thu từ cà phê, hồ tiêu, bò sữa... mang lại cho cựu hậu vệ Hoàng Anh Gia Lai khoản lợi nhuận không nhỏ.

4. Văn Nghĩa (cựu cầu thủ Đồng Tháp)

Cuối mùa giải 2012, khi đội bóng Navibank Sài Gòn giải tán và chuyển giao cho Xi măng Xuân Thành Sài Gòn, cũng là lúc tiền đạo Văn Nghĩa chia tay bóng đá. Trở về quê nhà ở Cao Lãnh (Đồng Tháp), Văn Nghĩa đã cùng vợ mở công ty xây dựng mang tên của chính anh, đồng thời tham gia vào việc phân phối hàng tiêu dùng của thương hiệu Unilever ở khu vực Đồng Tháp. Tháng 4/2014, Văn Nghĩa cho ra lò sản phẩm nước uống đóng chai tinh khiết mang thương hiệu VN19. Anh lý giải VN là tên Văn Nghĩa, và 19 là số áo anh từng thi đấu trước đây ở đội CS Đồng Tháp. Mới xuất hiện nhưng với chất lượng và hướng đi đúng, nước uống "VN19" nhanh chóng có thị trường và sản lượng liên tục tăng từng ngày.

Những ông chủ "vô duyên"

Người ta bảo làm ăn, kinh doanh cũng phải có cái duyên, tùy cơ, hợp thời. Có nhiều vốn, đầu tư "khủng", cơ sở hoành tráng chưa chắc đã mang lại thành công. Điều này hoàn toàn đúng với cặp đôi xứ Nghệ, Công Vinh - Dương Hồng Sơn.

Cau thu Viet kinh doanh Khong phai ai cung hai ra tien  hinh anh 2
Nhà hàng sang trọng của Công Vinh, Dương Hồng Sơn sớm phải đóng cửa

Là đồng hương, từng thi đấu trong màu áo Hà Nội T&T, Công Vinh, Dương Hồng Sơn còn cùng góp vốn mở một nhà hàng rất "hoành tráng" tại thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) vào năm 2009. Toàn bộ khuôn viên nhà hàng có tên "Công Vinh - Hồng Sơn" có diện tích tới 3.000 m2. Nhà hàng được thiết kế rất sang trọng và nằm ngay trung tâm. Tuy nhiên chỉ chưa đầy một năm, Công Vinh, Dương Hồng Sơn đã quyết định đóng cửa nhà hàng sang trọng này vì tình hình kinh doanh không như mong đợi.

Thủ môn Dương Hồng Sơn chia sẻ, do anh và Công Vinh đều không thể có mặt thường xuyên để quản lý nên lượng khách ngày càng vắng dần. Trong khi mỗi tháng phải tốn một số tiền rất lớn để thuê mặt bằng và tiền nhân viên, nên quyết định đóng cửa.

Cuối năm 2013, tiền đạo Việt Thắng mở một quán ăn trên đường Lý Tự Trọng, ngay trung tâm quận 1, TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do vắng mặt thường xuyên vì khi ấy còn thi đấu trong màu áo Đồng Tâm Long An, nên lượng khách ở quán đã không như mong muốn. Sau một thời gian liên tục phải bù lỗ, Việt Thắng quyết định đóng cửa quán ăn.

Theo Kênh14

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X