Thứ Bảy, 27/04/2024Mới nhất
Zalo

Anh em nhà Trần Minh (…): Có một gia đình bóng đá như thế

Thứ Bảy 26/05/2012 15:59(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Một đường lật vào từ cánh phải tạo thành hình quả chuối, một cái bóng áo xanh băng lên như tên bắn, bật nhảy và lắc đầu. Mành lưới của đối thủ rung lên, sau pha lên đầu sở trường của Hai Khánh. Một trận bóng phong trào và chúng tôi đang nói về Trần Minh Khánh, người mà anh em thân thiết vẫn gọi bằng cái tên anh Hai.

Hai Khánh chính là anh cả trong gia đình họ Trần Minh, với Trần Minh Chiến và thêm ít nhất 3 người anh em ruột khác từng chơi bóng chuyên nghiệp. Điều đáng nói là phần lớn anh em nhà họ đều sở trường chơi tiền đạo với kỹ năng băng cắt đánh đầu và bắt vô-lê (kiểu “ngả bàn đèn”) cự phách.

Bố bóng chuyền sinh con bóng đá

Trong số 7 người con trong gia đình gốc Huế của ông Trần Văn Cửu (cựu HLV trưởng ĐT bóng chuyền Sở Thương nghiệp TP.HCM trước đây), có đến 6 gã đàn ông mà theo lời ông Cửu là “nghịch như quỷ sứ”. Trong đó, Trần Minh Khánh là anh cả, kế đến Trần Minh Huy (cựu cầu thủ Hải Quan), đến Trần Minh Đức, Trần Minh Trung (từng có thời gian chơi bóng cho Công an TP.HCM và sau đó là Hải Quan), rồi Trần Minh Chiến (cựu cầu thủ Công an TP.HCM và ĐTQG như tất cả đều biết) và cậu em út Trần Minh Thắng (cựu cầu thủ QK7). Họ giống nhau như những giọt nước và phần lớn đều thành danh ở các cấp độ khác nhau.

Khánh (Trần Minh Khánh), thứ 2 hàng đứng, từ phải qua, trong một trận bóng phong trào mà anh chính là ông bầu của đội
Khánh (Trần Minh Khánh), thứ 2 hàng đứng, từ phải qua, trong một trận bóng phong trào mà anh chính là ông bầu của đội

“Anh em chúng tôi, mỗi người mỗi vẻ, nhưng tóm lại đều thừa hưởng “gen” thể thao của ông già, vốn là một cựu VĐV và HLV bóng chuyền có tiếng, để lại. Tôi từng có thời gian theo chân ông cụ tập tành bóng chuyền, nhưng rồi phải nghỉ ngang để mưu sinh. Dõi theo từng bước chân của 5 người em, tôi thực sự đánh cao Minh Huy (chứ không phải Minh Chiến, tiền đạo nức tiếng một thời-PV). Huy có kỹ thuật toàn diện và ngày đó, dù chỉ mới được đôn lên đội một, nhưng cậu ấy đã “lấy số” của đàn anh Nguyễn Văn Thành”, câu chuyện bên lề một trận bóng phong trào với Hai Khánh.

Đã gặp, quen biết và là “đồng đội” của nhau trên các sân bóng phong trào từ nhiều năm qua, nhưng rất ít khi chúng tôi đề cập đến chuyện gia đình hay góc khuất, cho đến một lần người viết được thi đấu cạnh 3/6 anh em nhà họ Trần Minh, ý tưởng về một bài báo về họ bắt đầu được phôi thai. Trận đó, ông anh cả Trần Minh Khánh đá trung phong cắm, với 2 ông em là Trần Minh Chiến và Trần Minh Thắng đá hộ công. Hầu hết anh em nhà Trần Minh đều sở hữu chiêu độc gần như không có phiên bản: khả năng băng cắt và lên đầu trong khu vực cấm địa của đối phương, với tầm sát thương rất cao, giống như chủ công trong bóng chuyền vậy.

“Dù chỉ chơi phong trào, nhưng chúng tôi đã nghĩ Trần Minh Khánh mới là người chơi đầu hay nhất trong số các anh em, với rất nhiều các bàn thắng và phần lớn đều được thực hiện bằng đầu”, người viết đặt vấn đề với ông anh cả. “Không phải tôi, mà Minh Chiến mới là người lên đầu hay nhất trong nhà. Kỹ năng băng cắt, chọn điểm rơi, tạo độ dừng trên không và lắc đầu hiểm hóc, của Minh Chiến, thực sự là hàng hiếm. Trước Chiến, tôi mới chỉ biết và được xem một trung phong hoạt động trong khu vực cấm địa kiểu này, đó là Phan Thanh Hùng (cựu cầu thủ Đà Nẵng và hiện đang là đương kim HLV trưởng ĐTQG cũng như CLB HN.T&T-PV)”.

Cả một tủ báo về Trần Minh Chiến

Soi lại từng cái tên một trong gia đình nhà Trần Minh, rõ ràng cậu em thứ Trần Minh Chiến là người nổi danh nhất, dù ngắn ngủi. Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cho đến khi treo giầy (năm 1996 và Chiến lúc đó chỉ mới ở tuổi 22), nhưng có đến cả trăm bàn thắng mà Minh Chiến từng ghi được, trong màu áo Công an TP.HCM trước đây cũng như sắc áo ĐTQG. Cho đến bây giờ, cú bắt vôlê bóng sống rung mành lưới Myanmar của Trần Minh Chiến trong trận bán kết SEA Games 1995 ở Chiang Mai (Thái Lan) để đưa ĐTQG vào chơi trận chung kết vẫn là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp ngắn ngủi của anh.

“Người hâm mộ cứ mải nói tới pha ghi bàn đó của Minh Chiến, không chỉ bởi bàn thắng mang tính bước ngoặt lịch sử của bóng đá VN trên trường quốc tế, mà phần nữa nó cũng là khoảnh khắc cuối cùng trong sự nghiệp chơi bóng đỉnh cao Chiến tỏa sáng. Không thể đổ thừa cho số phận nhưng tôi nghĩ cậu ấy hơi bạc mệnh. Năm lần bảy lượt lên bàn mổ không cứu vãn được nghịch cảnh. Việc chấp nhận thực tại vào thời điểm vàng son ấy là điều không dễ dàng. Tôi đã chứng kiến nhiều lần cậu em mình rơi lệ”, vẫn câu chuyện nối tiếp câu chuyện với người anh cả Trần Minh Khánh về gia đình và về những người em yêu nghiệp quần đùi áo số.

Theo tả lại của Hai Khánh, cho đến bây giờ ông cụ thân sinh vẫn còn lưu cả mấy chồng báo viết về Trần Minh Chiến trong khoảng thời gian chân sút hào hoa này thăng hoa. “Thời điểm những năm 90 không có nhiều đầu báo thể thao như bây giờ đâu. Nhưng tôi không hiểu tại sao và bằng cách nào, ông cụ nhà tôi lại sưu tầm được lắm báo đến vậy, với những bài viết, những mẩu chuyện bên lề, đời thường của Trần Minh Chiến. Ông đã từng xem số sách báo ấy như báu vật và nói thật, lúc đó anh em chúng tôi cũng đã có chút chạnh lòng, ganh tị với Chiến. Nhưng giọt máu đào mà…”, lời kể xen lẫn niềm tự hào của người anh cả.

Vui vẻ, hài hước và khá hòa đồng, Minh Chiến ngoài đời lúc này khác hẳn với sự băm bổ, liều mình như chẳng có trong các trận đấu thời anh còn ở đỉnh cao sự nghiệp. Đó là cảm nhận của chúng tôi, bên cạnh mấy cốc bia cỏ, sau mỗi trận bóng “phủi”, hoặc sau giờ lên lớp của Minh Chiến (cần nói thêm, Minh Chiến đang là “sếp” của nhóm các HLV cũng đến chục người, đều là những cựu tuyển thủ QG đang huấn luyện các lớp năng khiếu của Quỹ phát triển tài năng bóng đá PVF-PV). Nhưng khá lạ lùng là Chiến rất hiếm khi đề cập đến quá khứ, dù nó có là niềm tự hào của gia đình và của chính mình. Bởi cứ nhắc lại là đau!

Cuộc đời gắn chặt lấy quả bóng

Trần Minh Huy sau khi chia tay Hải Quan vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước đã qua Mỹ định cư; Trần Minh Trung là của hiếm khi từng khoác áo của cả Công an TP.HCM và Hải Quan, những kình địch một thời của nhau khi bóng đá Sài Gòn còn đang vượng; Trần Minh Chiến như đã nhắc ở trên và cậu em út Trần Minh Thắng, sinh năm 1977, nhưng đã từ giã sự nghiệp từ cách đây hơn nửa thập niên, khi QK7 xuống hạng và giải thể... Phần lớn anh em nhà Trần Minh đều chỉ có một sự nghiệp thi đấu khá ngắn ngủi với quả bóng tròn. Đó phải chăng cũng là một định mệnh, với Minh Chiến là viện dẫn tiêu biểu nhất?!

Trong khi ông anh cả Trần Minh Khánh, dù ở tuổi xấp xỉ ngũ tuần, vẫn là “ông vua không chiến” (và tất nhiên là… không ngai) tại các sân bóng phong trào 11 người khắp TP.HCM, thì cả Minh Trung và Minh Thắng cũng thi thoảng xách giầy đi đá “phủi”; còn Minh Chiến nhận trọng trách lớn lao tại các lớp đào tạo tài năng bóng đá PVF, từ cách đây vài năm và giờ bắt đầu thành hình rồi. Hai Khánh vốn kinh doanh đồ nội thất, Minh Trung làm bên hãng taxi và Minh Chiến tưởng như đã có lúc đoạn tuyệt với sân cỏ, với quả bóng…, nhưng ngay lúc này, cuộc sống và thú vui tao nhã của anh em nhà họ vẫn luôn là trái banh.

“Đã bén duyên với quả bóng rồi, không dứt ra được, dù có ở cấp phong trào hay đỉnh cao. Giờ anh em chúng tôi dù không còn ở chung căn nhà bên Đặng Văn Ngữ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nữa và dù mỗi người một nghề, nhưng vẫn thi thoảng gặp nhau, hỏi han và… đá bóng. Có cả những trận đấu đến 4-5 anh em chúng tôi chơi cùng một đội và cũng có những trận, tôi, Chiến và Thắng đứng ở những “chiến tuyến” khác nhau. Chiến đang có một công việc nghiêm túc ở Học viện bóng đá và cậu ấy là người duy nhất trong gia đình còn gắn với nghiệp bóng banh. Nếu Chiến có thành công, thì đó cũng là sự bù đắp của cuộc sống”.

Khác với phần lớn các đồng đội cùng “thế hệ vàng” trực chỉ bóng đá đỉnh cao cho sự nghiệp huấn luyện, Minh Chiến vào nghề muộn hơn và chỉ muốn chuyên tâm với bóng đá trẻ. Chả thế mà Chiến từng hơn một lần từ chối những đề nghị từ các CLB chuyên nghiệp. Hỏi tại sao lại thế, Minh Chiến chỉ cười hiền và rằng: “Có lẽ bởi tôi yêu trẻ con”. Cộng tác với Minh Chiến ở các lớp bóng đá trẻ PVF còn có Hữu Đang, Hiền Vinh, Đoàn Hoàng Sơn, Ngọc Thọ, Giang Thành Thông…, toàn những gương mặt cựu trào cả, với việc ngày ngày lên lớp dạy bọn trẻ đá bóng. Điều đó thật đáng được ghi nhận.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X