Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Cảnh nghèo của gia đình cầu thủ U19 Công Phượng

Thứ Hai 10/03/2014 12:34(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Sinh ra ở vùng bán sơn địa nghèo thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), tài sản nhà Công Phượng không có gì giá trị ngoài chiếc TV do đồng đội ở U19 Việt Nam tặng.

Ở vùng đất cày lên sỏi đá, làm kinh tế rất khó khăn nên người dân làng Vồng Vổng chủ yếu ly hương để tránh cái đói, cái nghèo. Bố mẹ của Phượng là ông Nguyễn Công Bảy và bà Nguyễn Thị Hoa vì nhiều lý do nên phải ở lại bám trụ với mảnh đất quê hương. Nhà thuộc diện hộ nghèo lại phải nuôi tới sáu miệng ăn nên mãi tới những năm sau 2000, nhiều bữa cơm của gia đình vẫn còn phải độn ngô, khoai, sắn, vốn là những sản phẩm nông nghiệp do gia đình làm ra.

Ngôi nhà ngói và khoảng sân từng là nơi Công Phượng cùng anh trai đá bóng bằng những trái bòng hay giấy cuộn chặt
Ngôi nhà ngói và khoảng sân từng là nơi Công Phượng cùng anh trai đá bóng bằng những trái bòng hay giấy cuộn chặt

Không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, ba anh chị đầu của Phượng phải vào miền Nam làm thuê kiếm sống. Phượng và anh trai Nguyễn Công Khoa ở nhà phải thả trúm bắt lươn và làm đủ thứ nghề để phụ giúp bố mẹ. Ông Bảy làm nghề thợ xây, nhiều hôm đi làm không có người phụ giúp, đành phải bắt Phượng đi xách hồ, nhặt đá. Thương con phải xách xô hồ cao gần đến hông nhưng bởi hoàn cảnh gia đình, ông Bảy cũng đành phải nén nước mắt vào trong.

An ủi lớn nhất của Phượng là người anh trai Nguyễn Công Khoa. Những buổi chơi bóng cùng anh trai đã thực sự làm cho Phượng thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Nhưng cuộc đời chẳng ai học được chữ ngờ, trong một buổi trưa hè đi tắm khe, Khoa chết đuối, ra đi mãi mãi. Bà Hoa sụt tới 12kg vì cú sốc quá lớn, trong khi Phượng vốn đã trầm tính lại càng trở nên lầm lỳ.

Sau cái chết của anh trai, Phượng cả tuần liền không đến trường, bóng banh là niềm đam mê, Phượng cũng bỏ. Cậu bé chín tuổi bị bố đánh cho một trận no đòn vì dám cả gan xin bỏ học để vào miền Nam làm thuê. Chia ly, nghèo đói bao trùm khiến cho ngôi nhà nghèo dột nát càng trở nên bi đát hơn. Phượng đã gày yếu, lại suy sụp tinh thần nên còi xương, hệt như đứa trẻ suy dinh dưỡng.

Thương con, bà Hoa phải bán cả tạ lúa mới đủ lên thị trấn mua một quả bóng da về cho Phượng. Có quả bóng trong mơ nhưng nỗi nhớ người anh trai vẫn khiến Phương chưa thể lấy lại được niềm đam mê. Bà Hoa lại tiếp tục động viên con và đạp xe 18 km đưa Phượng lên thị trấn mỗi ngày để theo học lớp năng khiếu bóng đá của huyện.

Có năng khiếu, được đánh giá cao nhưng thử việc ở lò Sông Lam, Phương lại bị loại vì… thiếu cân. Xóm làng xì xào bàn tán Phượng bị suy dinh dưỡng nên không thể trúng tuyển khiến bà Hoa nhiều đêm khóc ròng, trong khi Phượng lần này nhất quyết bỏ học để vào Nam ở với anh chị và đi làm thuê.

Nhưng rồi, cuộc đời vốn công bằng, sau những ngày tháng cay đắng, niềm vui, hạnh phúc cũng mỉm cười với Phượng khi cậu biết được thông tin về tuyển dụng của Học viện HA.GL – Arsenal JMG và tham gia, rồi trúng tuyển.

Chuyện thành công của Công Phượng giờ đây được người dân địa phương nhắc đến hệt như một câu chuyện cổ tích. Chàng trai xứ Nghệ đang khoác chiếc áo số 10, cùng đội tuyển U19 Việt Nam đi tập huấn ở châu Âu và vừa có chiến thắng 3-0 trước U19 Arsenal.

Theo Vnexpress

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X