Văn Quyến “về vườn” với hai bàn tay trắng ở tuổi 30 sau 14 năm vật lộn với trái bóng, khép lại một cuộc chơi cũng “đen bạc” chẳng kém gì những đồng đội ở U16 năm xưa.
Còn lại Như Thuật và Minh Đức
Trong 11 cái tên thường xuất phát ở đội hình chính U16 Việt Nam thi đấu tại giải U16 châu Á năm 2000, giờ đây chỉ còn đội trưởng Minh Đức và tiền vệ Như Thuật còn trụ lại V-League. Tuy nhiên, chỉ Minh Đức đủ sức chơi bóng đỉnh cao.
Minh Đức lên đội 1 SLNA năm 2003, tức 3 năm sau khi anh cùng U16 Việt Nam giành hạng tư giải U16 châu Á. Thời điểm đó, Đức nhận được sự dìu dắt và tin tưởng rất lớn của HLV Hữu Thắng.Đội hình U16 Việt Nam năm 2000 còn lại Minh Đức (5) và Như Thuật (8) đang chơi ở V-League
Gắn bó với SLNA đến năm 2008 thì ra đầu quân cho V.Hải Phòng. Cũng trong năm này, Minh Đức là kép phụ cho Như Thành, Phước Tứ trên tuyển Việt Nam và cùng đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Calisto giành chức vô địch AFF Cup. Năm 2011, Minh Đức rời V-League xuống hạng Nhất đầu quân cho đội bóng mới nổi của bầu Thụy – XMXT Sài Gòn và cùng đội bóng này lên hạng ngay mùa đầu tiên.
Năm 2013, XMXT Sài Gòn giải tán, Minh Đức trở lại khoác áo đội bóng quê nhà SLNA và hiện tại là ví trí đáng tin cậy nhất trong hệ thống phòng ngự của đội bóng xứ Nghệ dù không còn duy trì được đỉnh cao phong độ.
Cũng về SLNA ở đầu mùa 2013 chính là Như Thuật song Thuật về làm quân dự bị trong bối cảnh SLNA đã mất hết trụ cột, lực lượng trẻ còn thiếu kinh nghiệm. Từng được ví là “tiểu Hồng Sơn” ở vị trí tiền vệ trung tâm nhưng rút cuộc, Thuật mãi là “tiểu” khi chấn thương khiến anh không thể lớn lên được.
Cuối năm 2011, anh dạt vào Bình Định cho đến ngày trở về vẫn không có dấu ấn. Nhắc đến Thuật bây giờ, sẽ khiến nhiều người liên hệ sang những đồng đội năm xưa của anh ở U16 Việt Nam còn “đen bạc” hơn nhiều.
Những người đã dừng lại
Ánh Cường tuổi 16 đá cặp cùng Văn Quyến trên hàng công, nổi bật không kém. Nhưng vì ân tình với mảnh đất quê hương Hà Tĩnh, Cường “que” đã tự thui chột tài năng của mình nơi mảnh đất vốn không có tên trên bản đồ bóng đá. Đến lúc được “thả” đi năm 2004, Ánh Cường đã không còn là chính mình của 4 năm trước.
Về Hòa Phát Hà Nội được 1 năm cầu thủ sinh ra ở đất Kỳ Anh “bị đẩy” vào K.Khánh Hòa theo dạng cho mượn. Ở phố Biển, Ánh Cường bỗng hồi sinh buộc đội bóng thủ đô phải kéo anh về ở mùa sau đó. Nhưng một lần nữa, đất Tràng An không hợp, năm 2007 Ánh Cường lần hai khăn gói vào K.Khánh Hòa theo dạng cho mượn và rồi lại hồi sinh để được trở về cho đến khi chấm dứt mọi chuyện với Hòa Phát Hà Nội sau những bất đồng và án phạt.
Rời Hòa Phát, Anh Cường lần thứ 3 vào phố Biển nhưng thời gian đã không còn chiều lòng người nữa. Ánh Cường chìm dần cho đến khi bị thanh lý hợp đồng phải lặng lẽ khăn gói về quê rồi cũng lặng lẽ giải nghệ cuối năm 2011.
Không nổi cũng không chìm song nghiệp cầu thủ của tiền vệ cánh trái Văn Vinh cũng sóng gió muôn trùng. Văn Vinh rời SLNA về Hòa Phát Hà Nội ngay sau khi phát tiết trong màu áo U16 Việt Nam.
Ăn tập ở cùng lứa trẻ Hòa Phát từ năm 16 tuổi cho tới lúc trở thành đội trưởng đội 1 của đội bóng bầu Long, chẳng ai nghĩa Văn Vinh sẽ có ngày mất nghiệp. Mùa bóng 2011, Hòa Phát giải tán, bầu Kiên mua lại để thi đấu ở V-League 2012 nhưng rồi, ông bầu tóc bạc bị bắt, CLB Bóng đá Hà Nội lại giải thể, Văn Vinh đành giải nghệ.
Lúc giã từ sân cỏ, Vinh chua xót nói: “Vẫn biết ngày giã từ sân cỏ sớm muộn rồi cũng sẽ phải đến nhưng mấy ai nghĩ nó lại diễn ra như thế này. Trong thâm tâm, tôi vẫn muốn làm một công việc gì đó liên quan đến bóng đá khi không còn thi đấu. Tôi chưa sẵn sàng để làm một công việc khác”.
Những cái tên khác của U16 Việt Nam năm 2000 như Lâm Tấn, Quang Tuấn của Đà Nẵng, Khánh Hùng của Hải Phòng thậm chí còn “biến mất” khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam lúc nào ít ai hay.
Mới đây nhất "thần đồng" của lứa U16 này chính là Văn Quyến cũng đã lặng lẽ rời V.Ninh Bình với 2 bàn tay trắng sau 14 năm vật lộn cùng bóng đá. Anh để lại nhiều sự tiếc nuối, nhiều cuốn sách "chợ" một thời đắt như tôm tươi với tiêu đề "Ngôi sao lầm lạc".
Theo VTC