Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá Argentina trong vòng xoáy bạo lực: Cuộc thánh chiến đơn độc

Chủ Nhật 07/04/2013 19:57(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Monica Nizzardo, một phụ nữ và là chủ tịch tổ chức phi chính phủ Salvemos Al Futbol (Hãy cứu lấy bóng đá, SAF), đã đấu tranh với nền văn hóa bóng đá bạo lực ở Argentina suốt nhiều năm qua, một cuộc thánh chiến đơn độc, can đảm và chưa có tiền lệ.

“Bà ấy can đảm hơn tôi nhiều”, Chủ tịch câu lạc bộ Independiente Javier Cantero nói. Nizzardo mỗi cuối tuần lại đi tới sân bóng, với vũ khí duy nhất là một chiếc máy quay phim, ghi lại những hành vi bạo lực. SAF tập hợp các đoạn phim và hình ảnh của Nizzardo, cùng với băng ghi hình của cảnh sát để truyền đi thông điệp về tình trạng bạo lực hoành hành trên các sân bóng Argentina.

Chủ tịch AFA Julio Grondona
Chủ tịch AFA Julio Grondona

Cuộc thánh chiến của Nizzardo bắt đầu 6 năm trước. “Tôi đang làm ở phòng báo chí của Atlanta (một đội hạng ba), thì một barra từ đội bóng xông vào văn phòng và bắt đầu đập phá đồ đạc bằng một cái búa”, Nizzardo kể lại. “Tôi rất sợ hãi và quyết định báo cáo với cảnh sát, nhưng tôi phải đi một mình vì đồng nghiệp của tôi nói: Tôi không đưa chị đi được, họ biết xe của tôi”.

Bất chấp bị dọa giết, Nizzardo từ chối rút đơn kiện và vụ việc được đưa ra tòa tháng 9/2006, nhưng tay barra, một kẻ đã có tiền sự, được tha do không có ai dám làm chứng. Nizzardo quyết không bỏ cuộc. Không lâu sau sự kiện đó, tháng 2/2007, SAF ra đời. Kể từ đó, tổ chức đã kiện hơn 100 vụ lên nhiều tòa án chống lại các barra, câu lạc bộ, cảnh sát, các quan chức bóng đá và chính quyền vì liên quan trực tiếp hoặc tắc trách với tình trạng bạo lực trong bóng đá.

“Chỉ khoảng 10% vụ kiện được thụ lý”, Nizzardo nói. “Các barra đang ngồi tù vì những tội khác, như buôn ma túy… Sự thật là giờ đây họ (các barra) không còn vì màu cờ sắc áo, họ chỉ đánh nhau vì tiền. Hầu hết các cuộc ẩu đả là trong nội bộ đội bóng”. 

Vụ đụng độ nổi tiếng nhất gần đây là giữa barra của River Plate, Los Borrachos del Tablon (Những kẻ say rượu trên khán đài). Tranh cãi dữ dội năm 2007 giữa các nhóm đối địch trong barra này liên quan tới việc bán tiền đạo ngôi sao của câu lạc bộ Gonzalo Higuain sang Real Madrid dẫn tới vụ án mạng của một barra cấp cao, Gonzalo Acro. 5 người, bao gồm các lãnh đạo Los Borrachos del Tablon, Alan và William Schlenker, bị tuyên án chung thân vì vụ giết người.

Julio Grondona, chủ tịch Liên đoàn bóng đá Argentina (AFA) từ năm 1979 đến nay, một thời kỳ tương đương với 269 vụ chết người liên quan tới bóng đá, nói thản nhiên trên trang web của FIFA khi được hỏi ông có quan ngại gì với bóng đá trong nước hay không: “Không hề”. Grondona  nói bạo lực sân cỏ “đã trở thành vấn đề xã hội”, đẩy trách nhiệm sang phía chính quyền. Mà chính quyền thị lại quá bận rộn.

“Lẽ ra phải có những thay đổi lớn hơn”, Cantero nói. “Tôi đã 54 tuổi và 20 năm trước tôi không thể nào tưởng tượng được hai người đồng tính có thể kết hôn và sinh con ở đất nước này. Nếu như những điều to tát như thế có thể thay đổi, tại sao nền văn hóa bóng đá này lại không?”

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X