Một World Cup nhạt màu
Nếu như có ai đó hỏi về một đội bóng thật sự để lại ấn tượng và làm hài lòng người xem tại World Cup lần này, chắc hẳn không ít người sẽ phải nhíu mày suy nghĩ trong giây lát. Kể từ đầu World Cup tới giờ, người ta vẫn thường nhắc tới những cụm từ như “thất vọng”, “nhạt nhoà” với những đội bóng được coi là ƯCV vô địch trước giải đấu, bởi một sự thật đơn giản, họ đã đánh mất bản sắc của chính mình.
Hãy thử nhìn vào Tây Ban Nha và Italia, hai gương mặt sáng giá trước thềm World Cup nhưng đã phải về nước đầy tủi hổ ngay sau khi kết thúc vòng bảng.
Người ta không còn thấy Tây Ban Nha chơi bóng một chạm tiki taka giống như họ đã làm 4 năm trước. Vẫn những con người đó, HLV đó và cả cách vận hành đó, nhưng lối chơi của Tây Ban Nha giờ đây làm người ta phát ngán với hàng chục những đường chuyền qua lại ở giữa sân. Người Tây Ban Nha vốn cuồng nhiệt là thế, nhưng họ cũng đã đánh mất niềm khao khát chơi bóng của mình sau khi đã quá no nê với những chiến thắng.
Còn Italia, những người vẫn vỗ ngực tự xưng với lối đá chắc chắn và sự lạnh lùng đã gục ngã ngay khi đang nắm lợi thế trong tay, không những một mà là tới hai lần. Khi hàng thủ Italia bất lực trước Bryan Ruiz hay Diego Godin, các CĐV mới lại cảm thấy nhớ những Gentile, Baresi, Maldini hay Cannavaro. Đó là những người thủ lĩnh thực sự nơi hàng thủ, những người tạo nên lối đá Catenaccio trứ danh của người Ý.
Ngay kể cả khi nhìn vào màn trình diễn của 4 đội mạnh nhất, người xem cũng khó lòng có thể nhận ra những lối đá đã trở thành “thương hiệu” của họ. Brazil đã quên mất cách nhảy Samba khi chỉ có Neymar thật sự biểu diễn với trái bóng. Và rồi Nemar cũng đã rời giải đấu, người ta tự hỏi Scolari liệu sẽ xoay sở như thế nào với đội ngũ “công nhân” của mình? Argentina cũng đã thi đấu với đội hình "Messi và các cầu thủ còn lại", và ngay cả khi Higuain vụt sáng với cú vuốt bóng mẫu mực ở trận tứ kết, người ta cũng thấy trước đó Messi đã giữ bóng tốt như thế nào trong vòng vây của các cầu thủ Bỉ để tạo khoảng trống cho đồng đội. Hà Lan không còn “tổng lực” mà thay vào đó là lối chơi đầy toan tính, còn Đức cũng đã không còn chất thép và sự lì lợm như xưa.
Nguyên nhân là từ đâu?
Trước hết, đó là bởi các nền bóng đá đã có sự xích lại đáng kể và sự pha trộn các phong cách đã ảnh hưởng lớn tới tâm lý chiến thuật của cả các cầu thủ lẫn HLV. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi ĐTQG tập hợp lại, và những đội bóng càng có nhiều cầu thủ thi đấu ở các giải khác nhau càng có những sự pha trộn rõ rệt. Ngoài ra, các đội bóng cũng ngày một khôn ngoan và hiểu rõ về lối đá của nhau hơn, nên bài toán “thay đổi hay là chết” là điều mà hầu như HLV nào cũng phải đối mặt.
Tuy nhiên có một nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc các đội bóng sẵn sàng từ bỏ những gì là đặc trưng và tinh tuý nhất của mình: chiến thắng.
Trong môi trường bóng đá hiện nay, khi mà tính ganh đua ngày càng quyết liệt, các đội bóng đều chiến đấu với cái đích cuối cùng là 3 điểm, hay ít nhất là không thua. Và dĩ nhiên, ở một đấu trường 4 năm mới có một lần như World Cup, càng không có chỗ cho lối đá phóng khoáng để rồi chuốc lấy thất bại.
Ngay đến một ngôi sao tấn công như Neymar cũng từng phát biểu: “Nếu như đội bóng thắng 1-0 và tôi không ghi bàn thì tôi vẫn hoàn toàn vui vẻ”. Tất nhiên câu nói của Neymar chỉ để thể hiện sự hy sinh của cá nhân cho tập thể, nhưng vô hình chung nó cũng đã giết chết thứ bóng đá đẹp mà người Brazil cất công xây dựng. Nó gợi lại cho người nghe một câu nói nổi tiếng và đầy thực dụng của HLV Mourinho: “Nếu như được chọn chiến thắng với tỉ số 4-3 hay 1-0, tôi thà giành chiến thắng 1-0 còn hơn”.
Việc luôn phải ra sân với tâm lý phải thắng cũng đã tạo ra một sức ép khủng khiếp dành cho các cầu thủ và HLV, làm đôi chân của các cầu thủ căng cứng và không thể chơi bóng với đúng bản sắc của họ.
Các cầu thủ Brazil đã khóc như mưa sau khi vượt qua Chile trên chấm penalty định mệnh, một trận đấu mà họ đã chơi như gà mắc tóc và chỉ có may mắn mới có thể cứu họ khỏi việc bị loại. Họ khóc bởi những căng thẳng và sức ép đã đi quá mức chịu đựng, nhưng huyền thoại Carlos Alberto thậm chí sau đó lại “sạc” cho các cầu thủ một trận nên thân vì dám khóc trước ống kính.
“Họ khóc khi hát quốc ca, khi đá penalty và cả khi đã chiến thắng vậy. Đừng có khóc lóc nữa!”
Với tình cảnh "trên đe dưới búa" như thế, các cầu thủ chủ nhà thi đấu rát chân cũng là điều dễ hiểu.
Hay bản lĩnh như các cầu thủ Đức cũng đã đánh mất sự tự tin của mình và chật vật bước đến bán kết sau những trận đấu đầy khó khăn trước Ghana, Mỹ và Algeria. Thậm chí, sau 120 phút căng thẳng với Algeria, Metersacker cũng đã nổi khùng với cánh phóng viên sau khi bị tra hỏi về màn trình diễn tệ hại của đội bóng. Và cũng đã lâu lắm rồi, người ta không thấy một hình bóng thủ lĩnh Đức “thét ra lửa” để có thể xốc lại tinh thần cho toàn đội.
Kết luận
Suy cho cùng, cũng rất khó để đánh giá hay chê bai các cầu thủ và HLV vì đã bỏ quên mất những gì là đặc sắc của mình để hướng tới chiến thắng. Thế nhưng cũng đừng quên rằng khởi nguồn bóng đá là môn thể thao để giải trí cho người xem.
Những chiến thắng sẽ có ích gì nếu như người xem không thể chứng kiến những trận đấu hay và thấy được những giá trị đặc sắc của mỗi đội trong đó? Các cầu thủ đều tới với trái bóng vì niềm đam mê và sự vui thích, và đáng lẽ ra họ cũng phải là người truyền cảm hứng đó cho người xem mới đúng. Suy cho cùng, thi đấu đúng với bản sắc của mình cũng là một cách để các cầu thủ thể hiện lòng tự hào dân tộc giống như giành chiến thắng vậy…
Thế Hưng