- Hàng tiền đạo tuyển TBN: "Trung thành" với Costa hay quay lại với số 9 ảo?
- Trọng tài - vết đen của kỳ World Cup sôi động
- Pepe lại lĩnh thẻ đỏ: Tật cũ không chừa
Rất nhiều người lo ngại rằng World Cup 2014 sẽ đi theo vết xe đổ của giải đấu 4 năm trước đó tại Nam Phi: tẻ nhạt, ít khán giả, bàn thắng và cả sự kịch tính. Thật vậy, 4 năm trước, trong khi Tây Ban Nha lên ngôi với một loạt trận thắng với tỉ số 1-0, qua đó trở thành nhà vô địch có ít bàn thắng nhất lịch sử thì đội đứng nhì, Hà Lan cũng trình diễn một lối chơi đầy tính thực dụng. Các đội bóng luôn vào sân với tâm lý an toàn, chơi với đội hình thấp và chủ yếu sử dụng lối đá chậm, ru ngủ đối phương để rồi tổng kết lại, trung bình mỗi trận chỉ có 2,27 bàn thắng được ghi.
Anh - Italy, một trong những trận đấu hay nhất cho đến lúc này. |
Tuy nhiên, nhìn vào những gì đã và đang diễn ra tại Brazil 2014, các cổ động viên đã có thể hài lòng với những gì mà giải đấu danh giá này mang lại. Chỉ sau lượt trận đầu tiên, đã có đến 49 bàn thắng được ghi, bằng gần 1/3 so với con số 145 bàn thắng của kì World Cup trước, đạt tỉ lệ 2,88 bàn/trận, cao nhất kể từ World Cup 1970 trở lại đây. Số trận hòa cũng chỉ có: 3/17 trận, nhưng trong đó đã có tới 2 trận là đem lại nhiều pha bóng thót tim và kịch tính cho khán giả là Nga - Hàn Quốc (1-1) và Brazil - Mexico (0-0).
Bên cạnh đó, có đến 7 trận mà đội mở tỉ số không thể giữ được chiến thắng. Đặc biệt là cặp đấu Thụy Sĩ - Ecuador với hai bàn thắng trong những phút cuối của đại diện Châu Âu và màn lội ngược dòng bất ngờ của Costa Rica trước trước Uruguay. Điều này cho thấy các đội không còn chơi quá kín kẽ để giữ gìn thành quả như trước nữa.
Mặt khác, các trận đấu giữa những nền bóng đá lớn đặc biệt không nhàm chán mà trái lại đều đem lại cho người xem cảm giác thích thú như Anh - Italy hay Hà Lan - Tây Ban Nha. Trận Đức - Bồ Đào Nha tuy diễn ra với kết quả một chiều (4-0) và không được như mong đợi nhưng vẫn mang lại sự hấp dẫn bởi hai đội đều chơi tấn công ngay từ đầu.
Nhìn chung, lý do của những con số khả quan ở trên là bởi phần lớn các đội bóng đều vào cuộc với tư tưởng tấn công, chủ động cầm bóng và dâng cao hòng tìm kiếm bàn thắng. Những đại diện được biết đến với lối chơi xơ cứng tẻ nhạt như Australia hay Mỹ đều đã trình diễn bộ mặt cởi mở hơn hẳn. Duy chỉ có những Iran, Algeria và Nigeria là gây thất vọng bằng tư tưởng khá thụ động và an toàn. Sự đa dạng trong các miếng đánh mà các đội thể hiện cũng là một yếu tố đáng để nhắc đến.
Nếu như sơ đồ 3-5-2 đã trở lại với Hà Lan, Argentina thì những sơ đồ hiện đại như 4-2-3-1, 4-6-0 cũng là thứ vũ khí chính của những Đức, Tây Ban Nha hay Anh. Đã có ít nhất 16 đường chọc khe được tung ra ở cặp đấu Hà Lan - Tây Ban Nha trong khi cặp đấu Anh - Tây Ban Nha lại được định đoạt bằng những quả tạt bóng từ hai biên. Thậm chí, tuy chưa có pha đá phạt thành bàn nào, nhưng kì World Cup này đã chứng kiến rất nhiều bàn thắng được thực hiện từ tình huống cố định mà tiêu biểu là những bàn thắng trong trận Uruguay - Costa Rica.
Cuối cùng, những cuộc đối đầu trên băng ghế huấn luyện cũng là một phần hấp dẫn ở giải đấu năm nay. Louis Van Gaal (Hà Lan) đã có một hiệp đấu thất bại trước HLV Del Bosque (Tây Ban Nha) nhưng rồi ông đã tìm ra cách hóa giải tiki-taka để thắng ngược 5-1. Roy Hodgson (Anh) cũng đã có màn tái ngộ rất cân sức với người đã đánh bại ông 2 năm trước đó là Prandelli (Italy) trong khi bằng những con bài trên ghế dự bị, Fabio Capello (Nga), Ottmar Hitzfeld (Thụy Sĩ) hay Marc Wilmots (Bỉ) đã tìm ra cách lật ngược thế cờ trong những phút cuối trận để đem về những điểm số đầu tiên cho đội nhà.
Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để có thể nhận định World Cup 2014 là một trong những kì World Cup hấp dẫn nhất lịch sử bởi lúc này, giải đấu còn chưa kịp đi hết 1/2 chặng đường. Nhưng nhìn vào những điều ở trên, các cổ động viên hẳn đã nhìn thấy sự đa dạng, đầy màu sắc mà 32 đội bóng đã đem đến giải vô địch thế giới lần này. Một màn dạo đầu hấp dẫn, kịch tính, và có chút gì đó phiêu lưu hơn Nam Phi 2010.
Theo VTC