Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

World Cup vẫn cần có ngôi sao

Chủ Nhật 01/06/2014 22:39(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Vì sao Argentina thất bại tại World Cup 2010, với cầu thủ số một thế giới Lionel Messi trong đội hình? Tương tự là câu hỏi nhằm vào ĐT Brazil và ngôi sao Ronaldinho tại World Cup 2006?

1. Những câu hỏi ấy ngả về... văn học nhiều hơn toán học hay vật lý. Đấy là khoa học xã hội hơn là khoa học tự nhiên. Có nghĩa, chúng ta không thể thống nhất câu trả lời theo kiểu “hai 5 rõ 10”. Chỉ có cách lý giải thuyết phục, hợp lý hay không, chứ chẳng có chuyện đúng hay sai.

Một cách tổng quát: khi một ngôi sao không thể kéo cả đội bóng đến thành công ở trận địa World Cup thì trước tiên, còn phải xác định thế nào là “ngôi sao” hoặc thế nào là “thành công”. Không dễ, bởi tính ước lệ quá cao của những phạm trù ấy. Một ví dụ nhỏ: có thể cho rằng TBN liên tiếp vô địch EURO 2008, World Cup 2010, EURO 2012 vì họ có những cầu thủ thích hợp nhất với lối chơi của họ, và họ không cần phải có ngôi sao (hoặc những cầu thủ giỏi nhất). Chút phản biện: tại sao không nói Xavi, Iniesta, Busquets, Pique... chính là những cầu thủ hay nhất, là những ngôi sao sáng nhất trong lối chơi tiqui-taca?

 

2. Bóng đá trở thành môn thể thao hấp dẫn nhất, có sức lôi cuốn mạnh mẽ nhất, chính vì trong bóng đá luôn có những câu hỏi như vậy. Trận đấu không gói gọn trong 90 phút trên sân mà nó sống mãi trên mặt báo, trong những cuộc trà dư tửu hậu. Nó gây tranh luận, và trong phần lớn trường hợp thì đấy là chuyện tranh luận đến vô cùng.

Dù sao đi nữa, vẫn có những điều hết sức rõ ràng. Chẳng hạn, bóng đá trước tiên là môn thể thao đồng đội. Khi đã là môn đồng đội, người ta phải thi đấu theo chiến thuật là chính. Một đội yếu, theo nghĩa thua hẳn đối phương khi xét tài năng của từng cầu thủ trên sân, vẫn có thể không thua, thậm chí bất ngờ chiến thắng, nếu có chiến thuật hợp lý.

Nhưng bóng đá vẫn cần, và thường xuyên có mẫu cá nhân nổi bật - tức ngôi sao. Người ta có thể chiến thắng khi trong đội không có ngôi sao, nhưng điều đó không có nghĩa là các đội như thế chủ trương không dùng hoặc không muốn có ngôi sao.

3. Mấu chốt của vấn đề là việc sử dụng ngôi sao như thế nào. Cá nhân tôi luôn cho rằng Argentina thất bại tại World Cup 2010 vì không biết cách khai thác tài năng của Messi; Brazil thất bại tại World Cup 2006 vì sử dụng Ronaldinho một cách không hợp lý, hơn là cá nhân các ngôi sao Ronaldinho, Messi thất bại ở 2 kỳ World Cup ấy.

Sự tồn tại của ngôi sao trong các đội bóng dĩ nhiên cũng luôn có tính hai mặt, thậm chí là rất nhiều mặt. Ngôi sao có thể tự mình giải quyết tình trạng bế tắc trong chiến thuật chung. Anh ta có thể là chỗ dựa, là niềm tin, nguồn động viên cho toàn đội. Nhưng anh ta lại có thể là đầu mối dẫn đến những sự bất hòa, đố kỵ. Ngôi sao có thể là nền tảng, cơ sở để HLV phát triển cả một chiến thuật, lối đá chung cho toàn đội. Nhưng cũng vì thế, đối thủ có thể nhìn vào ngôi sao để “bắt bài”, vô hiệu hóa lối chơi toàn đội. Sử dụng ngôi sao thế nào để có hiệu quả tốt nhất chẳng phải là chuyện dễ dàng.

Cuối cùng, ngôi sao ở đấu trường CLB - thi đấu quanh năm, cho phép biểu diễn, và được phép sẩy chân trong vài trận đấu - khác hẳn ngôi sao ở đấu trường World Cup với vỏn vẹn vài trận và không được phép sẩy chân vì có thể về nước chỉ sau một trận thua. Đấy là khác biệt lớn, liên quan chặt chẽ đến cách sử dụng ngôi sao ở đấu trường World Cup.

Nói gì thì nói, World Cup hay bóng đá nói chung, luôn cần có ngôi sao - kể cả mẫu ngôi sao thất bại.

Theo Bongdaplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X