U19 Myamar trở thành đội bóng thứ ba tại khu vực Đông Nam Á sau U19 Indonesia (1979) và Malaysia (1997) giành quyền tham dự giải U20 thế giới. Đây là cột mốc lịch sử cho bóng đá Myanmar, bởi họ chỉ mới cải tổ bóng đá mạnh mẽ từ năm 2005 và có giải chuyên nghiệp từ năm 2009.
Dưới sự chèo lái của Zaw Zaw, bóng đá Myanmar đã thay da đổi thịt, từ việc đào tạo trẻ cho đến bóng đá đỉnh cao. |
Một tháng chi 2 triệu USD cho bóng đá
Zaw Zaw là một trong những ông trùm về kinh tế tại Myanmar, chủ tịch Max Myanmar Group (MMG) một tập đoàn kinh doanh đa ngành từ đá quý, gỗ, xây dựng, cơ khí, giao thông vận tải, du lịch và công nghiệp ngân hàng. Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia), doanh thu hàng năm của MMG lên đến 500 triệu USD.
Có rất nhiều tiền nhưng Zaw Zaw không làm bóng đá theo kiểu “ăn xổi” mà đi từng bước chắc chắn. Ông kêu gọi các doanh nghiệp, đối tác kinh doanh nhảy vào làm bóng đá, tổ chức lại hệ thống giải VĐQG, xây dựng cơ sở vật chất, học viện bóng đá nhiều nơi trên cả nước. Bóng đá Myanmar cất cánh từ những thay đổi đó.
Nói về mức độ chơi trội, Zaw Zaw hơn hẳn bầu Đức. Trong một bài viết trên trang chủ của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) vào năm 2013 có thống kê 1 tháng, Zaw Zaw dành ra 2 triệu USD từ tiền cá nhân cũng như kinh phí của các đối tác để chi cho các hoạt động của MMF, kể từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 làm chủ tịch MMF vào năm 2009.
Tiền đối đối với Zaw Zaw không thành vấn đề. Ông nhảy vào thể thao với mong muốn khôi phục lại thời kỳ hoàng kim của bóng đá Myanmar. “Kể từ khi bắt tay vào làm chủ tịch MMF, tôi hầu như phải tự bỏ tiền túi ra. MMF gần đây có các hợp đồng tài trợ cũng như giúp đỡ từ FIFA nhưng 1 năm có ít nhất 6 đội tuyển chơi ở các giải quốc tế, số tiền đó không thấm tháp gì. Nếu muốn kiếm tiền, tôi sẽ làm kinh doanh”, Zaw Zaw cho biết trên tờ Myanmar Times.
Vị tỷ phú này hiện là thành viên ban điều hành AFC, chủ tịch ban tổ chức các giải đấu trẻ của AFC. Chính ông là người đã có công đưa giải U19 châu Á về Myanmar và tổ chức tại thủ đô mới Nay Pyi Taw, dù trong kế hoạch trước đó giải đấu chỉ diễn ra ở Yangon. Kết quả như thế nào đã rõ, U19 Myanmar đã tận dụng tối đa lợi thế sân nhà để giành vé dự giải U20 thế giới 2015.
Bắt tay với FIFA, liên tiếp mở học viện
Hơn 9 năm làm chủ tịch MMF đến nay, Zaw Zaw đã giúp Myanmar có ít nhất 4 học viện bóng đá tại các thành phố Yangon, Mandalay, Pathein và Taunggyi - thủ phủ của bang Shan. Những dự án này đều có bàn tay đóng góp của FIFA. Uy tín cá nhân cũng như những chính sách phát triển đúng đắn đã thuyết phục được FIFA rót tiền cho những học viện tại đây.
So với Việt Nam, số học viện bóng đá tại Myanmar nhiều hơn. Bên cạnh đó, những trung tâm đào tạo bóng đá còn mọc lên nhan nhản gắn liền với những doanh nghiệp khi họ muốn nhảy vào kinh doanh tại Myanmar. Điển hình trong số đó là trung tâm của công ty viễn thông di động Digicel vừa mở vào giữa năm nay.
John Barnes, cựu danh thủ của Liverpool, đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của bóng đá trẻ Myanmar. Ông cho biết trong ngày khánh thành trung tâm đào tạo bóng đá được tài trợ bởi Digicel: “Chất lượng các cầu thủ trẻ ở đây rất tốt, không thua kém cầu thủ ở Anh hay thậm chí Brazil. Nếu được đào tạo có hệ thống, họ sẽ trở thành những cầu thủ rất xuất sắc trong tương lai”.
Thành công của U19 Myanmar hiện tại là kết quả của 1 quá trình đầu tư lâu dài, trên diện rộng. Thành phần của đội đến từ hơn 10 CLB hiện đang chơi tại giải VĐQG hoặc đào tại tại học viện. Gerd Zeise, HLV của họ đã dẫn dắt các đội bóng trẻ từ lứa U16 - U21 suốt gần 4 năm qua. Myanmar kiên định với mục tiêu và lựa chọn của mình.
Sự kỳ vọng và quan tâm của người dân Myanmar đối với đội U19 còn gấp bội so với Việt Nam. Tại giải U19 ĐNA vừa qua, các nhà đài của Myanmar là những người sốt sắng nhất trong việc thương lượng với MP&Silva để mua bản quyền của giải. Đứng sau lưng U19 Myanmar không chỉ là MMF, Zaw Zaw mà còn có cả Ooredoo, một công ty viễn thông có doanh thu hàng năm lên đến 9 tỷ USD.
Theo Zing