Thứ Năm, 09/05/2024Mới nhất
Zalo

World Cup 2014: Quyền của sự sống

Thứ Ba 08/07/2014 14:09(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Có rất nhiều đội bóng lớn và ngôi sao sân cỏ đến World Cup 2014 với tham vọng chung: chức vô địch. Đã có rất nhiều đội bóng và ngôi sao phải chia tay với giải trước vòng bán kết, để chỉ còn 4 đội sót lại.

Brazil 5 lần vô địch thế giới, Đức 3 lần. Đây là 2 đội thường vào sâu ở World Cup và thành công. Trong khi đó, thật khó tin khi phải đợi đến 24 năm Argentina mới lại lọt vào bán kết một kỳ World Cup. Không như Argentina ở Mexico ‘86 hay Italia ‘90 rất nghèo nàn tài năng, Albiceleste tại France 98, Hàn Quốc - Nhật Bản 2002, Đức 2006, Nam Phi 2010 thặng dư tài năng đến nỗi bỏ đi vài ngôi sao cũng chẳng sao. Argentina tại World Cup 2014 cũng vậy, nếu không đã không có chuyện Carlos Tevez phải ngồi nhà xem Cúp thế giới.

 

Nỗi khát khao chinh phục đỉnh cao của Albiceleste có lẽ không lớn hơn Hà Lan, quốc gia khá ít dân nhưng lại thường sản sinh rất nhiều tài danh bóng tròn. Sau Đức, Hà Lan chính là đội ổn định nhất kể từ World Cup 1998 đến nay với 3 lần vào đến bán kết. Thậm chí cách đây 4 năm, chỉ cần có thêm chút may mắn hoặc nếu Arjen Robben dứt điểm “đúng khả năng” khi đối mặt Iker Casillas ở World Cup 2010, đội tuyển áo da cam đã không phải chịu nỗi đau cả 3 lần vào chung kết World Cup thua cả 3!

Hà Lan hoặc Argentina khi bị loại khỏi chung kết Brazil 2014 đều ít nhiều để lại tiếc nuối, vì quá khứ đen đủi của hai đội bóng này, vì nỗ lực đáng khen của họ ở World Cup 2014, hoặc vì cảm tình riêng với những danh thủ như Messi, Robben hay Van Persie. Brazil 2014 có thể là kỳ World Cup đỉnh cao cuối cùng của những siêu sao hàng đầu thế giới vừa nêu.

Đến lúc này, Messi, Robben, Van Persie đều đã chứng tỏ được giá trị và đẳng cấp. Tài năng và tầm ảnh hưởng của họ không chỉ thể hiện ở số liệu thống kê (rõ nhất là bàn thắng, đường chuyền thành bàn). Chỉ cần một cầu thủ như Messi có mặt trên sân là đối thủ luôn sợ hãi, ví dụ như tuyển Bỉ thường xuyên dùng 3 hoặc 4 cầu thủ ngăn cản những pha tăng tốc, lừa bóng như ma thuật của thủ quân Albiceleste. Chính điều đó đã góp phần không nhỏ giúp Gonzalo Higuain giải tỏa cơn khát ghi bàn, tìm lại sự tự tin cho chính mình cũng như các cầu thủ Argentina khác có cơ hội tỏa sáng khi Messi được “chăm sóc đặc biệt”.

Tương tự là trường hợp Robben và Van Persie ở ĐT Hà Lan. Giỏi đá bóng, ghi bàn, giàu kinh nghiệm và giỏi cả tiểu xảo, “song sát” của Oranje lúc nào cũng có thể đem lại sự sống cho một Hà Lan khô cứng, thiếu sáng tạo và thiếu cả tài năng (nếu so với chính mình các kỳ World Cup trước). Robben gây tranh cãi khi thừa nhận anh đã ăn vạ ở trận gặp Mexico, nhưng ngôi sao này không hứa sẽ… không ăn vạ ở các trận tiếp theo. Bóng đá và vinh quang World Cup đôi khi là hấp lực quá lớn mà người ta sẵn sàng trả những cái giá thật đắt để có được nó.

Argentina từng bị nghi ngờ “mua” Peru ở World Cup 1978. Hà Lan từng tố cáo Đức chơi bẩn trước trận chung kết World Cup 1974. Ít người biết Messi có đến 3 lần phạm lỗi ở trận gặp Bỉ (nhiều nhất trong hơn chục trận siêu sao này thi đấu ở 3 kỳ World Cup). Nói ít nhưng không có nghĩa quyết tâm của Messi không cao. Robben hay Van Persie sẵn sàng chấp nhận bị người đời xỉ vả nếu trò đóng kịch của họ đem lại cho Hà Lan bàn thắng quyết định (như trước Mexico). Hà Lan và Argentina dư sức đá đẹp nhưng bây giờ không phải là lúc nói đến chuyện phong cách, truyền thống. Tiểu xảo, bạo lực, gì cũng được miễn là chiến thắng.

Có như thế, ngay cả một HLV xoàng như Alejandro Sabella cũng được ca ngợi, dù người ta chẳng thấy dấu ấn của ông trên hành trình vào bán kết World Cup của Argentina. Còn sống là còn hy vọng, còn tiếng nói, còn người nghe là vì vậy! 

Theo Bongdaplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X