Thứ Năm, 28/03/2024Mới nhất
Zalo

Cá độ, tệ nạn phổ biến của cầu thủ Việt

Thứ Bảy 15/09/2012 15:35(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cờ bạc có muôn hình vạn trạng, nhưng cầu thủ Việt chủ yếu dính vào đánh bóng.

Chuyện cầu thủ vỡ nợ vài tỷ đồng vì "bóng bánh" cũng chẳng hiếm gặp, mà thậm chí còn rất phổ biến, trong giới quần đùi áo số đang chơi bóng ở V-League và giải hạng Nhất.

Sau khi vụ việc Huy Hoàng say rượu, mà bị dư luận nghi ngờ là "phê thuốc", xảy ra thì điểm lại mới thấy, có một số cầu thủ của Sông Lam từng dính vào “cái chết trắng”, từng sử dụng các chất kích thích gây nghiện bị cấm, đến nỗi tan nát cả sự nghiệp.

 

Còn một tệ nạn khác từng làm tan nát cả sự nghiệp của cầu thủ, đó là cờ bạc. Trương Đắc Khánh từng là một cầu thủ trẻ rất tiềm năng, từng được triệu tập vào đội trẻ quốc gia, nếu cứ đá tốt, giữ được mình, hẳn giờ đây Đắc Khánh đã có chỗ đứng đàng hoàng ở đội bóng xứ Nghệ.

Thế nhưng, dính vào cờ bạc đỏ đen, vỡ nợ tiền tỷ, Đắc Khánh đã phải bỏ trốn biệt tăm. HLV Nguyễn Hữu Thắng dù muốn cứu, muốn cho ký hợp đồng để Khánh có tiền trả nợ cũng không cứu nổi. Giờ đây, từ một cầu thủ bóng đá có triển vọng, Đắc Khánh phải cam phận trở thành một anh thợ làm nhôm kính.

Chính vì từ máu mê cờ bạc đỏ đen mà cầu thủ mới tính đến chuyện mua bán độ để kiếm tiền trả nợ. Mùa bóng nào của V-League, cứ đến cuối mùa là lại có những trận cầu mờ ám, có những cầu thủ thi đấu với thái độ khác lạ, để cho ra những kết quả cũng khác lạ. Ai cũng thấy rõ, nhưng lại đau đầu vì câu hỏi "bằng chứng đâu".

Cứ đến mỗi mùa giải diễn ra vào năm chẵn, lãnh đạo của các đội bóng lại lo nơm nớp. Sau mỗi vòng chung kết World Cup hay Euro, bên lề các buổi tập của mỗi đội bóng lại có những thông tin kiểu “Nó vừa chết đến cả mấy tỷ”, rồi thì cầu thủ tìm đủ cách đi sang đội khác, kiếm tiền lót tay hợp đồng để trả nợ.

Cầu thủ "bay, lắc" thì có đội, đội không, nhưng việc cầu thủ có “chơi” vài trận bóng thì hầu như đội nào cũng có, thành phần tham gia rất nhiều. Một cầu thủ từng nói: “Bọn em là cầu thủ, thằng nào chả mê bóng bánh. Ban đầu theo các anh đánh một vài trận, cá độ một vài triệu, thấy cũng... hay, cũng vui, rồi dần đánh to lên. Cái món chơi bóng này, dính vào là nghiện lắm, nghiện cứ như nghiện ma túy ấy”. Chuyện một vài cầu thủ "cầm mạng" cho anh em “đánh một tí” là chuyện quá bình thường ở mỗi đội. Một chiếc laptop, hoặc một cái điện thoại di động có nối mạng, có tỷ lệ là cứ thế đánh, nói như một cầu thủ trẻ thì: “Trời còn không biết nữa là lãnh đội”.

Trung vệ Như Thành từng thừa nhận mình có tham gia chơi cá độ, có nợ một khoản tiền, thậm chí thừa nhận luôn cả việc mình có dùng chất kích thích. Những đồng đội của trung vệ này cũng có xác nhận việc “anh Thành có nợ tiền người ta”.

Cờ bạc có muôn hình vạn trạng, nhưng cầu thủ thì chủ yếu dính vào đánh bóng, vì “có liên quan đến chuyên môn”. Vụ việc được phát giác mới nhất là Nguyễn Thành Trung có nhắn tin gạ đồng nghiệp của Đồng Tâm dàn xếp kết quả trận đấu. Sau đó, cầu thủ này đã bị VFF treo giò 5 năm, cấm tham gia các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức.

Vài năm trở lại đây, các trận đấu của V-League cũng có trên các mạng cá độ của các nhà cái quốc tế. Không chỉ dừng ở việc cá độ các trận cầu bóng đá ở các giải vô địch nổi tiếng thế giới, cầu thủ Việt còn “chơi” luôn trên “sân nhà” mình. Thế nên mới có nhiều những trận cầu mà hết trận, cầu thủ quay ra hục hoặc nhau, kiểu “ông đá bể kèo của tôi”, hay cả đội không đá mà mấy ông ngoại binh vẫn cứ “cày” rồi ghi bàn khiến đồng đội nuốt cục tức vào trong.

Một cầu thủ đang nợ vài trăm triệu vì hay đánh bóng ở các trận đấu của giải Ngoại hạng Anh nói: “Đánh bóng qua mạng thế này, ai quay được clip đâu mà lo, chỉ chơi "văn hóa văn nghệ" tý cho vui, xem bóng cho nó nhiệt, có làm sao”.

Không thể thống kê một cách chính xác nhưng trong tất cả loại tệ nạn xã hội, thì có lẽ cờ bạc đỏ đen là thứ tệ nạn mà cầu thủ Việt dính vào nhiều nhất.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X