Dàn xếp tỷ số, cưỡng ép ký hợp đồng … là những bê bối đang phủ đen Giải vô địch quốc gia Thái Lan.
Hồi tháng 2 năm nay, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) đã mở chiến dịch điều tra cáo buộc trận chung kết Giải vô địch quốc gia giữa Buriram United và Army United có “mùi”.
Bóng đá Thái Lan vẫn đang chìm trong bê bối
Nghi vấn xuất phát từ tiết lộ của trọng tài người Nhật Bản bắt chính trong trận đấu Yoshida Toshimitsu, rằng ông đã nhận được một đề nghị hối lộ để bắt theo hướng có lợi cho một trong hai đội bóng.
Việc dùng tiền để “mua chuộc” và vấn nạn tham nhũng dường như đã thành “truyền thống” của bóng đá Thái Lan. Một số Chủ tịch đội bóng hoặc lãnh đạo các CLB theo kiểu “gia đình trị” đã dính cáo buộc và trong một số trường hợp bị kết tội tham ô, gian lận hoặc biển thủ.
Bỏ chính trường đầu tư vào bóng đá
Sau những biến cố chính trị ở Thái Lan, một số chính trị gia bị cấm hoạt động, nhưng họ tìm cách duy trì danh tiếng, tạo đà chờ ngày trở lại. Tham gia vào Giải bóng đá vô địch quốc gia Thái Lan là cách mà họ lựa chọn.
Có thể kể tên ra một số nhân vật như Newin Chidchob - Chủ tịch của CLB hàng đầu Buriram, Anucha Nakasia- Chủ tịch CLB Chainat hay Sontaya Kunplome- cổ đông lớn nhất của Pattaya United. Tất cả đều là thành viên của những dòng tộc có danh tiếng và quyền lực tại Thái Lan và nằm trong số các chính trị gia bị cấm hoạt động.
Được các “đại gia” rót tiền, bóng đá Thái Lan bắt đầu chuyển biến rõ rệt. Tiền bạc từ ông chủ giúp các CLB Thái Lan có thể mua về các cầu thủ từ những giải đấu hàng đầu châu Âu trong đó có ít nhất là cả tá cầu thủ đến từ Anh, Tây Ban Nha, Đức và Pháp. Ngay cả cựu tiền đạo Robbie Fowler của Liverpool và cựu HLV ĐT Anh Sven Goran Eriksson cũng bước ân tới Thái Lan sau chiến dịch quảng cáo lớn chưa từng có cách đây 5 năm, kết hợp giữa các nhà tài trợ và hãng truyền hình nhằm tăng tầm ảnh hưởng của giải đấu.
Vừa đấm vừa xoa
Các ông chủ cũng đầu tư ồ ạt vào việc xây mới hàng chục sân vận động và nâng cấp những cái hiện đó. Tuy nhiên, cầu thủ nổi danh, sân vận động đẹp chẳng thể kéo được khán giả đến với túc cầu bởi chất lượng giải đấu chẳng hề được nâng cao. Theo ghi nhận của năm 2012, lượng khán giả tại Giải vô địch quốc gia trung bình vào khoảng 4.500 người/trận, chỉ chiếm 33% tổng sức chứa của sân.
Chẳng những vậy, túc cầu Thái còn bị chìm trong bê bối. Một cầu thủ chơi bóng ở đây hé lộ với hãng thông tấn EFE một sự thật gây sốc. “Có một lần Chủ tịch của đội bóng chúng tôi bước vào phòng thay đồ với những vệ sĩ có trang bị súng ngắn. Trước sự đe dọa đó, một số cầu thủ phải miễn cưỡng ký vào bản gia hạn hợp đồng”.
Ép buộc, dọa nạt cầu thủ để đạt được mục đích về hợp đồng. Nhưng trước các trận đấu quan trọng, đại diện của BLĐ sẽ đến gặp cầu thủ, hứa với họ rằng “nếu giành chiến thắng sẽ được thưởng nhiều tiền, đãi tiệc ở những nơi xa xỉ bậc nhất Bangkok với rượu và gái”, một cầu thủ khác hé lộ.Và để đạt được thành công, ông chủ các đội bóng không từ một thủ đoạn nào. Họ tìm cách mua chuộc cầu thủ của đội bóng đối phương hòng có thể thay đổi con số trên bảng điện tử của trận đấu và vô vàn những trò khác nữa để rồi bóng đá Thái ngày càng yếu đi còn các quan chức làng bóng đá thì thường xuyên lên báo đáp trả lại các các buộc chống lại mình.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)_