Thứ Tư, 06/11/2024Mới nhất
Zalo

World Cup 2014: Sau 4 năm, các ứng viên đã thay đổi thế nào?

Thứ Năm 12/06/2014 17:46(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Bốn năm là một vòng đời trong bóng đá. Một số cầu thủ nổi lên, một số khác chìm vào quên lãng. Một số đội bóng đầy hứa hẹn xuất hiện, một số khác sụp đổ. Chính những đổi thay ấy khiến việc dự đoán kết quả World Cup trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Các đội bóng chúng ta theo dõi 4 năm trước khác xa với những đội chúng ta theo dõi bây giờ. Hãy xem những ứng viên vô địch hàng đầu đã thay đổi thế nào sau 4 năm.

Tây Ban Nha: Tika-taka không đổi thay nhưng con người đã thay đổi

Đội bóng của Vicente del Bosque dường như là ngoại lệ. Họ vẫn là họ của 4 năm về trước về mặt lối chơi. Chúng ta biết họ sẽ chơi thế nào. Họ vẫn trung thành với tiki-taka. Iker Casillas vẫn là thủ lĩnh, là nguồn cảm hứng. Gerard Pique sẽ dẫn bóng dâng lên từ hàng thủ. Xavi vẫn là nhạc trưởng. Iniesta mang đến sự sáng tạo và biến hóa cho lối chơi. Pedro di chuyển quanh sân giống như đứa trẻ nhảy lên lưng con bò tót. Tây Ban Nha vẫn là Tây Ban Nha. Họ hạ gục đối thủ bằng cả nghìn vết cắt.

Tây Ban Nha đến Brazil với tham vọng bảo vệ ngôi VĐTG
Nhà ĐKVĐ vẫn rất mạnh

Nhưng Tây Ban Nha của năm 2014 đã có những thay đổi trên phương diện con người so với chính họ của lần đầu vô địch World Cup 4 năm về trước. Ở Nam Phi 2010 Torres dính chấn thương nên không phát huy được sức mạnh. Một mình David Villa phải gánh vác trọng trách ghi bàn. Khi anh gặp khó khăn, hàng công Tây Ban Nha cũng trở nên cùn mòn. Bây giờ họ có Diego Costa.

Sự hiện diện của anh giúp Tây Ban Nha có một chiếc xe ủi bên cạnh các vũ công ballet. Đấy là thay đổi theo hướng tốt lên còn thay đổi theo hướng xấu đi là những Xavi, Iniesta và các cầu thủ Barca khác đến Brazil sau một mùa giải thất vọng cùng CLB của họ. Ai cũng già thêm 4 tuổi, mệt mỏi và thiếu động lực hơn. Cúp các LĐCL năm 2013 là bằng chứng cho thấy họ không còn là chính họ của thời đỉnh cao.

Đáng lo ngại nhất là những Bayern Munich, Chelsea, Atletico Madrid, Real Madrid đã triển khai thứ bóng đá chống lại tiki-taka. Tất cả các đội bóng khác đều tìm cách chống lại sự thống trị của tiki-taka đồng nghĩa với việc Tây Ban Nha phải tìm một cách tiếp cận khác.

Brazil: Chắc chắn, chặt chẽ, cân bằng hơn nhưng thiếu tiền đạo giỏi

Từ Nam Phi 2010 tới Brazil 2014, Selecao đã có nhiều thay đổi. Sau những trải nghiệm thất bại với Carlos Dunga rồi Mano Menezes, Brazil quay lại với Felipe Scolari cùng thứ bóng đá chắc chắn, đặt kết quả thi đấu lên trên hết và xây dựng đội bóng bằng đầu từ hàng thủ. Big Phil không phải là nghệ sỹ. Với ông chiến thắng là số 1. Những thứ khác phải xếp sau. Với triết lý ấy, Brazil của năm 2014 vẫn sẽ chơi với lối chơi tương tự ở Nam Phi 2010.

Một hàng thủ chắc chắn xoay quanh Thiago Silva cho phép các vũ công Samba ở phía trên được tự do thêu hoa dệt gấm. Chất lượng cầu thủ của Selecao đã được nâng lên. Nhiều người từng chơi dưới thời Dunga nay đã ra đi. Đội Brazil hiện tại cân bằng hơn với Neymar bên trái, Oscar ở giữa và Hulk bên cánh phải. Vấn đề là họ thiếu một sát thủ để tận dụng những cơ hội. Người Brazil lúc này hẳn muốn có một Luis Fabiano của năm 2010 hơn là một Fred của năm 2014.

Argentina: Những cá nhân xuất chúng và dấu hỏi Lionel Messi

Một lần nữa như bao lần, Argentina có lẽ là đội bóng tập trung nhiều nhất những cầu thủ tài năng, nhất là ở tuyến trên. Lần này họ không tự bắn vào chân mình bằng cách bổ nhiệm Diego Maradona làm HLV. Alejandro Sabella đã xây dựng một lối chơi cho phép ông khai thác tối đa phẩm chất của Lionel Messi trong khi vẫn phát huy được tài năng của những Sergio Aguero, Angel Di Maria và Gonzalo Higuain.

Đấy là lí do nhiều người đặt cược cho Argentina sẽ khiến Brazil một lần nữa ôm hận trên sân nhà và giành chức vô địch World Cup thứ 3 ngay tại sào huyệt của đối thủ thuộc loại lớn nhất của họ. Chỉ có một dấu hỏi là phong độ của Messi. Đội Argentina này được xây dựng không chỉ để phục vụ Messi nhưng trong chừng mực nào đó nó được tạo nên bởi số 10. Sabella đã hỏi Messi xem anh cảm thấy chơi thế nào là tốt nhất và anh muốn chơi cùng với những ai. Vấn đề là Messi lúc này không phải là chính mình. Sẽ là một Messi như thế nào trong những ngày tới đây?

Messi tỏ ra đầy tự tin vào sức mạnh của ĐT Argentina
Argentina quá phụ thuộc vào Messi

Italy: Linh hoạt chiến thuật là bí quyết chiến thắng

Người Italy phải cảm ơn người Pháp. Đội Italy của Marcello Lipp tới Nam Phi 2010 với tư cách ĐKVĐ nhưng hành trình bảo vệ vương miện của họ thật đáng xấu hổ. Họ không thắng nổi trận nào và bị loại từ vòng bảng. Chất lượng của các đối thủ nằm cùng bảng đấu càng khiến thất bại của Italy trở nên tồi tệ hơn. Slovakia, New Zealand và Paraguay đều không phải những tên tuổi lớn. Chỉ có thất bại của tuyển Pháp mới làm cho Italy có “bạn đồng hành” ở Nam Phi.

Sau 4 năm Italy đã có nhiều thay đổi. Bây giờ họ nằm trong một bảng đấu khó khăn hơn nhiều với Anh và Uruguay đang mai phục. Nhưng đội Italy này cũng được vũ trang tốt hơn nhiều so với 4 năm trước để chống lại địch thủ. Họ không còn gặp vấn đề thế hệ ngoài trừ vẫn tiếp tục sử dụng “Người không tuổi” Andrea Pirlo.

Vũ khí lớn nhất của Italy nằm ở sự linh hoạt về chiến thuật. Họ có thể thay đổi lối chơi theo ý muốn. Ông Prandelli muốn Italy chơi với nhiều chiến thuật khác nhau trong một trận đấu. Italy có thể không đánh bại được đối thủ bằng các tài năng cá nhân nhưng họ có thể làm việc đó bằng sự già dơ của mình. Azzurri cũng được hưởng lợi nhờ phong độ cao của Marco Verratti, người có thể đạo diễn trận đấu gần được như Pirlo nếu có phong độ cao nhất.

Tuyển Đức: Trồng cây đến ngày ăn quả?

Bốn năm về trước ở Nam Phi, tuyển Đức giới thiệu với thế giới bóng đá một thế hệ cầu thủ tài năng mới. Bây giờ họ kỳ vọng những ngôi sao của 4 năm trước đủ độ chín để biến Đức thành thế lực thực sự đến từ Châu Âu. Đức phiên bản 2014 đã có nhiều đổi thay nhân sự với Đức 2010. Chỉ còn 11 cầu thủ từng có mặt trong hành trình của đội bóng vào đến bán kết World Cup 2010 vẫn tham chiến ở Brazil 2014.

Nhưng cách tiếp cận của “Die Mannschaft” vẫn không thay đổi. Tuyển Đức chỉ có hai cầu thủ hơn 30 tuổi là thủ thành dự bị Roman Weidenfeller và chân sút lão làng Miroslav Klose. Đây là đội Đức được xây dựng dựa trên mô hình kết hợp của Borussia Dortmund và Bayern Munich với những đặc trưng là kỹ thuật điêu luyện, pressing rất mạnh, hăng hái và phiêu lưu.

Một khác biệt nữa nằm ở áp lực. Ở EURO 2008 và World Cup 2010, người Đức không được kỳ vọng nhiều. Năm 2012, họ bị Italy loại ở bán kết. Còn năm 2014 này họ được coi là một trong các ứng viên vô địch và có trách nhiệm phải chứng tỏ mình xứng đáng với vị trí ấy. Nếu không, tất cả những cái gọi là thất bại nhưng vẫn…thành công, là phong cách mới, là thế hệ trẻ tài năng của “Die Mannschaft” đều trở thành vô nghĩa.

Tuyển Anh: Phiêu lưu hay thận trọng?

Tuyển Anh đã thay đổi rất nhiều trong 4 năm qua. Fabio Capello nhường chỗ cho Roy Hodgson trên ghế HLV. Ban huấn luyện cũng đã được thay đổi triệt để. Đội bóng được trẻ hóa với sự xuất hiện của những Raheem Sterling, Ross Barkley và Luke Shaw, những người không phải mang gánh nặng của những thất bại quá khứ. Hiệu ứng đến tức thì. Lần đầu tiên tuyển Anh đến Brazil và được kỳ vọng sẽ chơi đúng với khả năng của họ.

Vượt qua vòng bảng được coi là một thành công. Vào đến tứ kết, vốn được coi là mục tiêu tối thiểu suốt một thời gian dài, bây giờ được coi là chiến thắng thực sự. Vấn đề là liệu sự thay đổi của tuyển Anh có được hoàn tất bằng việc áp dụng một lối đá phiêu lưu, phóng khoáng và năng động hơn hay không. Liệu ông Roy Hodgson có đủ quyết đoán và dũng cảm để cho tuyển Anh chơi phiêu lưu hơn hay người Anh lại sẽ trở về với lối chơi thận trọng, thiếu cảm hứng như đã từng?

Tuyển Pháp: Quên đi nỗi thất vọng Nam Phi 2010

Những vết gợn ở Knysna vẫn còn đọng lại trong tâm trí người Pháp. Nam Phi 2010 chứng kiến bóng đá Pháp tụt dốc. Nội bộ tuyển Pháp bất hòa khi các công thủ công khai chỉ trích, chống đối Raymond Domenech. Tất cả vẫn chưa quên mâu thuẫn đỉnh điểm của ông này với Nicolas Anelka. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đa số các CĐV của “Les Bleus” vẫn chưa thể bỏ qua hay lãng quên những gì xảy ra ở Nam Phi 4 năm về trước.

Bây giờ là đội Pháp mới của Didier Deschamps. Nhà cầm quân trẻ tuổi áp dụng chính sách bàn tay sắt với việc loại bỏ không thương tiếc Samir Nasri khỏi danh sách dự World Cup để làm trong sạch đội ngũ, để siết chặt kỷ luật. Tài năng của Nasri là không phải bàn cãi nhưng Deschamps nhấn mạnh ông coi trọng yếu tố kỷ luật trước tiên. Dù không có tiền vệ Man City nhưng đội Pháp này vẫn được coi là mạnh hơn nhiều so với phiên bản 2010 ở Nam Phi. Đấy là một đội Pháp trẻ trung và hứa hẹn hơn nhiều với những Lucas Digne, Raphael Varane và nhất là Paul Pogba. Tất cả mang đến sức trẻ và bầu máu nóng. Đây là một đội Pháp năng động, một đội Pháp đủ tài năng để xua tan bóng ma Knysna năm 2010.

Hà Lan: Lốc da cam hay là cơn gió thoảng?

Không có đội bóng nào khác pha trộn đội hình giống như Hà Lan, giữa những lão tướng và những cầu thủ trẻ, giữa những gương mặt đã thành danh và những niềm hy vọng của tương lai. Các ngôi sao hàng đầu, những người đóng vai trò trụ cột đưa Hà Lan của Bert van Marwijk vào chung kết World Cup 2010 vẫn còn đó. Nhưng ở hàng thủ, chỉ có những người theo dõi Eredivisie sát sao nhất mới có thể phân tích chuyên sâu về những cái tên như Daryl Janmaat, Bruno Martins Indi và Joel Veltman.

Trong con người Louis vn Gaal chảy dòng máu của bóng đá tấn công nên đội Hà Lan này không thể khác vẫn sẽ chơi thứ bóng đá hướng về phía trước ấy. Ông van Gaal có thể trông đợi ở đẳng cấp và kinh nghiệm của những Robin van Persie, Wesley Sneijder và Arjen Robben. Nhưng ông cũng có thể dựa vào tốc độ của những Jordy Clasie, Memphis Depay và Georginio Wijnaldum. Hà Lan thực sự khó lường ở World Cup 2014 này.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X