Ai Cập tiếp tục rơi vào cảnh hỗn loạn theo sau phán quyết của tòa án liên quan tới vụ bạo loạn sân cỏ năm 2012.
Ngày 2/2 năm ngoái, làng bóng đá Ai Cập và thế giới chìm trong tang thương bởi sau trận cầu giữa Al-Masry và Al-Ahly tại thành phố Port Said khép lại, CĐV hai đội đã tràn xuống sân và gây ra cuộc bạo loạn chưa từng thấy, khiến 74 người bị chết và khoảng 1.000 người khác bị thương.
Đó là thảm họa chưa từng có trong lịch sử bóng đá Ai Cập và Liên đoàn bóng đá nước này đã tuyên bố đình chỉ toàn bộ các giải đấu. Vào đầu năm nay, vụ án đã được Tòa án Ai Cập đem ra xét xử, tuyên bố tử hình với 21 CĐV được cho là “đầu trò” của vụ bạo loạn này. Bên cạnh đó, có 5 người bị án chung thân, 10 người chịu các mức án tù khác nhau và 28 người trắng án. Đáng chú ý, trong số 9 cảnh sát bị đem ra xét xử, có tới 7 người được tuyên trắng án và hai người còn lại chỉ bị mức án 15 năm tù.
Đến phiên xét xử hôm 8/3 vừa qua, Tòa án Tối cao Ai Cập giữ nguyên mức án đã tuyên trước đó. Phán quyết đó đã tạo nên sự phẫn nộ và bạo động đã nổ ra. Vào ngày hôm qua (9/3), nhiều trụ sở của các cơ quan công quyền tại Ai Cập đã bị hooligan đập phá. Thậm chí, trụ sở của Liên đoàn bóng đá còn bị phóng hỏa.
Theo tin từ BBC, đã có hai người thiệt mạng trong vụ đụng độ giữa fan và cảnh sát ở Cairo. Một người bị ngộ độc khí ga còn người còn lại bị cảnh sát bắn chết. Ở Port Sail, fan cũng nổi giận khi những người bị y án tử hình đều là người hâm mộ của đội bóng địa phương al-Masri.
Thậm chí, một số người biểu tình còn cố gắng cô lập kênh đào Suez bằng cách tháo neo các con thuyền đỗ ở bến cảng cho chúng trôi dạt trong khi những người khác cố tình làm gián đoạn giao thông đường thủy lẫn đường bộ. Chính phủ Ai Cập đã phải huy động quân đội cùng với sự hỗ trợ của xe tăng và máy bay quân sự để ngăn chặn đám đông gây thêm thiệt hại về tính mạng và của cải.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)