Thứ Bảy, 23/11/2024Mới nhất
Zalo

Ám ảnh vấn đề bản quyền truyền hình

Thứ Tư 26/09/2012 13:32(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Mấy năm nay cụm từ “bản quyền truyền hình” đã trở thành nỗi ám ảnh với không ít người hâm mộ bóng đá Việt Nam, bởi từ chỗ là món ăn tinh thần phổ biến và quen thuộc của mọi tầng lớp nhân dân, bóng đá bây giờ ngày càng có dấu hiệu trở thành một thú vui xa xỉ, khi chi phí bản quyền truyền hình đang bị đẩy cao tới mức độ kinh hoàng.

Mới tuần trước, CĐV Việt Nam còn choáng váng với thông tin nhà cung cấp bản quyền truyền hình AFF Cup 2012 thét giá bản quyền là 1,4 triệu USD cho các đài truyền hình Việt Nam, tăng gấp… 14 lần so với cách đây 5 năm. Và khi cơn ác mộng có tên bản quyền truyền hình AFF Cup 2012 còn chưa bị xua tan thì lại tới nỗi lo về giải Ngoại hạng Anh, khi các nhà cung cấp bản quyền truyền hình nước ngoài chuẩn bị mang “máy chém” tới Việt Nam để “làm thịt” các đài truyền hình trong nước.

Cách đây 3 tháng, BTC giải Ngoại hạng Anh đã hoàn tất thương vụ bán bản quyền truyền hình Premier League trong 3 mùa giải (từ 2013/14 tới 2015/16) cho “liên danh” BT và BskyB với giá 3 tỷ bảng, con số không chỉ làm sửng sốt giới truyền thông nước Anh mà ngay cả với người trong cuộc, khi bản thân GĐĐH Premier League Richard Scudamore phải thú nhận trên BBC rằng ông cảm thấy ngạc nhiên khi thu về số tiền bản quyền truyền hình khổng lồ như vậy.

Những trận đấu có sự góp mặt của ĐT Việt Nam luôn được chào bán rất đắt
Những trận đấu có sự góp mặt của ĐT Việt Nam luôn được chào bán rất đắt

Ông Scudamore ngạc nhiên cũng phải, bởi trước đây “liên danh” BSkyB và ESPN cũng “chỉ” trả cho BTC giải Ngoại hạng Anh có gần 1,8 tỷ bảng cho hợp đồng 3 năm hiện tại (từ 2010/2011 tới 2012/2013), thế mà “liên danh” BT và BskyB lại chấp nhận ký hợp đồng với số tiền tăng lên tới 70% để giành lấy quyền phát sóng Premier League trong 3 mùa bóng sắp tới.

Không chỉ thiết lập kỷ lục mới về giá cả, cuộc đấu giá bản quyền phát sóng trực tiếp giải Ngoại hạng Anh vừa qua ở Anh còn chứng kiến một cú sốc khác khi ông lớn truyền hình thể thao Mỹ ESPN phải vẫy cờ trắng vì không thể đọ nổi giá cả với “liên danh” BT và BskyB, như lời thú nhận đầy chua chát của người phát ngôn ESPN: “Chúng tôi đã đưa ra mức giá mà chúng tôi nghĩ là rất tốt theo quan điểm kinh doanh của ESPN, và chúng tôi xin cảm ơn BTC Premier League vì đã tạo cơ hội cho chúng tôi tham dự cuộc đấu giá này”.

Dông dài như thế để thấy rằng không chỉ riêng thị trường Việt Nam mà cả với thị trường nội địa, BTC giải Ngoại hạng Anh cũng sẵn sàng sử dụng “máy chém” nếu có cơ hội, cho dù dư luận tại Anh không hề hào hứng với việc bản quyền truyền hình Premier League tăng cao với tốc độ phi mã. Bằng chứng là ngay sau khi các chuyên gia phân tích đưa ra nhận định “liên danh” BT và BskyB đã mua bản quyền phát sóng trực tiếp giải Ngoại hạng Anh với giá quá cao, cổ phiếu của BskyB đã giảm 6,7% và cổ phiếu của BT cũng giảm 4% trong phiên giao dịch sớm ở ngay ngày hôm sau.

Phản ứng như vậy của dư luận Anh cũng rất dễ lý giải, bởi việc bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh tăng cao chỉ mang lại lợi nhuận cho các CLB và cầu thủ, còn người hâm mộ sẽ phải chịu thiệt đơn thiệt kép, khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình gần như chắc chắn sẽ tìm trăm phương nghìn kế để bù lại số tiền khổng lồ mà họ đã chi ra để mua bản quyền phát sóng trực tiếp giải Ngoại hạng Anh.

Từ câu chuyện mua bán bản quyền truyền hình ở nước Anh cũng có thể dự báo cuộc chiến sắp tới giữa các đài truyền hình Việt Nam với những nhà cung cấp bản quyền nước ngoài sẽ khốc liệt đến mức độ nào, mà nếu chúng ta không tỉnh táo và sáng suốt thì có thể sẽ phải chịu thiệt hại rất lớn. Với triết lý kinh doanh thực dụng của các nhà cung cấp bản quyền truyền hình nước ngoài, chắc chắn họ sẽ tìm cách bán bằng được sản phẩm của mình, nên chúng ta không sợ không mua được bản quyền, vấn đề cốt yếu bây giờ là các đài truyền hình trong nước phối hợp làm sao để đưa được bản quyền về với người hâm mộ bằng mức giá hợp lý nhất, tránh tình trạng “gà nhà đá nhau” để rồi “người ngoài” hưởng lợi như mấy năm vừa qua.

Ngay cả người Anh còn không ủng hộ việc bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh được bán với giá bán quá đắt đỏ, thì chẳng có lý do gì người hâm mộ Việt Nam phải chấp nhận bị “chém đẹp” chỉ để được thoả mãn món ăn tinh thần từ “bữa tiệc bóng đá” mang tên Premier League. Câu trả lời và quyền quyết định đang nằm trong tay các nhà đài, còn người hâm mộ chỉ biết chờ đợi và hy vọng mà thôi.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X