Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

Adidas cướp "bảo kiếm" Arsenal, thống trị châu Âu?

Thứ Sáu 02/11/2012 17:24(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Arsenal, bên cạnh Barcelona và Man United bấy lâu nay vẫn được coi như “bảo kiếm” của Nike để chinh phục thị phần đồ thể thao thế giới. Nhưng kẻ thù số một của họ, Adidas, đang lên kế hoạch cướp quyền quảng cáo ở CLB này.

Thù này ắt hẳn còn lâu

Adidas và Nike đã cạnh tranh ngôi vị “Nhà sản xuất đồ thể thao lớn nhất thế giới” suốt 2 thập kỷ qua. Trong khi Nike từ nước Mỹ đổ tiền bạc qua Đại Tây Dương để chinh phục thị trường châu Âu, thì Adidas lại phản công bằng những chiến dịch marketing quy mô trên chính lãnh địa của đối phương. Kết quả khá trớ trêu: Adidas chiếm tới 50% thị phần nước Mỹ, vốn là quê hương của Nike.

Nhưng trên thị trường Đức, vốn tưởng như bất khả xâm phạm, họ lại cũng chỉ chiếm... 50%. Dù phần còn lại trong miếng bánh Đức không thuộc hoàn toàn về Nike, mà phải chia sẻ cho cả Puma, Kappa và các hãng nhỏ khác, nhưng đây cũng đáng bị xem là một thất bại trên sân nhà.

 

Cuộc tấn công nổi tiếng nhất mà Nike từng thực hiện để nhắm vào Adidas diễn ra vào năm 2007. Một cuộc công phá tàn bạo, nhắm vào chính đội tuyển Đức, đứa con cưng và là bộ mặt của Adidas trong lĩnh vực bóng đá. Đó không phải là một hợp đồng kinh tế đơn thuần, mà là một âm mưu triệt hạ. Nike sẵn sàng chi ra tới 500 triệu euro trong vòng 8 năm, nghĩa là lập một kỷ lục mới về tài trợ áo thi đấu để đội tuyển Đức mặc những chiếc áo của họ.

Một hoạt cảnh bi hài, vì thời điểm Nike đến đặt vấn đề với LĐBĐ Đức, thì tổng giám đốc Herbert Hainer của Adidas lại đang... ở Mỹ để tìm cách chiếm thêm thị phần trên sân của Nike. Thông tin lạnh gáy được bắn sang. Ngay trong ngày, ông Hainer bay trở về Đức để tới làm việc với các lãnh đạo liên đoàn. Lúc đó, hợp đồng tài trợ cho LĐBĐ Đức của Adidas chỉ có giá trị bằng một nửa con số mà Nike đang đề nghị.

Một tháng sau, Adidas tuyên bố chiến thắng: đội tuyển Đức vẫn sẽ tiếp tục nằm dưới sự bảo trợ của họ. Người ta hiểu rằng LĐBĐ Đức muốn giữ sự tự tôn dân tộc, vốn là một đặc tính nổi trội của người Đức. Nhưng cũng không ai biết Hainer đã có những động tác “hành lang” gì với các lãnh đạo bóng đá nước này. Cuộc phòng ngự ngoạn mục ấy ắt hẳn không chỉ tốn nước bọt.

“Mối thù” này, Adidas chưa quên. Và cuộc phản công được thực hiện 5 năm sau, nhắm vào một trong những vũ khí nguy hiểm nhất của Nike trên mặt trận áo thi đấu: Arsenal.

Trong tay Nike hiện có 3 thanh bảo kiếm ở cấp CLB: Barca, Man United và Arsenal. Đây là 3 đội bóng tiêu thụ nhiều áo đấu cho Nike nhất thế giới. Mỗi năm, họ giúp cho Nike bán tới 800.000 chiếc áo. Trong lĩnh vực bóng đá, Premiership là địa hạt vô cùng quan trọng, bởi nó là giải đấu có lượng khán giả theo dõi thường xuyên lớn nhất hành tinh. Hiện tại, thế cân bằng đang được xác lập: Nike và Adidas đều đang sở hữu 5 CLB dưới trướng. Nhưng nếu Adidas “cướp” được Arsenal, cục diện sẽ đổi chiều hoàn toàn.

Một hợp đồng trị giá 25 triệu bảng/mùa, tức là gấp đôi số tiền 13 triệu bảng/mùa mà Nike đang trả cho Arsenal đã được đặt lên bàn. Một kịch bản giống hệt như khi Nike tiến công năm 2007 được diễn lại, chỉ có điều lần này, sẽ khó mà có chuyện ông chủ Stan Kroenke của Arsenal từ chối món hời chỉ vì “lòng tự hào dân tộc”.
 
Vũ Long - Bóng đá & cuộc sống

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X